"Vợ Nguyễn Huy Thiệp mới mất năm ngoái, giờ ông lại ra đi…"

(Dân trí) - "Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có tài nhưng cũng là người cô đơn. Ông có nhiều tâm sự nhưng lại không dễ chia sẻ", nhà văn Trần Thị Trường xót xa trước sự ra đi của tác giả "Tướng về hưu".

Nhà văn Trần Thị Trường: "Nguyễn Huy Thiệp, người tài nhưng cô đơn"

Dẫu biết Nguyễn Huy Thiệp bệnh nặng và tôi cũng đến thăm ông nhiều lần, cả lúc ông nằm li bì nhưng nghe tin ông qua đời tôi vẫn sốc.

Vợ ông mới mất năm ngoái, giờ ông lại ra đi…

Lần đến thăm ông gần đây nhất, con trai ông kể rằng ông từ chối ăn sữa. Bạn bè đến chơi, ông không nói được, thậm chí không mở mắt nhưng gọi thì ông có biểu hiện có biết. Con trai ông, Nguyễn Phan Khoa gọi: "Bố ơi, bố biết ai đến chơi với bố không? Cô Trường đây này". Ông có biết đấy!

Vợ Nguyễn Huy Thiệp mới mất năm ngoái, giờ ông lại ra đi… - 1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 72 tuổi (Ảnh: TL)

Con trai ông cũng mong muốn ông sống đến lúc nhận giải thưởng Nhà nước nhưng giờ thì không thể nữa rồi.

Đối với tôi, Nguyễn Huy Thiệp vừa là một nhà văn có tài nhưng cũng là người cô đơn, dù có nhiều bạn bè. Ông là người có nhiều tâm sự nhưng lại không dễ chia sẻ, khó khăn trong việc giãi bày. Ông là người nhiệt tình nhưng bao nhiêu ý tứ ông đưa hết vào truyện cả rồi, ngoài đời ông lại là người khó nói...

Trong một thời gian chưa tìm được lối viết mới, Nguyễn Huy Thiệp đã chuyển sang vẽ trên chất liệu gốm sứ. Đấy là sự cố gắng tìm tòi của ông khi mà vấn đề sáng tạo văn học có phần chững lại. Con trai ông, Nguyễn Phan Bách cũng là một họa sĩ.

Đối với tôi, hầu hết các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp có giá trị nhưng nếu nói thích nhất thì tôi thích truyện "Muối của rừng", "Con gái thủy thần", "Những người thợ xẻ", Bộ ba truyện "Kiếm sắc", "Vàng lửa", "Phẩm tiết"…

Những truyện trên ông viết rất sâu sắc, nhân văn và cực kỳ độc đáo.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: "Vị trí của Nguyễn Huy Thiệp không ai thay thế được"

Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn Việt Nam bắt đầu từ truyện ngắn nổi tiếng "Tướng về hưu", sau đó là "Không có vua", "Muối của rừng"… Truyện của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một sự thay đổi mạnh, là bước ngoặt trong chất lượng văn chương Việt Nam.

Vợ Nguyễn Huy Thiệp mới mất năm ngoái, giờ ông lại ra đi… - 2

Bộ phim "Tướng về hưu" được làm từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Ảnh: TL).

Bởi, cả trên phương diện cái được viết và cách viết- người ta cảm thấy văn học Việt Nam cả một thời gian dài, kể từ sau 1975 mang một cảm hứng sử thi, một chiều, lối viết cũ, không gây hấn với người đọc hay trăn trở về nội dung phản ánh.

Chưa có tác phẩm văn học nào buộc người ta phải tranh cãi cách đọc như tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Khi ông xuất hiện, đồng thời dấy lên cuộc tranh luận lớn về cách đọc truyện. Những ý kiến có thể xung đột, đối chọi nhau về cách hiểu một tác phẩm văn học.

Đó là thành công lớn của Nguyễn Huy Thiệp.

Không chỉ tạo ra được bước ngoặt lớn trong văn học, Nguyễn Huy Thiệp thể hiện không phải sự ngẫu nhiên mà truyện nối tiếp truyện. Trong vòng 5 năm ông xuất hiện, nhiều truyện đã trở thành truyện cổ điển. Ông liên tiếp đưa ra từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ những truyện đời thường, viết về đời tư, thế sự đến những truyện nhân vật lịch sử, ông cũng đem đến sự khác lạ.

Nguyễn Huy Thiệp có vị trí không ai thay thế được trong văn học Việt Nam hiện đại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm