Vợ con NSND Anh Tú khóc nghẹn bên linh cữu trong tang lễ
(Dân trí) - Tang lễ NSND Anh Tú - Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 - Trần Thánh Tông - Hà Nội). Đông đảo giới nghệ sĩ và người hâm mộ đã không kìm được nước mắt, ôm chầm lấy vợ con nam nghệ sĩ khóc nghẹn ngào.
Có thể nói, chưa có tang lễ của nghệ sĩ nào mà người đến viếng có mặt sớm và đông đảo đến vậy. Ngoài những nghệ sĩ tên tuổi là tiền bối, bạn bè, đồng nghiệp của NSND Anh Tú ở các đoàn nghệ thuật như: NSƯT Lê Mai, NSND Doãn Châu, NSND Quang Vinh, NSND Hoàng Dũng, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Trần Nhượng, NSƯT Trung Anh, NSND Đỗ Kỷ, NSND Tự Long, NSƯT Đỗ Thanh Hải, NSƯT Kim Oanh… còn có rất nhiều thế hệ học trò và người hâm mộ anh qua các vai diễn trên sân khấu lẫn trên truyền hình.
Những ký ức, những kỷ niệm và những câu chuyện xưa cũ với người vừa nằm xuống cứ thế dội về khiến cho nước mắt người nghệ sĩ lăn dài. Nhiều nghệ sĩ sau khi đi vòng quanh linh cữu người quá cố đã ôm chầm lấy vợ và con của nam nghệ sĩ òa khóc nức nở. Nhiều nghệ sĩ cũng đã lưu lại những dòng lưu bút đầy xúc động trong sổ tang.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam viết: “Vô cùng thương tiếc NSND Phạm Anh Tú. Nghệ sĩ tài năng, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp sân khấu cách mạng Việt Nam. Cầu mong nghệ sĩ siêu thoát ở cõi vĩnh hằng”.
Nhà văn Chu Lai viết: “Nhớ vô cùng những ngày làm việc với nhau, ấm áp, thăng hoa, chân thành và dâng hiến vô cùng. Tú đi quá trẻ như là một sự tận dâng đã được đáp đền và chuyển tiếp”.
Vợ con NSND Anh Tú khóc nghẹn bên linh cửu của chồng - cha.
NSƯT Xuân Bắc viết: “Anh! Em cứ nghĩ chỉ khoảng 10 ngày nữa anh sẽ quay trở lại Nhà hát làm việc. Em cứ nghĩ anh chỉ đi khám một tí thôi. Em cứ nghĩ anh đã thấy mình mệt và nghe theo lời khuyên của mọi người đi khám, thế thôi và thế thôi, ai ngờ… Anh Tú ơi! Mình còn bao nhiêu việc để làm, còn những dự định để anh em mình và anh em trong Nhà hát thực hiện.
Trước khi nhập viện 3 ngày, anh và em có bàn bạc cho vở mới. Anh còn nói “Cả đêm qua anh không ngủ, em phải làm vai này - “Hoạ bì”. Em với anh còn ôm nhau rất chặt và thấy mình cần phải làm nhiều việc hơn nữa cho nghề, cho Nhà hát. Vậy mà… Anh đã đi thật rồi anh ơi.
Mọi người luôn nhớ anh, các diễn viên luôn nhớ anh, các học trò của anh luôn nhớ anh… Biết bao nỗi nhớ về anh. Cầu mong nơi xa đó, nơi vĩnh hằng anh an nghỉ và phù hộ cho gia đình cùng những người thân thiết. Phù hộ cho lứa đàn em như bọn em tiếp tục con đường mà anh đã truyền lửa”.
Trong điếu tang do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải đọc có đoạn viết: “Dẫu biết quy luật của muôn đời là có sống có thác, có sinh ly, có tử biệt. Và dẫu biết rằng, trong những ngày tháng qua, với bản lĩnh của mình, người nghệ sĩ đã kiên cường chống chọi với cơn bạo bệnh, đã kiên cường âm thầm chịu đựng bệnh tật một mình… nhưng vẫn khao khát được bình phục, khao khát được sống để tiếp tục trở về bên vợ con, cha mẹ; để tiếp tục được tới Nhà hát làm những để công việc còn đang dang dở, tiếp tục cống hiến công sức của mình cho nghệ thuật nước nhà. Nhưng, căn bệnh hiểm nghèo đã đeo đuổi ông. Ông đã ra đi, ra đi mãi mãi…
Tiễn đưa NSND Anh Tú về nơi an nghỉ cuối cùng, chúng ta sẽ giữ mãi hình ảnh về một diễn viên, một đạo diễn tài năng của sân khấu kịch nói miền Bắc, của Nhà hát Tuổi trẻ, của Nhà hát Kịch Việt Nam và của nhiều thế hệ công chúng yêu nghệ thuật; người chồng, người cha, người anh, người bạn, người đồng nghiệp kính trọng”.
NSND Anh Tú sinh ngày 20/1/1962. Quê quán xã Sơn Thanh - huyện Phú Xuyên - Hà Nội. Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ và gia đình hết lòng chăm sóc, cứu chữa, nhưng do bệnh nặng đã từ trần hồi 12 giờ 35 phút ngày 20/12/2018 tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, hưởng dương 57 tuổi.
NSND Anh Tú sinh ra trong một gia đình cha mẹ anh đều là cán bộ của ngành giáo dục. Anh là con đầu, là anh của hai em trai. Gia đình anh không ai làm nghệ thuật nhưng với tài năng bẩm sinh, từ nhỏ NSND Anh Tú đã yêu nghệ thuật, đam mê với nghề diễn.
Từ năm 1978 đến năm 1981, anh là học sinh lớp Kịch nói (Khóa I) do Nhà hát Tuổi trẻ đào tạo. Tốt nghiệp xuất sắc, anh được tuyển dụng làm diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ.
Từ năm 1995 đến năm 2006, anh là Đội trưởng Đội diễn xuất 1 (Nhà hát Tuổi trẻ), cùng anh em nghệ sĩ bôn ba trên khắp mọi nẻo đường của tổ quốc để phục vụ nhân dân.
Bằng năng lực và uy tín nghề nghiệp, anh liên tục được quan tâm, tạo cơ hội phát triển. Năm 2006, anh được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng Đoàn kịch I (Nhà hát Tuổi trẻ). Tháng 3/2013, anh được Lãnh đạo Bộ VHTT&DL điều động về Nhà hát Kịch Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc. Tháng 11/2017, anh được giao chức vụ PGĐ phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ tháng 4/2018, anh được Bộ VHTT&DL tin tưởng trao chức vụ Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Để thỏa niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, từ năm 2001 đến năm 2005, nam nghệ sĩ đã theo học chuyên ngành đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tốt nghiệp hạng xuất sắc. Trong suốt hơn 40 năm gắn bó với nghiệp diễn với tư cách là diễn viên rồi đạo diễn sân khấu, nam nghệ sĩ đã tham gia gần 30 vở diễn trong đó nhiều vai diễn đã đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp trong nước.
Trên cương vị đạo diễn, anh đã dàn dựng hơn 10 vở diễn cho Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam và một số đơn vị nghệ thuật khác; trong đó có nhiều vở diễn đoạt giải thưởng tại các Liên hoan, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp.
Trong hoạt động điện ảnh - truyền hình, anh tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng, là gương mặt quen thuộc của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam như phim: “Của để dành”, “Đàn trời”, “Chiều ngang qua phố cũ”…
Hà Tùng Long