1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

NSND Lê Khanh: “Tôi vừa giận, vừa thương anh Anh Tú!”

(Dân trí) - “Nghe tin Anh Tú bị bệnh phải nhập viện cấp cứu vì quá ham công tiếc việc, cảm xúc của tôi rất phức tạp. Vừa giận vừa thương. Giận vì anh ấy không chịu nghĩ cho sức khoẻ của mình, không chịu yêu quý bản thân... đến nỗi tổn hại đến sinh mệnh của mình”, NSND Lê Khanh nói.

Sáng nay (24/12), đông đảo nghệ sĩ có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia - Hà Nội để tiễn đưa NSND Anh Tú về nơi an nghỉ cuối cùng. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp… nhòa lệ và nặng trĩu khi vòng quanh lĩnh cữu người quá cố. Tiếng khóc hòa trong nỗi xót xa khiến cho không khí buồn đau như kéo dài vời vợi.

Có mặt từ sớm tại nhà tang lễ cùng mẹ là NSƯT Lê Mai, NSND Lê Khanh đỏ hoe mắt chia sẻ, chị và NSND Anh Tú là bạn cùng khoá. Chị là người ít tuổi nhất lớp diễn viên khóa I - Nhà hát Tuổi trẻ, khi vào học mới 16 tuổi. Cả hai đã có khoảng thời gian bên nhau quá dài, từ ngồi học trên giảng đường, tập luyện rồi sau này là cùng hoạt động nghệ thuật ở Nhà hát, đóng cặp với nhau ở nhiều vở diễn. Nhiều lúc Lê Khanh còn nói đùa với Anh Tú là hai đứa thời gian ở bên nhau còn hơn ở với gia đình.

NSND Lê Khanh: “Tôi vừa giận, vừa thương anh Anh Tú!” - Ảnh 1.

Đông đảo nghệ sĩ đến tiễn đưa NSND Anh Tú về nơi an nghỉ trong sáng 24/12.

NSND Lê Khanh: “Mỗi một thành viên trong khóa I lớp diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ để lại đều có sự khác biệt và khi họ kết hợp với nhau tạo thành một tổng thể rất hoàn hảo. Mỗi người như là “trời định” hoặc “tổ đãi”, ai cũng có dấu ấn riêng. Tách ra vô cùng độc đáo nhưng hòa hợp lại thì có những điểm chung nhất.

Anh Tú là một trong những bạn diễn rất quý bởi càng ngày càng hiếm có những người như thế. Tú là một nghệ sĩ có niềm đam mê bất tận, đúng khái niệm “thiêu thân”, “xả thân quên mình” vì nghệ thuật, vì sân khấu. Biết mình sẽ tiêu hao năng lượng, sức khỏe và tuổi xuân nhưng vẫn hết mình với công cuộc sáng tạo nghệ thuật.

Nghe tin Anh Tú bị bệnh phải nhập viện cấp cứu vì quá ham công tiếc việc, cảm xúc của tôi rất phức tạp. Vừa giận vừa thương. Giận vì anh ấy không chịu nghĩ cho sức khỏe của mình, không chịu yêu quý bản thân... đến nỗi tổn hại đến sinh mệnh của mình.

Thương vì Anh Tú là nghệ sĩ tài năng trên sân khấu. Anh ấy có thể hóa thân được rất... rất nhiều các loại vai khác nhau. Biên độ để hóa thân vào các tính cách nhân vật rất rộng, từ hiền đến ác, dữ dằn đến trung trực… Từ thời kỳ trẻ mới bước vào sân khấu, Anh Tú được vào các vai trong trẻo bởi gương mặt thư sinh, đến lớn hơn chút nữa là vai nhiệt huyết, khát vọng, kiểu chàng trai đam mê, dám nghĩ dám làm như các vở “Tôi đi tìm tôi”; “Cuộc đời tôi”… Tiếp đến khi đã ở tuổi trung niên có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm thì anh Anh Tú vào những vai gai góc, trắc ẩn cần thể hiện nội tâm như trong “Rừng trúc”; “Vũ Như Tô”; “Âm mưu tình yêu”…

Anh Anh Tú vẫn hay chia sẻ với tôi là anh luôn trăn trở, muốn khôi phục, lấy lại được không khí nghệ thuật chính thống, sân khấu kịch tâm lý hiện đại.

NSND Lê Khanh: “Tôi vừa giận, vừa thương anh Anh Tú!” - Ảnh 2.

NSND Lê Khanh và mẹ là NSƯT Lê Mai khóc thương NSND Anh Tú.

Thời điểm anh Anh Tú nhận lời sang làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam là thời điểm anh ấy “nắm cờ trong tay”, có thể chủ động làm những gì mình muốn, đi con đường mình định. Anh ấy dồn mọi tâm sức trong thời điểm này. Các tác phẩm trong thời điểm này dường như ra đời hàng ngày. Nào là kinh điển, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng… tất cả những điều lớn lao nhất đều nằm trong những năm tháng này.

Tôi biết anh Anh Tú khi ở cương vị này gặp rất nhiều áp lực, luôn trăn trở là làm thế nào để duy trì truyền thống vẻ vang của Nhà hát Kịch Việt Nam - “Anh cả đỏ” của làng sân khấu phía Bắc mà không bị so sánh giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ. Anh ấy chia sẻ rất nhiều lần là sẽ quyết tâm làm được những điều mà lãnh đạo giao.

Cũng thời điểm này, khi cả hai không còn ở chung Nhà hát Tuổi trẻ, thi thoảng nhớ anh tôi lại sang Nhà hát Kịch Việt Nam thăm anh. Mỗi lần sang chơi thăm anh Tú, tôi thấy anh kiểu như càng suy kiệt dần… suy kiệt dần. Tôi thấy anh ấy để râu, gần như chẳng mấy khi về nhà. Có bao nhiêu thời gian là dồn hết cho sân khấu, cho nghệ thuật… Cứ như anh ấy linh cảm thấy thời gian để anh ấy cống hiến cho sân khấu đang ít dần lại vậy.

Bây giờ chúng ta có thể suy luận ra nhiều điều. Nhưng hồi đó, nhìn thấy anh Tú như thế tôi rất xót. Lần nào, tôi cũng nhắn nhủ anh ấy đúng một câu “Anh phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ” và anh ấy cũng nhắn lại tôi đúng một câu “Khi nào rảnh thì lại sang chơi với anh nhé!”.

Tôi nghĩ những gì anh Tú đã làm cho nghệ thuật có khi bằng cả một đời phấn đấu của nhiều người. Có những người nghệ sĩ chỉ dừng ở ước mơ chứ chưa thực hiện được thì anh Tú lại đã làm được những gì anh ấy muốn. Tôi có đưa lên trên trang cá nhân một câu rằng: “Vô cùng tiếc thương người bạn diễn đầy tài năng của Khanh! Tiếc thương một người đạo diễn đã đem lại cho Khanh nhiều niềm hy vọng”. Thực sự, anh ấy là đạo diễn nổi trội nhất trong thế hệ của chúng tôi và khóa đạo diễn của chúng tôi.

Anh Tú giống như Vũ Như Tô trong vở “Vũ Như Tố” mà anh Tú từng đảm nhận, luôn mơ ước xây “cửu trùng đài” nhưng “cửu trùng đài” chưa thành. Tôi tin chắc chắn, cõi này chỉ là cõi tạm và anh ấy vẫn tiếp tục xây “cửu trùng đài” ở một cõi khác. Người như thế sẽ không bao giờ dừng lại. Trong giới hạn tầm nhìn, tầm hiểu biết của “người trần mắt thịt” thì vũ trụ này chỉ ở chặng nghỉ này thôi và khi sang cõi khác anh ấy sẽ tiếp tục giấc mơ dang dở”, NSND Lê Khanh chia sẻ.

NSND Lê Khanh: “Tôi vừa giận, vừa thương anh Anh Tú!” - Ảnh 3.

NSƯT Trung Anh thẫn thờ bên linh cữu của bạn.

NSND Trung Anh buồn bã tâm sự: “Tôi với Anh Tú học cùng lứa với nhau. Tôi, Lan Hương “bông”, Đỗ Kỷ… được đào tạo ở Nhà hát Kịch Việt Nam còn Anh Tú, Lan Hương, Minh Hằng… là đào tạo ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Hôm giỗ tổ, nhìn thấy Tú bước từ trên ô tô xuống phải có người dìu tôi hết sức giật mình. Vì lâu lâu tôi mới lên Nhà hát nên cũng không gặp Tú thường xuyên. Hôm gặp đó, Tú có bảo với tôi rằng: “Tôi yếu lắm ông ạ! Mắt tôi mờ rồi”. Hôm đó, Quốc Khánh bảo: “Thôi ông ơi! Ông đi khám đi cho tôi nhờ. Ông cứ như này thì đuối đấy”. Và chẳng bao lâu sau thì Tú vào viện cấp cứu. Trước đó, Tú còn bảo với tôi và Quốc Khánh là “Sắp tới, hai ông về làm vở “Công chúa Đô-ra-đốp” với tôi nhé”. Tú cũng đã đưa kịch bản cho tôi rồi.

Thời điểm Tú nằm ở viện, tôi có vào viện thăm bạn được 3 lần. Mặc dù ốm đau như thế nhưng lúc nào trong đầu Tú cũng dồi dào ý tưởng và luôn nghĩ về công việc. Tú tham công tiếc việc lắm lắm. Lần đầu vào viện thăm, Tú còn bảo tôi: “Nếu dịp tới ông bớt bận thì về Nhà hát làm vở với tôi nhé”. Tú lạc quan và tin tưởng mình sẽ sớm khỏe để quay lại với công việc. Ai ngờ… Thực sự là nghe tin Tú đi tôi rất sốc. Thương bạn vô cùng”.

Hà Tùng Long

Ảnh: Toàn Vũ

Dòng sự kiện: NSND Anh Tú qua đời