Vở cải lương về cuộc đời Huyền Trân công chúa khiến khán giả rơi lệ
(Dân trí) - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa công diễn hai buổi vở “Ni sư Hương Tràng” tại Hà Nội. Vở diễn đã khiến nhiều người xem rơi lệ khi cuộc đời trầm luân của công chúa Huyền Trân được lý giải dưới một góc nhìn đầy nhân văn và gần gũi.
Khắc họa cuộc đời trầm luân của Huyền Trân công chúa
Trong hai buổi công diễn vở “Ni sư Hương Tràng” tại rạp Đại Nam - Hà Nội, khán giả đã kéo đến chật kín không còn chỗ trống. Khán giả thậm chí còn kê ghế nhựa ngồi sát lên tận sân khấu và kín đặc lối đi giữa các hàng ghế. Trong suốt vở diễn, không ít khán giả đã sụt sùi rơi lệ vì quá xúc cảm trước cuộc đời lắm thăng trầm của công chúa nhà Trần.
“Ni sư Hương Tràng” do Tiến sỹ Bùi Hữu Dược viết kịch bản văn học, soạn giả Hoàng Thế Song chuyển thể thành cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn. Vở kịch khắc họa cuộc đời trầm luân của Huyền Trân công chúa thông qua việc tái hiện lại chuyện tình của Chiêm quốc Chế Mân với Huyền Trân công chúa, những mưu mô phía sau hậu cung, nỗi lòng người con gái tha phương vì chữ “Trung”, chữ “Hiếu” và cả nỗi niềm của người mẹ gặp lại con mà không dám nhận con… Thông qua đó, vở diễn chuyển tải tới người xem đức hạnh và sự hy sinh lớn lao của một công chúa lá ngọc cành vàng sau này trở thành một ni sư sống mãi trong lòng dân tộc.
Theo đó, công chúa Huyền Trân vì chữ “Hiếu” với cha, chữ “Trung” với nước… nên khi “tuổi đời thơ ngây cần vòng tay che chở của mẹ hiền” đã chấp nhận sang Chiêm quốc làm vợ của vua Chế Mân để giữ tình bang giao hai nước. Bà được vua Chế Mân sủng ái phong làm Chánh cung Hoàng hậu dù đã có Chánh cung Hoàng hậu Salimah.
Tuy nhiên, cùng vì cớ sự này mà bà đã trở thành nạn nhân của âm mưu tranh giành quyền lực của Hoàng hậu Salimah. Tể tướng Sulayman đã ngấm ngầm bắt tay với ngoại bang để hòng giành ngôi vua của Chế Mân, xúi bẩy Hoàng hậu Salimah làm phản. Chế Mân bị giết chết khi đang nằm dưới gốc cây thần, Huyền Trân công chúa phải bước lên giàn hỏa thiêu theo phong tục của Chiêm quốc sau khi vừa hạ sinh Hoàng tử Chế Đa Đa.
Biết tin, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã phái Thượng thư Tả bộc xa Trần Khắc Chung cùng các vị đại sư và đoàn tùy tùng tới Chiêm Thành viếng vua Chế Mân theo phong tục nước Đại Việt, đồng thời lập mưu đưa Huyền Trân lên thuyền chạy về hướng Bắc. Huyền Trân được cứu sống nhưng phải để lại đứa con bé bỏng.
Về tới Thăng Long, Huyền Trân đã lên Yên Tử gặp Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và xin xuất gia để phát túc siêu phương. Bà được đặt pháp danh Hương Tràng, tu tại chùa Hổ sơn (Nộn sơn) thuộc Thiên Bản (xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định ngày nay). Tại đây, ngoài việc tu học, ni sư Hương Tràng còn đem thiện tâm giúp đỡ dân nghèo chữa bệnh, dạy chữ cho trẻ thơ… Sau này, Hoàng tử Chế Đa Đa đã lặn lội từ phương Nam ra tìm mẹ, dù mẹ con nhận ra nhau nhưng không dám nhận nhau vì hoàn cảnh lúc này đã khác. Năm 1340, sau khi ni sư Hương Tràng viên tịch, nhân dân đã lập đền thờ Huyền Trân Công chúa tại nơi bà tu hành, tôn bà là Thánh Mẫu.
"Mềm mại hoá" lịch sử bằng sự dày công và tâm huyết
Ngay từ khi khởi dựng vở diễn, Tiến sỹ Bùi Hữu Dược đã nhấn mạnh, ông sẽ lý giải các vấn đề trong cuộc đời của công chúa nhà Trần theo góc nhìn của đạo Phật để người xem có cái nhìn mềm mại hơn đối với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ và cả mối oan lịch sử của Thượng thư Tả bộc xa Trần Khắc Chung.
Có thể nói, phải lâu lắm lắm rồi, cải lương miền Bắc mới có được một vở diễn có kịch bản tròn trịa, lớp lang vừa vặn và đậm đặc tính nhân văn đến thế. Mặc dù tác giả đã lượt bỏ nhiều chi tiết rườm rà để nhấn vào những biến cố chính trong cuộc đời của Huyền Trân công chúa nhưng khán giả vẫn hình dung ra được những góc cạnh đa chiều của lịch sử. Cách lý giải vấn đề được đặt để, câu kéo và móc nối đầy tính logic… khiến cho mỗi lớp diễn đều mang đến những thông điệp dễ cảm.
Sân khấu dù giản tiện nhưng lại tạo hiệu ứng mặt về mặt hình ảnh và lột tả được không gian văn hóa Chăm Pa. Trang phục của các diễn viên và đội múa cũng góp phần làm cho màu sắc Chăm Pa thêm đậm đặc qua từng màn, cảnh. Cách xử lý ánh sáng dù đôi chỗ chưa thật thuần thục nhưng cũng không đến nỗi bị lệch ra khỏi tổng thể về mặt hình thức.
Đặc biệt, việc phân vai cho thấy sự dày công của người dàn dựng. Các diễn viên chính như vai Huyền Trân công chúa (Như Quỳnh), Phật hoàng Trần Nhân Tông (Quang Khải), Chế Mân (Minh Hải), Chế Đa Đa (Văn Đáng)… không chỉ đảm bảo yếu tố về thanh - sắc mà còn cho thấy sự cẩn trọng trong nghiên cứu nhân vật. Mỗi câu hát, mỗi ngữ điệu, mỗi động tác… đều rất tự nhiên và đong đầy cản xúc.
Vì lẽ đó mà nhiều khán giả đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến màn đối thoại trong tâm tưởng giữa Huyền Trân công chúa với vua cha Trần Nhân Tông sau nhiều ngày tháng cách xa hay màn Huyền Trân công chúa hát ru Chế Mân ngủ dưới gốc cây thần.
Đặc biệt, cảnh Hoàng tử Chế Đa Đa lặn lội ra tận Đại Việt để tìm mẹ và mẹ còn còn dù rất đỗi nhớ thương nhau nhưng không ai dám nhận nhau. Lời của Hoàng tử Chế Đa Đa cất lên: “Quê cha ta chẳng còn người thân thuộc. Quê mẹ ta không dám nhận nhìn. Vậy ta là ai giữa cõi đời này. Một giọt máu rơi, sống làm gì trên cõi thế” lay động tâm can mỗi người xem. Trên sân khấu, Huyền Trân công chúa và Chế Đa Đa chưa rơi lệ nhưng khán giả ngồi dưới đã vội đưa tay lên lau những dòng nước mắt. Nỗi đau đớn tận cùng của hai con người đã đẩy lên đến tận cùng và nỗi cảm thương của người xem vì thế mà không thể nào kiềm lại.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ, việc Tiến sỹ Bùi Hữu Dược dùng quan điểm của Phật giáo để lý giải về cuộc đời của Huyền Trân công chúa đã tạo ra những nét riêng cho vở diễn. Dưới gốc độ tôn giáo, người xem sẽ thấy mọi việc đều diễn ra theo quy luật tất yếu của vũ trụ. Tôi và tác giả đã phải bàn nhau trong từng chi tiết một để làm sao lý giải một cách thấu đáo nhất về một giai đoạn rất lịch sử nghiệt ngã và có phần nhạy cảm.
“Qua vở kịch chúng ta thấy được tầm vóc vĩ đại của Thượng hoàng Trần Nhân Tông dù ông chỉ xuất hiện trong 3 phân cảnh mà thôi. Và sau đó, con gái của ông là Huyền Trân công chúa cũng nối tiếp ý chí của ông. Chủ ý của tôi là muốn làm nổi bật hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ dù ở hoàn cảnh nào cũng rất đáng quý và đáng trân trọng”, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết thêm.
Hà Tùng Long