Vịnh Hạ Long lọt top cảnh quan núi đá đáng kinh ngạc nhất thế giới
(Dân trí) - Được thiên nhiên hình thành và tạo tác qua hàng triệu năm, những cảnh quan núi đá kỳ vĩ dưới đây nắm giữ trong mình những bí mật vô giá về quá khứ và tương lai của trái đất.
Mới đây, trang tin BBC (Anh) đã đưa ra danh sách bình chọn 15 kỳ quan núi đá đáng kinh ngạc nhất thế giới, trong đó có vịnh Hạ Long của Việt Nam:
Vịnh Hạ Long, Việt Nam: Thắng cảnh ngoạn mục nổi danh thế giới - Vịnh Hạ Long - là một bức tranh tổng hòa cả núi non, sông nước. Hình thù của những núi đá này được tạo thành từ quá trình nâng lên và hạ xuống của mực nước biển thay đổi liên tục trong hơn 500 triệu năm. Trong vịnh có hơn 1600 hòn đảo lớn nhỏ. Truyền thuyết kể rằng rồng nhà Trời đã xuống đây để tạo nên những hòn đảo này, giúp người Việt giữ yên bờ cõi.
Những ống khói thần tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ: Những khối núi đá hình chóp nhọn kỳ lạ này nằm ở vùng Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ. Đã được hình thành từ hàng triệu năm trước sau những vụ núi lửa phun trào. Dần dần, gió và nước mưa đã lấy đi những phần tro bụi không được gắn kết chặt chẽ và để lại những lớp đá bazan rắn chắc, chính là những “ống khói thần tiên” này.
Con mắt của sa mạc Sahara, Mauritania: Nằm trong sa mạc, khối núi đá hình vòm này trải ra trên đường kính 50km. Các nhà khoa học tin rằng một thiên thạch lao xuống trái đất đã khiến những khối đá có độ gắn kết kém bị long ra và tạo thành hình ảnh như hiện giờ.
Hố xanh vĩ đại ở Belize: Hố sụt nằm trong lòng biển cả có chiều rộng 320m và chiều sâu 125m. Hố xanh vĩ đại được cho là đã hình thành từ kỷ băng hà khi một hệ thống hang động núi đá bị nhấn chìm và sau đó là đổ sập do những thay đổi của mực nước biển. Những măng đá và nhũ đã rất lớn có thể được tìm thấy bên trong hố xanh vĩ đại này.
Những tảng đá Moeraki ở New Zealand: Trông giống như những mai rùa khổng lồ, những tảng đá hình cầu này nằm dọc bờ biển Koekohe ở New Zealand. Những tảng đá này bắt đầu hình thành từ các hạt trầm tích tích tụ dưới đáy biển từ hơn 60 triệu năm trước.
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà, Trung Quốc: Những ngọn núi đá với những vệt màu đỏ, cam, vàng… được hình thành từ những hạt sa thạch tích tụ lại qua hàng triệu năm.
Cánh rừng đá ở Trung Quốc: Những ngọn núi đá thẳng đứng cao trên dưới 10m. Cánh rừng đá này đã được hình thành từ 270 triệu năm trước, khi đó nơi đây còn là một bờ biển, những sa thạch và đá vôi tích tụ lại bên trong vịnh nhỏ và dần dần được đẩy lên cao nhờ các biến động địa chất. Hình thù của các ngọn núi đá ngày nay được tạo thành bởi gió và nước.
Thung lũng mặt trăng ở Argentina: Đất đai khô cằn, địa hình đất đá gồ ghề, cảnh quan cằn cỗi trông như thể… bề mặt mặt trăng, tuy vậy, nơi đây thực tế lại là một vùng đất rất có giá trị khảo cổ, ẩn giấu nhiều hóa thạch của các loài động vật cổ xưa, từng sinh sống trên trái đất từ 200-250 triệu năm về trước, trong đó có cả khủng long.
Núi đá hình sóng biển ở Úc: Khối núi đá hình lòng chảo có chiều cao 14m và chiều dài 110m. Khối núi đá khổng lồ hình sóng biển này được hình thành từ 2,7 tỉ năm về trước. Những vệt màu trên bề mặt khối núi đá được tạo thành từ những hạt khoáng nằm lại sau những cơn mưa.
Những ngọn đồi sôcôla ở Philippines: Khoảng 1500 ngọn núi đá lô nhô thường có màu nâu sẫm về mùa khô, vào mùa mưa, nơi đây lại được bao phủ bởi cỏ xanh.
Con đường của người khổng lồ ở Bắc Ireland: Những cột đá bazan lục giác khổng lồ này được hình thành từ 50-60 triệu năm về trước, mọc lên như những bậc cầu thang và khớp vào nhau rất hoàn hảo. Có tới hơn 40.000 cột đá như vậy nằm cạnh nhau như tạo thành một con đường dành cho người khổng lồ.
Công viên quốc gia Bryce Canyon ở bang Utah, Mỹ: Ở đây có những cột đá cao hơn cả một tòa nhà 10 tầng.
Vách đá Vermillion ở bang Arizona, Mỹ: Vách đá Vermillion có hẻm núi sâu và vách đá dựng đứng. Ngoài ra, núi đá nơi đây còn có những dải màu tựa như những đợt sóng. Trong suốt cả ngày, màu sắc của vách đá thay đổi khi cường độ chiếu sáng của mặt trời thay đổi.
Hang động thạch cao ở Mexico: Hang động này chứa đựng những khối thạch cao khổng lồ, đâm ngang dọc như những thanh kiếm trong lòng đất. Hang động nằm ở độ sâu 300m dưới lòng đất, trong khu mỏ Naica ở bang Chihuahua, Mexico. Những cột thạch cao lớn nhất ở đây có thể đã hơn 500.000 năm tuổi.
Núi đá đứt gãy San Andreas, bang California, Mỹ: Đây là một dải núi đứt gãy khổng lồ chạy dài gần 1300km. Dải núi đá này đã bắt đầu hình thành từ hơn 30 triệu năm trước, một trận động đất lớn đã làm đứt gãy dải núi này.
Bích Ngọc
Theo BBC