Vĩnh biệt tác giả "Những bông hoa trong vườn Bác"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Trước sự ra đi của nhạc sĩ gạo cội Văn Dung, PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội đã có những chia sẻ xúc động.

Tôi rất thân với một bác sĩ Đông y tên là Hoàng Sầm - Chủ tịch Hội đồng Viện Y học Bản địa Việt Nam. Anh mời tôi đến chơi và khoe sản phẩm thuốc mới của mình chữa được bệnh Parkinson. Một căn bệnh mà tôi biết hiện các bệnh viện ở ta đều bó tay. Tôi mừng quá, xin anh một lọ, vì Chủ tịch Danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội bị bệnh này từ lâu rồi, chữa mãi vẫn không khỏi.

Chiều ngày 19/2/2022, tôi đến thăm nhạc sĩ Văn Dung. Trao cho 2 vợ chồng ông lọ thuốc, tôi nói: "Em tin rằng anh sẽ khỏi bệnh vì bác sĩ Hoàng Sầm đã chữa được cho một bà cụ 86 tuổi bị Parkinson suốt 8 năm nay, nằm liệt giường, nay đã đi lại được, tay không bị run nữa".

Ông nhìn tôi mỉm cười cám ơn và nói: "Nhạc sĩ bọn mình sướng thật Lân Cường ạ. Có phải ra đi về cõi vĩnh hằng, thì mãi mãi tác phẩm âm nhạc của chúng ta còn ở lại với đời...".

Không ngờ câu nói ấy lại đến với ông nhanh như thế... Ông là nhạc sĩ Văn Dung với những ca khúc nổi tiếng: Những bông hoa trong vườn Bác; Đường Trường Sơn xe anh qua, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Bài ca Đường 9 chiến thắng...

Vĩnh biệt tác giả Những bông hoa trong vườn Bác - 1

Nhạc sĩ Văn Dung (Ảnh: Sưu tầm).

Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15 tháng giêng năm 1936, ở làng Bích Câu, khu Hàng Bột, Hà Nội, trong một gia đình tiểu tư sản, tiểu thương nghèo. Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, bố ông - Nguyễn Văn An được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời phố Hàng Bột. Nhưng chỉ được 3 năm thì ông bị ung thư gan mất, khi cậu bé Văn Dung mới 12 tuổi và để lại người vợ phải tần tảo rau, cháo nuôi 7 người con. Năm 26 tuổi, Văn Dung mất luôn cả mẹ.

Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Văn Dung đã vào học trường tiểu học Lý Thường Kiệt, nên ông biết tiếng Pháp rất sớm. Từ năm 1954 đến 1957, ông học trung học tại trường Chu Văn An - một ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội lúc đó. Ông học giỏi nên được bầu vào làm Ủy viên Ban Chấp hành hiệu đoàn học sinh Chu Văn An.

Trong 2 năm 1958 và 1959, ban ngày ông làm công việc trang trí trong Đoàn kịch nói Trung ương. Tối đến, hôm nào không phải kéo phông màn thì chàng thanh niên 22 tuổi ấy lại tham gia công tác Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa với tư cách là tổ trưởng giáo viên.

Năm 1960, ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Tháng 5/1993, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình ca nhạc mới Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã gắn bó cả cuộc đời mình với Âm nhạc tại đây cho tới ngày nghỉ hưu - tháng 4/1998.

Không được đào tạo chính quy về âm nhạc, nhưng vốn là con người thông minh, ham học hỏi, đam mê âm nhạc, nhất là với cương vị công tác mới, chàng thanh niên trai trẻ đã lao vào tự học trên sách vở bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và học ngay với cả những nhạc sĩ đàn anh lúc đó công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam như: Hồ Bắc, Hoàng Vân, Lưu Cầu, Phạm Tuyên....

Ông từng nói: "Nhạc sĩ không phải chỉ là học để biết được các thể loại âm nhạc, mà cần thiết phải đi thực tế, thì tác phẩm mới sống được".

Dấu chân của ông đã in trên mảnh đất Quảng Trị, trên Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất, để hôm nay những ca khúc của ông đã trở thành báu vật của nền âm nhạc nước nhà như các ca khúc: Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Giải phóng quân ta ra đi (cùng viết với Triều Dâng)...

Không một ngày đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng trái tim ông, lý tưởng của ông luôn dành trọn cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu thể hiện qua các ca khúc: Đường ta đi có Đảng vinh quang, Những bông hoa trong vườn Bác, Pác Bó còn ấm tình Bác.

Hăng say với công tác Đoàn ngay từ hồi trẻ, hiểu được lý tưởng của tuổi thanh xuân, nên ca khúc nổi tiếng của ông Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã được ông sáng tác chỉ trong chưa đầy 3 giờ...

60 năm miệt mài lao động nghệ thuật âm nhạc, bằng vốn văn học, triết học Đông, Tây hòa trộn với nhau, bằng lòng nhân ái ẩn sau những cung bậc âm nhạc, nhạc sĩ Văn Dung đã để lại cho đời 54 ca khúc, và hàng chục ca khúc viết cho các ban, ngành ở địa phương, mà nay không còn để lại bản thảo.

Ông viết nhạc cho vở rối Hai cây phong, viết nhạc cho bộ phim Mê Thảo - thời vang bóng.

Trong lời giới thiệu bộ phim Mê Thảo - thời vang bóng ở Pháp, có đoạn viết: "Âm nhạc mà người ta nghe thấy trong phim có một vai trò động lực: nó mở và đóng không gian của câu chuyện. Qua hai cảnh, âm nhạc có độ cảm xúc và hiệu quả tự sự tuyệt hay, người xem phương Tây có thể chìm đắm vào cõi âm nhạc cổ Việt Nam, nơi tiếng đàn hòa quyện thanh tao vào tiếng hát, mang tính xác thực của bản sắc văn hóa Việt".

Có lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Văn Dung đã nói: "Gốc của âm nhạc chính là lòng của nhân ái, nơi nào có sự hủy diệt, ở đó có lòng nhân ái. Âm nhạc phải làm được điều: phải chia sẻ được nỗi đau đó".

Khi tôi hỏi nhạc sĩ Văn Dung về cảm xúc của ông khi viết ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác, ông trả lời: "Bác Hồ là người trồng hoa vĩ đại và chúng ta mỗi người phải trở thành một bông hoa đẹp trong vườn hoa của Bác, và tất cả chúng ta cùng hợp lại để thành những vườn hoa đẹp nhất trong vườn hoa đất nước...".

Nhạc sĩ Chu Minh, bạn ông cũng từng nói: " Văn Dung là một nhạc sĩ vừa có chiều sâu của cảm xúc, lại có chiều rộng của kiến thức".

Vì những đóng góp to lớn cho âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Dung đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001 và các giải thưởng khác: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì thế hệ trẻ...

Năm tháng trôi đi nhưng các cháu thiếu nhi vẫn luôn yêu thích giai điệu vui tươi, nhí nhảnh của 2 ca khúc: Chim chích bôngEm đố mẹ em (lời thơ Nguyễn Viết Bính).

Xin vĩnh biệt ông - nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội (2016-2017). Chính ông là người thiết kế nhiều chương trình âm nhạc của Hội và để lại trong lòng khán giả Thủ đô những dấu ấn khó quên.

Sự ra đi của ông cũng để lại bao đau thương cho bà Lê Tuyết Nhung - người đồng nghiệp, người bạn đời chung thủy, luôn bên ông, cho 2 con ông Nguyễn Vân Quyên và Nguyễn Thái Hòa.

Xin thắp nén nhang để tưởng nhớ tới nhạc sĩ Văn Dung!

PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường