Vĩnh biệt Anh hùng Hồ Giáo, và chuyện về một sự 'hiểu nhầm' đáng mến
Lúc 15h30 chiều nay 14/10, Anh hùng Lao động Hồ Giáo đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 86 tuổi.
Anh hùng Lao động Hồ Giáo sinh năm 1930, tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia Việt Minh năm 1948 tại địa phương, đến năm 1954 tập kết ra bắc công tác tại sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội.
Đến năm 1960, Hồ Giáo chuyển sang làm công tác chăn nuôi tại Ba Vì, Hà Tây. Với nhiều thành tích trong nuôi heo và bò, như thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh cho heo, bò, Hồ Giáo được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966.
Sau khi thống nhất đất nước, Hồ Giáo tiếp tục công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ, xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1980, với thành tích đặc biệt trong việc nuôi trâu Mura, Hồ Giáo tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần 2. Anh hùng Lao động Hồ Giáo cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa 4, 5 và 6.
Tấm gương lao động vô tư và nhiệt thành của Anh hùng Hồ Giáo trở thành niềm cảm hứng lớn đối với nhiều thế hệ của đất nước ta. Theo nhà văn Hồ Phương, tác giả của truyện ngắn "Cỏ non" được tuyển chọn trong sách giáo khoa Văn lớp 9, nhân vật Nhẫn trong tác phẩm này đã bị giáo viên và học sinh nhầm lẫn với Hồ Giáo.
Hôm nay, khi ông "về với cỏ", chúng ta bày tỏ nỗi thương tiếc ông cùng những tâm tư của nhà văn Hồ Phương, một lần nữa trả lại giúp ông một chuyện "hiểu nhầm" đáng mến để ông thanh thản ra đi, bỏ lại sau lưng mình một quá khứ vinh quang và vất vả với những cỏ và trâu.
Có thể nói, hiếm có hình tượng nào về người chăn bò lại đơn sơ, cảm động như hình tượng anh Nhẫn trong truyện ngắn "Cỏ non" mà chúng ta đã từng được học trong chương trình SGK phổ thông; cũng như được nghe nói rất nhiều về nguyên mẫu của nhân vật này- anh hùng lao động Hồ Giáo.
Thế nhưng, sau gần 40 năm kể từ khi tác phẩm ra đời, gặp lại tác giả của “Cỏ non”- thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, tôi rất bất ngờ khi ông nói rằng, truyện ngắn này đã để lại cho ông rất nhiều kỷ niệm và những cảm xúc buồn vui lẫn lộn, nhất là chuyện độc giả hiểu lầm về nhân vật Nhẫn trong "Cỏ non".
Hiểu lầm anh Nhẫn trong "Cỏ non" là anh Hồ Giáo
Nhắc đến truyện ngắn này thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương bày tỏ: “Truyện ngắn 'Cỏ non' là một tác phẩm mang lại nhiều hiểu lầm nhất của tôi trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tôi đi đâu, đến bất cứ trường học nào các thầy cô giáo đều xúm lại khen: Nhà văn Hồ Phương viết về anh hùng lao động Hồ Giáo thời kỳ đổi mới hay quá, tài quá. Những lời khen đó làm tôi bất ngờ đến sửng sốt”. Tôi giãy nảy lên nói thẳng với họ rằng; Xin lỗi mọi người, tôi viết “Cỏ non” không phải dựa trên nguyên mẫu Hồ Giáo đâu. Mọi người hiểu lầm rồi. Thế nhưng bù lại họ lại bảo tôi nói thế là đang tỏ ra khiêm tốn…”.
Theo như lời giải thích của Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương thì truyện ngắn "Cỏ non" được ông thai nghén và cho ra đời trước khi anh Hồ Giáo được phong anh hùng 5 năm. Đặc biệt, “cho đến tận bây giờ tôi còn chưa biết mặt, chưa gặp và tiếp xúc với anh ấy lần nào thì sao anh có thể “nhảy vào” truyện của tôi được”- nhà văn Hồ Phương nói. “Nguyễn mẫu nhân vật anh Nhẫn chăn bò trong truyện ngắn "Cỏ non" của tôi không cụ thể là ai, càng không phải anh Hồ Giáo mà là tất cả những người chăn bò bình thường trên đường tôi đi công tác bắt gặp”.
Hình tượng người chăn bò trong "Cỏ non" là ai?
Nhà văn Hồ Phương nhớ lại: “Ngày ấy tôi làm việc cho Tạp chí Quân tiên phong văn nghệ Quân đội, thường vẫn được Ban biên tập cử về các đơn vị viết bài. Lần tôi đi công tác qua đoạn cánh đồng ngang với đường Hòa Lạc bây giờ, giữa trưa, nắng như đổ lửa tưởng như cháy da cháy thịt ấy tôi đã bắt gặp một cảnh tưởng không thể nào quên.
Đang ngồi nghỉ trốn nắng dưới gốc cây ven đường chợt nghe có tiếng người hô rất dứt khoát: ‘Họ… Đứng lại! Đứng. Cái thằng kia, bố láo, vô kỷ luật, đứng lại. Bắn bỏ giờ, đứng lại. Cứ thế tiếng hô cứ lặp đi lặp lại. Tôi buột miệng: giữa đồng không cháy nắng thế này không biết ông bộ đội nào hô hoán gì không biết. Đang thắc mắc thì bỗng nghe rộ lên những tiếng rào rào xung quanh, quay sang nhìn thì thấy bao nhiêu là bò.
Sau khi nghe khẩu lệnh “tập hợp quân” của anh đàn bò đang chạy tung tóe bỗng về vây quanh anh bộ đội rất thân thiện, cứ như những người bạn thân thiết. Còn anh bộ đội thì người lấm lem vì than lá cỏ gianh vừa đốt bên kia cánh đồng. Tôi đoán, chắc anh và những người bạn “bò” của anh vừa tháo từ bên ấy qua nên người anh mới lấm lem như thế”.
Nom anh bộ đội ấy tôi thương lắm. Giầy thì rách chòi cả mười đầu ngón chân ra ngoài, đầu thì đội một chiếc mũ nan rách làm quá nửa đầu tóc vẫn “bay tự do” trên cả mũ anh đội. Nhưng khuôn mặt tươi vui, nụ cười thì vô tư, lạc quan đến lạ thường. Nhìn anh tôi nhận ra mình đang còn quá sung sướng. Vậy mà có những lúc tôi đã “oán thán” tạp chí Quân tiên phong nay là Tạp chí Văn nghệ Quân đội là tại sao lại phái tôi đến những nơi khốn khổ như thế này”.
Cứ thế ngày này qua ngày khác tôi vẫn đi công tác qua “lãnh địa cỏ non” nơi có anh bộ đội chăn bò vẫn đều đặn với công việc lam lũ của mình. Rồi qua vài lần bắt chuyện, hai người quen nhau, thành bạn của nhau. Làm bạn với anh bộ đội chăn bò đó tôi mới thấy hết được giá trị con người và công việc mà những người như anh ở đâu đó trên đất nước mình ngày đó. Đó có thể là những con người rất nghèo khổ, vất vả nhưng tiềm ẩn trong con người họ là sự giàu có về lòng yêu nước, tận tâm với công việc mình đang làm.
Chính anh bộ đội chăn bò nói với tôi một câu như khắc vào xương cốt mà chẳng bao giờ tôi quên rằng: “Tôi không có tiền của, không có cả học vấn, bằng cấp nhưng tôi có lòng yêu nước. Nước có giặc tôi đã đánh giặc, giờ hết giặc thì đi chăn bò cho nhà nước cũng coi như là yêu nước vậy”. Trong khi đó có những người trong chiến tranh lang bạt, lẩn khuất, tản cư đi đâu không biết nhưng khi hòa bình trở lại đã lại thấy về Hà Nội, rồi trở thành những ông nọ bà kia. Còn những người chiến đấu vì độc lập tự do cho chính những gì các vị ấy hưởng thì lại trở về quê.. chăn bò.
Tôi gặp được con người mặc áo lính chăn bò ngày đó chính là gặp được một điểm sáng. Tôi muốn làm một điều gì đó để cho những người đang sung sướng biết rằng, ngay lúc họ đang sướng thế thì vẫn còn có những người lính phải chăn bò như anh bộ đội tôi gặp dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa trên đồng cỏ kia”.
Và tác phẩm "Cỏ non" ra đời. Nhưng trước khi tôi viết truyện ngắn này tôi đã phải thân chinh một mình lặn lội lên Đồn Vàng - Hòa Bình để trực tiếp “học nghề chăn bò”, tìm hiểu về bò, hỏi những người trong đồn mách cho cách nhận biết đâu là con bò tốt, bò khỏe và đặc biệt làm thể nào để khiển nó bằng khẩu lệnh như anh bộ đội đã làm được”.
Chưa hài lòng với cách giảng văn bài "Cỏ non"
Sau khi đoạt giải 3 của Báo văn nghệ năm 1959, truyện ngắn này đã được tuyển chọ in trong SGK – Môn Văn lớp 9 trong nhà trường. Nhưng tôi rất lấy làm buồn khi những thông điệp bản thân tôi muốn gửi gắm trong truyện không được các thầy cô dạy văn “khai thác” tận gốc, đào hết nội hàm ý nghĩa ẩn sâu dưới lớp vỏ ngôn từ. Các thầy cô giảng văn chỉ nhấn mạnh được một ý trong truyện ngắn "Cỏ non" đại loại là: Truyện ngắn "Cỏ non" viết về anh hùng thời kỳ đổi mới, những con người lao động xã hội chủ nghĩa. Qua truyện ngắn này thấy được không khí cỏ non tươi mới với một giọng văn trong trẻo…
Thế đấy. Họ không biết và hiểu được rằng văn chương vốn có rất nhiều tầng lớp ý nghĩa mà lớp ý nghĩa tôi muốn gửi gắm qua truyện ngắn này là: Mọi người ạ. Trong cuộc sống hôm nay đây vẫn còn có những người một thời đổ máu cho đất nước sống như thế đấy, mọi người hãy qua đó mà sống cho ra sống, sống cho thực sự nghiêm chỉnh”…
Giãy nảy vì lời mời từ quê hương Anh hùng Hồ Giáo
Đầu năm nay đột nhiên ông nhận được giấy mời của UBND tỉnh Quảng Ngãi mời vào tham gia một chương trình cầu truyền hình. Ông nói: “Đọc xong giấy mời tôi cứ thắc mắc không biết sao mình lại được họ mời. Từ tấm bé cho đến giờ tôi đâu đã đến Quãng Ngãi, cũng không phải quan chức cấp cao gây dựng công trạng gì ở đó mà họ lại mời?
Lấy làm lạ tôi bèn gọi điện cho họ hỏi lý do thì được biết mình được mời là vì trong truyện ngắn "Cỏ non" tôi viết về anh hùng lao động Hồ Giáo mà Anh hùng Hồ Giáo là công dân tỉnh Quảng Ngãi! Tôi lại thêm một lần nữa giãy nảy và lại nói câu tôi đã từng nói rằng: “Không! Truyện ngắn của tôi không phải viết về Anh hùng Hồ Giáo mà là viết về người chăn bò nói chung, không cụ thể về ai cả. Kính mong các đồng chí nhớ và thông cảm cho…”
Theo Yên Khương
Thể thao & Văn hóa