Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTT&DL:

Việc thu phí tác quyền âm nhạc phải dựa vào thực tiễn đời sống

(Dân trí) - Xung quanh chuyện một số chủ khách sạn/cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng phản ứng trước việc thu phí tác quyền âm nhạc đối với khách sạn có tivi, ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VHTT&DL) đã lưu ý nhiều vấn đề.

Ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định, theo Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp sản phẩm ghi âm – ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác – sử dụng phải trả một khoản tiền bản quyền, bao gồm tiền tác giả trả cho tác giả có tác phẩm âm nhạc (những tác giả uỷ quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì Trung tâm được quyền thu hộ phí tác quyền) và những quyền liên quan trả cho tác giả bản ghi âm và người biểu diễn (những quyền liên quan, nếu uỷ quyền cho Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam thì những đơn vị này được phép thu hộ).

Điều 35 Nghị định 100 cũng ghi rõ: Việc cá nhân, tổ chức sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm – ghi hình để công bố tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số, trong hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng, và các hoạt động kinh doanh thương mại khác là kinh doanh thương mại.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định hướng dẫn, theo công ước Berne, Hiệp định Trips của tổ chức thương mại thế giới, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì việc triển khai thu tác quyền của các tổ chức trước đây liên quan đến bản ghi âm ghi hình của Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc tại địa bàn Đà Nẵng là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VHTT&DL chia sẻ những vấn đề liên quan đến chuyện thu phí tác quyền âm nhạc. Ảnh: Cinet.
Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VHTT&DL chia sẻ những vấn đề liên quan đến chuyện thu phí tác quyền âm nhạc. Ảnh: Cinet.

Liên quan đến việc ai được quyền thu, ai phải có trách nhiệm trả phí tác quyền khi sử dụng bản ghi âm – ghi hình âm nhạc, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết: "Nếu như tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất có tài sản và ủy quyền cho 3 tổ chức này (gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam) thì 3 tổ chức này chỉ thu cho những hội viên của mình. Còn thu không đúng hội viên, không đúng tài sản là sai.

Người phải trả tiền là tổ chức hoắc cá nhân khai thác sử dụng theo Điều 35 Nghị định 100 là hoạt động kinh doanh thì phải nộp tiền.

"Về mức trả bao nhiêu và trả như thế nào?", ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh: “Đây là tài sản dân sự thì tác giả, hoặc chủ sở hữu của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan có tài sản của mình nếu ủy quyền cho 3 tổ chức trên thì 3 tổ chức trên theo quy định của pháp luật tự xây dựng ra mục giá và đàm phán với bên khai thác sử dụng làm sao đạt được đồng thuận thì Nhà nước không can thiệp. Trong trường hợp không thỏa thuận được, Nghị định chính phủ quy định rõ sẽ khởi kiện tại tòa án, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ vào cuộc để xử lý”.

Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Hùng cũng lưu ý Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam rằng, theo Điều 32 của Nghị định 100 thì các trường hợp sử dụng quyền liên quan không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, bao gồm:

Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo ông Hùng, nếu hội viên quyết định trao toàn quyền cho Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam thu phí hộ vẫn chưa đủ. Ví dụ, hội viên “áp” cho Trung tâm phải thu với mức giá nào đó là xong mà trong quá trình triển khai phải dựa vào thực tiễn đời sống xã hội để đưa ra một mức giá thu phù hợp. Làm sao để mức giá đưa ra phù hợp với 3 đối tượng: tác giả sản phẩm, người sử dụng sản phẩm và công chúng thưởng thức sản phẩm.

“Tôi đề nghị phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải thực hiện đúng quy trình, đúng luật và khi triển khai một lĩnh vực khó khăn, địa bàn mới… đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác sử dụng đối với tác phẩm âm nhạc”, ông Hùng nói.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm