Vi Thùy Linh: “Đánh ghen dùng cách thức man rợ là sự ngu dốt”
(Dân trí) - “Một người hiểu biết về pháp luật thì chắc chắn sẽ không động thủ, không dùng cách thức man rợ gây thương tích cho người khác như dùng dao kéo, súng hoặc a xít... Cách động thủ như thế rất dã man. Theo tôi, đấy là sự đánh ghen ngu dốt”, nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ.
“Phụ nữ thường bị tổn thương, thua thiệt”
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện không ít clip, thông tin những vụ đánh ghen đầy tính bạo lực, thậm chí quái đản thu hút sự chú ý của dư luận. Đó không đơn thuần là những vụ đánh ghen riêng tư. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc “đánh ghen”: Có nên “đánh ghen” hay không? Hành động dùng tay chân, dao kéo... làm ảnh hưởng thân thể người khác có vi phạm pháp luật, bị xử lý? Có sự chung thủy tuyệt đối hay không? Cách ứng xử khi vợ, chồng ngoại tình?...
Xuất hiện với vai trò khách mời trong chương trình Cà phê sáng phát sóng ngày 13/8, nhà thơ Vi Thùy Linh đã chia sẻ góc nhìn riêng, rất thẳng thắn khi trò chuyện cùng MC Đức Bảo về chủ đề “đánh ghen”.
MC Đức Bảo mở đầu cuộc trò chuyện khi nhắc đến từ khóa “đánh ghen”. Theo anh, việc đánh ghen có từ xa xưa và nó đã xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ với chủ đề “Đánh ghen”. Còn với nhà thơ Vi Thùy Linh, chị nói đã biết bức tranh này từ lâu.
“Tranh Đông Hồ là một trong những di sản văn hóa dân gian của nền văn minh đồng bằng Bắc Bộ cũng như Việt Nam, luôn miêu tả sinh động đời sống. Trong đó có bức chủ đề đánh ghen này, tôi cũng biết từ lâu.
Nói theo ngôn ngữ bây giờ thì đây đúng là cảnh đánh ghen bạo lực “bắt tại trận” khi bà vợ phát hiện ông chồng đi “tòm tem””, nhà thơ Vi Thùy Linh nói.
Theo nhà thơ Vi Thùy Linh, nếu nói về đề tài “đánh ghen” thì chỉ một chương trình không thể nói hết: “Tổng kết lại thì trong lịch sử nhân loại, lịch sử đời sống cũng như lịch sử nghệ thuật thì ghen cũng là chủ đề ly kỳ. Có thể trở thành ngòi nổ, đặc điểm cao trào, kịch tính của khá nhiều tác phẩm như “Othello” chẳng hạn.
Ngay thời phong kiến, đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp thì đàn bà vẫn cứ ghen. Ví dụ trong kiệt tác truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoạn Thư trở thành nhân vật ghen khủng khiếp trong lịch sử văn học.
Tôi được xem giấy đăng ký kết hôn của ông bà nội tôi, trước năm 54 trong đó có dòng “là vợ thứ mấy”. Ông tôi khai là “vợ cả”. Trên thực tế, ông nội cũng chỉ có mình bà nội tôi. Sau năm 54, trong giấy kết hôn không có dòng đó nữa...”.
Trước câu hỏi: “Khi xem clip đánh ghen nhiều ý kiến cho rằng làm thế cũng không được gì, bị bao người bàn tán, chính mình gây đau khổ cho mình, ảnh hưởng đến những người xung quanh như con cái cũng chứng kiến cảnh đó. Chính những đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý sau này. Vì thế cách ứng xử thế nào, có nên thể hiện sự ghen tuông bằng bạo lực hay dùng sự nhẫn nhịn, khôn khéo để giải quyết?”
Nhà thơ Vi Thùy Linh trả lời thẳng thắn: “Tôi nghĩ là tùy từng tình huống. Ví dụ gia đình đang êm ấm, vợ không có lỗi (vì cũng có người vợ ngoại tình, cờ bạc, làm ăn thua lỗ... làm cho chồng chán) mà chồng có người khác bên ngoài. Vợ chồng có pháp lý mà chồng có người khác bên ngoài (chia sẻ về kinh tế, thể xác) thì đương nhiên không thể nhẫn nhịn được, phải có biện pháp, giải quyết...
Nhưng tôi cũng nghĩ, trong cuộc sống thì tính cách cũng quyết định số phận và văn hóa, tri thức, hiểu biết cũng quyết định bởi khi một người hiểu biết về pháp luật thì chắc chắn sẽ không động thủ, không dùng cách thức man rợ gây thương tích cho người khác như: dao kéo, súng hoặc a xít...
Cách động thủ như thế rất dã man. A xít hủy hoại toàn bộ nhân dạng và sức khỏe, sống như chết. Theo tôi, đấy là sự đánh ghen ngu dốt. Bởi chắc chắn người làm ra hành động đó bị trả giá: đi tù. Gia đình, con cái tan nát.
Tôi nghĩ là trong câu chuyện này liên quan cả đến vấn đề tinh thần cũng như kinh tế, cần có sự đối thoại, giải quyết”.
Cũng theo nhà thơ Vi Thùy Linh, trong câu chuyện “đánh ghen” này, phụ nữ luôn thiệt thòi và bị tổn thương. Không chỉ bị tổn thương vì bị chồng phụ bạc mà ngay cả chính người xung quanh cũng có những lời lẽ buộc tội người vợ- nạn nhân của câu chuyện.
“Khi chồng có bồ, thay vì bênh vực người vợ, có người lại nói: “Chồng có bồ thì cô vợ phải xem lại mình đi. Có phải mẹ bổi, lôi thôi lếch thếch quá không?”
Có người lại nói: “Đàn ông mà, đàn bà chịu thiệt tí vì ngàn đời nay thế rồi. Thôi cứ im đi thì vẫn còn chồng. Nếu cứ tung tóe, quyết liệt bỏ thì cuối cùng lại dọn cỗ cho kẻ thứ ba nhảy vào”, Vi Thùy Linh bức xúc.
“Không có sự chung thủy tuyệt đối”
MC Đức Bảo cho biết, theo khảo sát gần đây: 70% nam giới thừa nhận, họ đã từng phản bội bạn đời. Và con số phụ nữ ngoại tình cũng khoảng 60%.
Một khảo sát khác cho kết quả tương đương từ 10-20% ở cả nam và nữ. Một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy: 20% cả hai giới từng phản bội bạn đời.
Theo thống kê thì tình trạng ngoại tình ngày càng phổ biến. Chia sẻ về việc làm sao để giữ gìn hôn nhân, hành động để sau đó không phải hối tiếc, Vi Thùy Linh cho rằng người trong cuộc phải tỉnh táo: “Đừng vội nghe lời đồn. Có những người “ đâm bị thóc, chọc bị gạo”, xúi bẩy, kích động, làm ảnh hưởng đến gia đình người khác.
Chúng ta phải kiểm tra mức độ quan hệ đến đâu, không phải giơ cao đánh khẽ hay đánh người chạy đi không đánh người chạy lại mà cần xác định chính xác, phải bình tĩnh trong xử lý.
Cổ nhân dạy là phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói. Chỉ cần kìm đi, chậm lại một chút thì lời nói cũng như hành động sẽ khác. Nếu cứ nóng vội cả giận mất khôn thì nhiều tình huống chưa đến mức phải bỏ nhau nhưng vì vợ làm dữ quá, cuối cùng chồng bị mất danh dự trước cơ quan bạn bè là cũng dễ dẫn đến cao trào: ly hôn!”
Trong chương trình, Vi Thùy Linh cũng thẳng thắn khi đưa ra nhận định riêng về sự chung thủy. “Tôi là người có gia đình rồi, nói thật luôn là xác định ý nghĩa tuyệt đối chữ chung thủy trong thời đại này- thời đại mà việc cặp bồ, ngoại tình tràn lan, ly hôn gia tăng như trào lưu thì sự chung thủy tuyệt đối: từ lúc kết hôn đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà không thích một ai là không có đâu.
Ai cũng có giây phút thích ai đó, có xao động. Nhà thơ Thuận Hữu viết câu thơ thế này: “Ai chẳng có những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ/ Đừng có trách chi những phút xao lòng/”. Ngoài chồng ngoài vợ nhưng chỉ ở mức... xao lòng thôi. Còn hơn mức xao lòng mà... siêu lòng, ngã lòng nữa thì khác rồi...”.
Vi Thùy Linh cho rằng khi đã có gia đình, con cái thì hành động gì cũng cần phải suy nghĩ kỹ càng. “Có thể ở cạnh nhau mấy chục năm không còn yêu nhau như ngày trẻ, nhưng cùng nhau trải qua bao khó khăn, thác ghềnh thì cuối cùng còn cái nghĩa. Có người đàn ông sổ toẹt, đạp qua tình nghĩa, bỏ người vợ tào khang để chạy theo cô trẻ đẹp khác. Đấy là lựa chọn của họ. Nhưng như thế họ đã bỏ hết giá trị gia đình, giá trị để người ta sống trong sự trân trọng của mọi người”.
Nguyễn Hằng