Vì sao “truyện tranh người lớn” không được trưng bày?

Tác phẩm “Hàng xóm” - một truyện tranh người lớn của họa sĩ Thành Phong - đã không được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) thông qua trưng bày tại Mảnh sống (triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội).

Theo tìm hiểu của TT&VH, lý do khiến “Hàng xóm” bị từ chối là vì không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn rằng đây là tác phẩm chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Và, chúng tôi đưa ra quyết định này theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao” - ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT, NA&TL cho biết. Theo lời ông Thành, việc xin cấp phép từ phía Trung tâm Văn hóa Pháp diễn ra trong thời gian quá gấp, chỉ vài ngày trước triển lãm. Do đó, phía tổ chức này cũng không có ý kiến, hoặc phản hồi chính thức nào về trường hợp “Hàng xóm”.

Trước câu hỏi củaTT&VHvề khả năng góp ý để tác giả “Hàng xóm” tự chỉnh sửa và được thông qua, ông Thành nói: “Trên nguyên tắc, nếu tác giả có đề xuất như vậy, chúng tôi sẵn sàng nhiệt tình hợp tác. Tuy nhiên, muốn làm vậy, phía tổ chức triển lãm phải chủ động trao đổi, liên lạc và tiến hành mọi việc trước khi triển lãm diễn ra”.

Tác phẩm 

Tác phẩm “Hàng xóm” của Thành Phong

“Hàng xóm” được vẽ và sáng tác lời thoại bởi họa sĩ trẻ Thành Phong (tác giả của các bộ tranhSát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê), kèm theo đó là lời chú thích dành cho độc giả trên 18 tuổi và dòng chữ: “Trong truyện có nội dung và hình ảnh người lớn”.

Vắn tắt, đây là câu chuyện về mối quan hệ tương tác giữa cặp vợ chồng trẻ và một bà cụ già trong một chung cư cũ. Một vài khuôn tranh trong “Hàng xóm” có nội dung liên quan tới chuyện sinh hoạt vợ chồng hoặc chuyện “tè dầm” của người già - tuy nhiên cũng không mang nhiều tính “tả thực”.

“Tôi muốn nói tới sự cô đơn, bất an của người già, cũng như sự cần thiết phải tìm được ngôn ngữ để chia sẻ và cảm thông giữa con người với con người trong cùng một không gian sống” - Thành Phong trao đổi vớiTT&VH- “Sự thực, việc “Hàng xóm” không được thông qua khiến tôi cũng hơi ngạc nhiên. Câu chuyện có một vài chi tiết “người lớn”, nhưng tôi đã cân nhắc rất kĩ về hình vẽ và phần lời thể hiện để mang lại sự mềm mại, chứ không thô tục cho câu chuyện”.

Thể loại tranh truyện dành cho độc giả có độ tuổi từ 18 trở lên khá phổ biến trên thế giới, tuy nhiên các tác giả VN gần như chưa quan tâm tới mảng sáng tác này.

Hiện, triển lãmMảnh sốngvẫn đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), kéo dài tới 4/12, với 6 chùm tác phẩm của 5 tác giả khác nhau, bao gồm 1 họa sĩ người Pháp và 4 họa sĩ người Việt. Những chùm tác phẩm này bao gồm truyện tranh hoặc tranh vẽ, với nội dung chia sẻ các câu chuyện hoặc cảm nhận của tác giả về văn hóa Hà Nội.

Theo Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa