Vì sao rất ít diễn viên phía Nam thành công ở phía Bắc?
(Dân trí) - Nhiều diễn viên phía Nam ra Bắc đóng phim nhưng không phải diễn viên nào cũng đạt được thành công như mong đợi.
Áp lực đè nặng, thử thách bủa vây
Những năm gần đây, nhiều bộ phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) luôn có sự góp mặt của diễn viên hai miền Nam - Bắc như: Thương nhớ ở ai, Cả một đời ân oán, Về nhà đi con, Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng, Lựa chọn số phận…
Theo lí giải của nhiều đạo diễn, sự góp mặt của diễn viên hai miền sẽ góp phần tăng thêm màu sắc tươi mới và sự thú vị cho phim. Đạo diễn Mai Hồng Phong cũng cho rằng, đó là cách để cân bằng yếu tố vùng miền trong mỗi bộ phim và giúp bộ phim có độ phủ sóng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy, không hẳn diễn viên nào ra Bắc đóng phim cũng tạo được tiếng vang. Nhiều diễn viên dù đảm nhận những vai chủ chốt của phim và có cơ hội để toả sáng nhưng cuối cùng vẫn chỉ dừng ở mức độ “hoàn thành nghĩa vụ”. Ngược lại, nhiều diễn viên dù mới một vài lần Bắc tiến nhưng lại thành công ngoài mong đợi. Sự thành công của các diễn viên trẻ như: Quốc Trường, Xuân Nghị, Diễm My 9x, Nhan Phúc Vinh… mới đây là những ví dụ rất điển hình.
Sự khác biệt về cách làm phim giữa Nam và Bắc cộng với nhiều thứ lạ lẫm luôn đặt ra cho các diễn viên phía Nam nhiều thử thách. Bản thân Quốc Trường khi lần đầu tiên Bắc tiến đóng phim cũng đã phải thừa nhận gặp khá nhiều áp lực. Trước hết, cách làm phim phía Bắc kỹ càng, chỉn chu hơn nên đòi hỏi người diễn viên phải nghiên cứu kịch bản rất sâu mới tung hứng nhịp nhàng với bạn diễn được. Thêm nữa, giọng nói đặc sệt miền Tây cũng tạo ra cho anh những rào cản khi nhập vai và giao tiếp với mọi người.
Diễm My 9x tâm sự, lúc nhận lời ra Bắc đóng phim cô đã hình dung ra những khó khăn mình phải đối diện. Tuy nhiên, khi vào cuộc rồi cô mới cảm thấy gánh nặng áp lực trên vai mình rất khủng khiếp. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi ngoai cộng với áp lực làm phim khiến cô bị mất ngủ, stress trầm trọng, sức khoẻ đi xuống. Cô đã buộc phải tìm đến bác sĩ tâm lý và truyền nước để cải thiện tình hình.
“Lúc mới ra Bắc, tôi chưa quen với mọi người, lại là người sống khép kín nên chưa biết làm thế nào để hoà đồng. Ở ngoài này, ê-kíp thường nói ngược để trêu chọc nhau nhưng tôi cứ ngỡ họ nói thật nên cứ thấy chạnh lòng. Sau khoảng 2 tuần, tôi mới nhập cuộc được. Ở đây, tôi học được rất nhiều thứ vì đoàn phim không đặt áp lực quá lớn về tiến độ thời gian nhưng lại đòi hỏi chỉn chu từng phân đoạn”, Diễm My nói.
Muốn thành công phải biết điều chỉnh mình?
Theo NSND Hoàng Dũng, dù cách làm phim truyền hình giữa Bắc và Nam có sự khác biệt rõ rệt nhưng sự thành công của vai diễn tuỳ thuộc vào kịch bản, tài năng và sự chuyên nghiệp của người diễn viên. Những diễn viên chuyên nghiệp khi ra Bắc đóng phim, họ sẽ biết cách quan sát mọi thứ để nhập cuộc rất nhạy, nhanh. Ngoài ra, khi nghiên cứu kịch bản nghiêm túc và biết cách khai thác thế mạnh của mình để đưa vào nhân vật thì người diễn viên rất dễ làm nên chuyện.
“Nhịp làm phim ở phía Nam nhanh hơn và diễn viên luôn có người nhắc thoại. Ở phía Bắc, nhịp làm phim chậm hơn nhưng đòi hỏi sự chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ. Tất cả đều hướng tới sự chuyên nghiệp. Vì thế, diễn viên ở phía Nam ra Bắc, Bắc vào Nam muốn thành công thì phải biết điều chỉnh mình khi nhập cuộc. Tất nhiên, yếu tố thành công còn liên quan đến nhiều thứ khác nhưng sự nỗ lực hết mình luôn mang đến cho người diễn viên những thứ hay ho”, NSND Hoàng Dũng nói.
Đạo diễn Nhất Trung phân tích, dù có khác biệt tới đâu thì phim Nam - Bắc vẫn có điểm chung là tác phẩm chất lượng, chỉn chu sẽ luôn được đón nhận. Bằng chứng là sự thành công của một số diễn viên phía Nam ra Bắc đóng phim đều rơi vào các bộ phim có kịch bản thú vị. Ngoài ra, cần phải có sự linh hoạt trong tư duy và tác phong làm nghề mới hoà được vào cách làm phim phía Bắc.
Nhớ về quãng thời gian Bắc tiến đóng “Thương nhớ ở ai”, Hồng Kim Hạnh từng chia sẻ: “Để vào vai, mỗi ngày với tôi đều là sự quan sát, học hỏi. Tôi vốn là người nói nhanh nên phải tập nói chậm, tròn vành rõ chữ. Ngay cả điệu bộ tất tả của diễn viên, làm sao để không bị điệu quá cũng không dễ”. Cô tiết lộ, mỗi ngày không đóng phim, cô đều chịu khó đi và nhìn thao tác, cử chỉ của những người lao động và tự tập cho chính mình trước khi đứng trước ống kính máy quay.
Hà Tùng Long