Vì sao phim ra đời cách nay vài thập niên đến bây giờ vẫn “sốt”?

(Dân trí) - Nhiều bộ phim được sản xuất vào thập niên 90 và những năm 2000, thời mà vẫn còn nhiều gia đình xem phim bằng tivi đen trắng bỗng “hot” trở lại khiến cho nhiều người đặt câu hỏi “vì sao?”.

Những bộ phim gây “thương nhớ” khi nhắc đến

Nói đến những bộ phim truyền hình gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x… cách đây vài thập kỷ, người ta vẫn còn nhớ vanh vách tên của từng bộ, tên của nhân vật. Từ những phim xoay quanh xung đột gia đình như: Những người sống bên tôi, Đất phương Nam, Của để dành, Mùa lá rụng trong vườn, Chuyện phố phường, Chuyện nhà Mộc… đến những phim xoay quanh cuộc sống của những người trẻ như: Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời, Những ngọn nến trong đêm, 12A và 4H, Gió qua miền tối sáng… đều khiến người ta muốn quay trở lại với thời xa xưa.

Phim Phía trước là bầu trời bỗng nhiên gây sốt trở lại sau nhiều năm phát sóng.
Phim "Phía trước là bầu trời" bỗng nhiên gây sốt trở lại sau nhiều năm phát sóng.

Nhiều người cho rằng, những bộ phim kể trên dù được sản xuất ở thời điểm mọi thứ còn thiếu thốn, trang thiết bị còn cũ kỹ và công nghệ làm phim lạc hậu… nhưng phim nào cũng khiến người ta “ám ảnh”.

Một bà Vi đầy tội nghiệp trong “Của để dành” đã khiến không ít người rơi nước mắt khi bị ba đứa con vô tâm “bỏ quên” trong bệnh tật và cô đơn tuổi già. Một ông Bằng cũng đáng thương không kém khi luôn bị lạc lõng giữa những điều mới mẻ trong quan niệm về tiền bạc của những người con ở “Mùa lá rụng trong vườn”. Một ông Mộc đầy hài hước khi mang nếp sống của người ở quê lên phố trong bối cảnh đô thị hóa đang bao phủ mọi ngóc ngách…

Cả những “rắc rối” của tuổi mới lớn xoay quanh 4 cô bạn Hạ, Hân, Hoa Hằng lớp 12A trường Chu Văn An trong “12A và 4H”; những thăng trầm và biến cố của nhóm Trúc, Quốc, Văn, Giang... trong “Những ngọn nến trong đêm” và những phận người chìm nổi khi lỡ mắc căn bệnh thế kỷ trong “Gió qua miền tối sáng”…

Đặc biệt, mới đây, khi bộ phim “Phía trước là bầu trời”, một bộ phim kể về đời sống xóm trọ của những sinh viên tỉnh lẻ do NSƯT Đỗ Thanh Hải đạo diễn được đưa lên phần mềm xem phim qua điện thoại di động thông minh đã khiến nhiều người “đứng ngồi không yên”. Đối với nhiều người, chỉ cần nhắc đến tên phim thôi là bao kỷ niệm lại ùa về như tươi mới và vẹn nguyên.

Rõ ràng thời đó, phim truyền hình Việt khai thác những vấn đề rất đỗi nhẹ nhàng. Không có sự tranh chấp quyết liệt, không có những mối thâm thù truyền kiếp và không có những oan trái rợn người nhưng khi xem người ra vẫn có thể day dứt, ám ảnh và tự soi lại mình để cùng hướng đến những giá trị “chân thiện mỹ” của đời sống.

Phim ngày nay thiếu độ sâu để gây nhớ thương

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, những phim truyền hình ra đời từ lâu nhưng vẫn khiến người xem nhớ, thích… trước hết là vì phim hay. Cái hay đó thuộc về câu chuyện của phim. Nếu tình huống truyện không hay thì diễn viên cũng không “sống” được cùng vai diễn.

“Khi người ta yêu mến một nhân vật nào đó trong một phim nào đó có nghĩa là diễn viên đã được đặt đúng chỗ và có tình huống để thể hiện mình. Cho nên câu chuyện phim làm cho người ta nhớ lâu. Đã gọi là phim truyện thì phải có câu chuyện trong phim”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

Của để dành - bộ phim truyền hình từng khiến nhiều thế hệ khán giả ám ảnh.
"Của để dành" - bộ phim truyền hình từng khiến nhiều thế hệ khán giả ám ảnh.

Đồng quan điểm, Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần cũng cho rằng, mặc dù thời xưa công nghệ làm phim không bằng ngày nay nhưng phim ở thời điểm đó gây cảm xúc thật sự cho người xem khiến họ nhớ lâu. Việc ngày nay, các thế hệ 6x, 7x, 8x… muốn xem lại những bộ phim đã phát sóng cách đây vài thập niên là vì họ muốn được sống lại với cảm xúc của ngày xưa. Thậm chí, có người muốn cảm nhận rõ hơn cảm xúc của ngày xưa với ngày nay đã thay đổi như thế nào. Bên cạnh đó, có người xem lại phim người xưa để thấy các vấn đề đặt ra trên phim khác biệt cỡ nào so với ngày hôm nay.

“Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, các bộ phim thập niên 90 hoặc những năm 2000 gây sốt trở lại chủ yếu với các thế hệ 7x, 8x… Còn các thế hệ trẻ bây giờ không nhiều người biết đến những phim đó hoặc có biết họ cũng chưa chắc đã muốn trở lại vì họ đang say mê với những thứ mới mẻ quanh mình”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.

Lí giải vì sao ngày nay nhiều bộ phim được làm với công nghệ hiện đại và được đầu tư rất nhiều nhưng khi xem phim xong khán giả lại không nhớ bằng những bộ phim trước đây, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phân tích, nhìn nhận ở góc độ nào ông vẫn thấy lối làm phim ngày xưa cầu kỳ hơn bây giờ. Bây giờ, các đạo diễn trẻ nhiều nên quan sát cuộc sống hơi đơn điệu và thực hiện hơi gấp gáp nên phim thiếu độ sâu dù kỹ thuật rất tốt.

“Những nhân vật có tính cách chính là yếu tố làm cho phim thành công. Chẳng hạn, phim của tôi chẳng có gì cả nhưng có những ông Quềnh, cô Ló… là những tính cách đặc biệt. Khi một tác phẩm tạo ra được những nhận vật đặc biệt thì khiến cho người xem ấn tượng rất lâu bởi người ta thú vị với những nhân vật đó. Và người ta nhớ đến phim đó mãi, thậm chí muốn xem lại nó.

Thời xưa, chúng tôi khi làm phim, bao giờ cũng quan tâm đến nhân vật đặc biệt và câu chuyện trong phim hơn những thứ khác. Bây giờ, phim ít tính cách đặc biệt quá, cái gì cũng chung chung. Muốn có được nhân vật đặc biệt cần phải có sự hiểu biết về cuộc sống. Từ nhiều nhân vật độc đáo, cá biệt… thì mình sẽ lựa ra để xây dựng nên một nhân vật đặc biệt. Nhờ thế bộ phim sẽ hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu đậm cho người xem”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ thêm.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại bày tỏ, để có thể khẳng định, bộ phim có được khán giả nhớ hay không cần phải có thời gian. Nhưng nhìn chung, những bộ phim truyền hình bây giờ, trong một tốc độ sống rất nhanh, người ta xem sau đó quên ngay vì có những thứ khác “lao đến” làm họ phân tán.

“Cuối cùng vẫn phải nói với nhau rằng, công nghệ hiện đại, diễn viên bắt mắt, kỹ xảo tiên tiến… chỉ góp phần làm cho bộ phim có cái nhìn mãn nhãn thôi chứ không thể gây “thương nhớ” đối với khán giả được. Tất cả mọi cái khiến khán giả có thể nhớ lâu, nhớ mãi, nhớ kỹ… chính là câu chuyện của phim. Nếu câu chuyện không đủ hấp dẫn, không đủ mạch lạc, không đủ hợp lý - logic và thậm chí là không đủ để người xem nhìn thấy một phần của mình ở trong đó thì công nghệ có hiện đại đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề gì. Trong mọi thời đại, mọi bối cảnh, mọi quốc gia… thân phận con người cần phải đủ sâu, đủ đặc biệt và logic để người ta thừa nhận nó”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm