Vì sao những bức tượng Hy Lạp cổ đại thường... khỏa thân?
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu luôn tìm cách lý giải tại sao đối với người Hy Lạp cổ đại, sự khỏa thân lại xuất hiện nhiều trong nghệ thuật đến vậy.
Những bức tượng cổ của Hy Lạp, được thực hiện từ khoảng 2.500 năm trước, vốn luôn được coi là kinh điển trong nghệ thuật điêu khắc, trong số này, có rất nhiều tác phẩm khắc họa con người và các vị thần đang ở trong tình trạng khỏa thân.
Cũng từ rất lâu, các nhà nghiên cứu đã luôn tìm cách lý giải tại sao đối với người Hy Lạp cổ đại, sự khỏa thân lại xuất hiện nhiều trong nghệ thuật đến vậy.
Những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa đã cho thấy, ở nhiều nền văn minh khác nhau, chỉ có những chiến binh thua trận là bị bắt buộc phải khỏa thân. Lúc này, khỏa thân là mất danh dự, là yếu kém, thất bại. Nhưng ở Hy Lạp, những vị nam thần, nữ thần, vận động viên thể thao lại luôn khỏa thân.
Người Hy Lạp cổ đại là những người đầu tiên nhìn thấy ở tình trạng khỏa thân một ý nghĩa cao quý, vẻ đẹp thẩm mỹ và bản lĩnh anh hùng. Chỉ riêng đối với người Hy Lạp, khỏa thân không phải là dấu hiệu của sự thấp kém, mà là biểu trưng của sự cao quý nhất.
Triển lãm “Định nghĩa vẻ đẹp: Cơ thể người trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại” hiện đang được mở ra tại Bảo tàng Anh (London).
Đây là một trong những triển lãm “đáng xem” nhất thế giới được mở ra trong năm nay.
Khi một vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic cổ xưa, anh ta sẽ cởi bỏ hết trang phục. Người ta nhìn thấy ở đó, một sự bình đẳng tuyệt đối giữa các vận động viện, một sự trung thực, ngay thẳng trong thi đấu. Lúc này, khỏa thân là bộ đồng phục của tinh thần thể thao cao thượng.
Thực tế, người Hy Lạp cổ đại không phải lúc nào cũng khỏa thân, không bao giờ người ta bắt gặp cảnh người Hy Lạp dạo phố trong trạng thái “thiên nhiên” ở bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào. Họ chỉ khỏa thân trong thể thao, và từ tiếng Anh “gymnasium” (phòng tập thể hình) cũng chính là biến thể của một từ gốc Hy Lạp - “gymnos”, nghĩa là “khỏa thân”.
Những bức tượng Hy Lạp cổ đại vừa được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, vừa là những nghiên cứu tỉ mỉ của người nghệ sĩ về hình thể con người. Những quan sát này chỉ có thể được thực hiện khi con người ở tình trạng khỏa thân.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều lý giải dẫn đến việc các vận động viên Hy Lạp cổ đại thi đấu trong trạng thái khỏa thân để rồi đưa tới “cơn sốt khỏa thân” trong nghệ thuật thời đó.
Có những nhà nghiên cứu dẫn giải lại một sự việc xảy ra ở buổi đầu của Thế vận hội Olympic, khi đó, có một vận động viên đã giành chiến thắng ở giải chạy 200m sau khi anh này để tuột mất phục trang trong lúc chạy. Ngay lập tức, các vận động viên còn lại cũng làm theo để sớm cán đích.
Cũng có một giả thuyết khác cho rằng khỏa thân trong thi đấu thể thao là sự nhắc nhớ lại một tục lệ cổ xưa của thanh niên Hy Lạp. Trong lễ trưởng thành, họ sẽ cởi bỏ bộ phục trang ngắn vốn chỉ dành cho thiếu niên, rồi khỏa thân chạy vào nhóm những thanh niên trưởng thành.
Ngoài ra, ở Athens thời xưa, hàng năm người ta đều tổ chức lễ hội tôn vinh nữ thần Athena - nữ thần bảo trợ cho thành Athens. Tại đây, những thanh niên trẻ tuổi sẽ khỏa thân chạy từ một “phòng gym” tới đền Parthenon. Những nam giới nặng ký và chạy chậm sẽ bị đám đông đứng xem “tét” vào người khi họ chạy qua.
Những nữ thần cũng được khắc họa trong tình trạng “thiên nhiên”. Trong ảnh là tượng nữ thần Aphrodite.
Những bức tượng Hy Lạp cổ đại luôn được coi là những tuyệt tác kỳ diệu. Dáng dấp, cử chỉ của nhân vật luôn tự nhiên, sống động, tinh tế.
Sự cởi mởi chưa từng thấy về chuyện khỏa thân trong tư tưởng của người Hy Lạp cổ đại không có nghĩa là một sự buông tuồng, dễ dãi. Những nhân vật được khắc họa trong trạng thái khỏa thân luôn rất điềm nhiên, bình tĩnh, họ đang chuyên chú vào một việc gì đó, thay vì chỉ bận tâm tới tình trạng “thiên nhiên” của cơ thể mình.
Đặc biệt, những nhân vật này không bao giờ được khắc họa trong trạng thái “phấn hứng”, bởi việc bị “kích động” ở nơi công cộng là biểu hiện cho sự yếu kém, trong khi những nhân vật được khắc họa ở tình trạng khỏa thân lại là các nam thần, nữ thần, các vận động viên Olympic…
Người Hy Lạp cổ đại coi trạng thái “thiên nhiên” là biểu trưng của những con người xuất chúng, nhưng việc bị “kích động” ngay trước đám đông là điều đáng xấu hổ, vì vậy, “phần nhạy cảm” ở các bức tượng Hy Lạp luôn có kích thước nhỏ so với tỉ lệ thân tượng.
Trong các vị thần Hy Lạp, chỉ có một vị thần duy nhất thường được khắc họa trong trạng thái “phấn hứng”, đó là vị thần dê Pan - vị thần của sự hoang dã, bảo trợ cho những người chăn cừu và các đàn gia súc. Đặc biệt, thần dê Pan luôn gắn liền với… các thần nữ.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail