Vì sao nhạc sĩ Phú Quang chấm dứt việc ủy quyền cho VCPMC?
(Dân trí) - Khi “cuộc chiến” bản quyền còn đang căng thẳng thì sáng ngày 21/8, nhạc sĩ Phú Quang bất ngờ tuyên bố chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã ký với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Sáng ngày 21/8, nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông đã thông báo với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền cho VCPMC.
“Vì lý do cá nhân, tôi xin thông báo với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Kể từ ngày 1/9/2014, tôi xin ngừng việc ủy quyền cho Trung tâm thực hiện quyền tác giả đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc của tôi trong mọi chương trình biểu diễn nghệ thuật, các chương trình truyền hình, thu thanh…. Các băng đĩa nhạc phát hành trên thị trường, các trang mạng có sử dụng tác phẩm của tôi trong và ngoài nước”, nhạc sĩ Phú Quang nêu rõ trong văn bản thông báo.
Nhạc sĩ Phú Quang thông báo ngừng việc ủy quyền cho Trung tâm VCPMC thực hiện quyền tác giả đối với toàn bộ tác phẩm âm nhạc của mình
Đồng thời vị nhạc sĩ cũng khẳng định: “Kể từ ngày 1/9/2014, tôi là người chịu trách nhiệm về bản quyền đối với các tác phẩm âm nhạc cũng như các lời thơ của các nhà thơ mà tôi sử dụng trong tác phẩm của mình trước pháp luật.”
Trao đổi với báo chí, nhạc sĩ Phú Quang nói rõ, ngày 15/8 ông đã tới Trung tâm để thông báo việc ngừng ủy quyền cho Trung tâm. Đồng thời, ông sẽ gửi thông báo này tới báo chí, các đơn vị tổ chức biểu diễn trên cả nước…
Dù không tiết lộ nguyên nhân chính thức khiến ông tuyên bố chấm dứt hợp đồng ủy quyền với VCPMC nhưng nhiều người cũng dễ suy đoán trước thái độ bức xúc, nghi vấn của nhạc sĩ về phương thức thu chi không minh bạch, cách làm việc chưa chuyên nghiệp của VCPMC.
“Trung tâm sống được là nhờ các nhạc sĩ, chứ không phải Trung tâm là nơi bố thí cho các nhạc sĩ. Thu được nhiều tiền bản quyền thì càng tốt cho tác giả nhưng vấn đề là thực tế, trung tâm trả cho tác giả bao nhiêu? Trung tâm chỉ thông báo số tiền thu được, còn không ai biết Trung tâm chi bao nhiêu tiền cho các nhạc sĩ cả”, Phú Quang bộc bạch.
Đêm nhạc Khánh Ly lần 2 tại Hà Nội, một lần nữa dấy lên những tranh cãi về vấn đề bản quyền âm nhạc
Nhạc sĩ Phú Quang cho biết, trong đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn tại Sài Gòn bên VCPMC đòi thu 5 bài của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn 80 triệu đồng tiền bản quyền cộng 8 triệu đồng tiền thuế, tính ra là 16 triệu/bài. Trong khi các ca khúc của Văn Cao thu có 1 triệu/bài?
Live show Bằng Kiều, theo Phú Quang biết, được yêu cầu phải trả 4 triệu đồng/bài, họ không chịu, lại hạ xuống 700.000 đồng/bài. Đêm nhạc Khánh Ly, mỗi bài được yêu cầu trả tới mười mấy triệu/bài…
“Từ trước đến giờ tôi nhận ở Trung tâm số tiền cao nhất cho một bài là 1 triệu còn lại chỉ từ 200-300 ngàn đồng, hay có một vài bài được 500 ngàn đồng”, nhạc sĩ Phú Quang nói.
Trước đó, nhạc sĩ Phú Quang từng “phàn nàn” khi ông phải nộp tiền bản quyền 4 triệu/bài hát trong một chương trình do ông tổ chức nhưng sau đó nhận được chưa đến 300 ngàn đồng tiền bản quyền cho mỗi sáng tác của mình.
Phú Quang và Tùng Dương chia sẻ thông tin về chương trình "Hà Nội và Em khi thu chớm đông sang" vào gần cuối tháng 9 tới
Với việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền với VCPMC, trong 3 đêm nhạc ngày 19, 20 và 21/9 tới với tựa đề Hà Nội và Em khi thu chớm đông sang tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Phú Quang sẽ không phải nộp tiền bản quyền cho chính những ca khúc của mình. Vị nhạc sĩ cũng khẳng định sẽ tự gửi tiền bản quyền cho các nhà thơ. “Tôi sẽ thông báo chính thức các nhà thơ được hưởng bao nhiêu phần trăm tiền bản quyền và chương trình diễn bao nhiêu đêm thì họ được trả bấy nhiêu”, Phú Quang khẳng định.
Vị nhạc sĩ cũng chia sẻ, chuỗi đêm nhạc Phú Quang sắp tới, khán giả sẽ gặp lại những gương mặt thân thuộc như Ngọc Anh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Tấn Minh, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương và người đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình, NSND Lê Khanh…
Nguyễn Hằng
Ảnh: Hải Bá