Vì sao giải thưởng Cánh diều ngày càng… “vơi gió”?

(Dân trí) - Chỉ còn 2 ngày nữa là sẽ diễn ra lễ trao giải Cánh diều 2016 tại TP HCM. Tuy nhiên, so với nhiều năm trước, Cánh diều năm nay được nhìn nhận là đã “vơi gió” khi số lượng phim dự giải hạn chế, vắng mặt phim nhà nước và phim nghệ thuật…

Phim tư nhân "lên ngôi", phim nhà nước vắng lặng

Theo thông tin từ BTC, năm nay, giải Cánh diều 2016 có tổng cộng 118 phim, với 19 phim truyện điện ảnh, 20 phim truyện truyền hình, 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn và 5 tác phẩm công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.

19 phim Việt Nam tham dự ở hạng mục phim truyện điện ảnh bao gồm các phim: Sút, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Chạy đi rồi tính, Fan cuồng, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim, Chờ em đến ngày mai, 12 chòm sao vẽ đường cho hươu chạy, Cha cõng con, Nàng tiên có năm nhà, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu...

Cha cõng con là một trong 19 phim dự giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh của giải Cánh diều 2016. Ảnh: NT.
"Cha cõng con" là một trong 19 phim dự giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh của giải Cánh diều 2016. Ảnh: NT.

Thực tế, so với gần 50 phim điện ảnh ra rạp năm 2016 thì số lượng 19 phim dự giải Cánh diều là con số khá khiêm tốn. Đặc biệt, trong 19 phim này, các phim chủ yếu là của các hãng tư nhân sản xuất, nhất là các công ty ở phía Nam. Đây là năm đầu tiên, giải Cánh diều thiếu vắng bóng dáng của phim nhà nước.

So với Cánh diều 2014 với 3 phim nhà nước gồm: Những người con của làng, Sống cùng lịch sử, Mộ gió; Cánh diều 2015 với 6 phim: Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Người trở về... tham dự thì Cánh diều 2016 quả là một năm đáng buồn của điện ảnh mang vai trò “trụ cột”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia kiêm Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, bà cảm thấy vui vì điện ảnh tư nhân đi lên nhưng cũng “rầu lòng” khi điện ảnh nhà nước đi xuống. Đặc biệt, các hãng phim ở phía Bắc không có phim để tham dự. Hãng phim Truyện Việt Nam hầu như không, hãng phim Giải phóng cũng vậy, ngoài 5 phim đề tài miền núi kinh phí thấp được thi ở thể loại phim truyền hình dài tập và ngắn tập. Việc không có một bộ phim truyện điện ảnh nhà nước nào được sản xuất trong năm qua là một dấu “lặng” đáng phải nghĩ ngợi.

Nhận xét về sự “lên ngôi” của các bộ phim do các hãng tư nhân phía Nam sản xuất, bà Hồng Ngát bày tỏ rằng, các nhà sản xuất phía Nam chịu khó đầu tư từ việc chọn đề tài, kỹ thuật, kỹ xảo đến diễn viên sao cho ăn khách. Nhưng cũng chính vì tự đầu tư nên họ phải tính toán, sản xuất phim theo nhu cầu thị trường nhằm thu lợi nhuận cao. Chiếu tại rạp năm qua phần lớn là phim kinh dị, phim ma, hành động… xem xong không đọng lại gì. Nên một năm cũng chỉ 1 đến 2 phim đọng lại, càng không dễ tìm được tác phẩm vừa có tính nghệ thuật cao vừa hút khách.

Trong khi đó, phim của các hãng phim nhà nước sản xuất có nhiều đòi hỏi gắt gao hơn trong tất cả các khâu hình thành một bộ phim nên số lượng ít hơn. Tuy nhiên, bà Ngát vẫn cho rằng, nền điện ảnh mà có sự chênh lệch quá nhiều giữa tư nhân và nhà nước quả rất đáng lo ngại.

Đã đến lúc thay đổi tầm nhìn?

Đề cập đến chuyện vì sao phim ra rạp nhiều mà phim dự giải Cánh diều lại rất khiêm tốn, nhiều chuyên gia lý giải rằng, đó không phải là câu chuyện mới xảy ra. Từ những năm trước, chính diễn viên Quyền Linh - thành viên BTC Cánh diều đã “kêu trời” vì nhiều đơn vị sản xuất không mặn mà với giải thưởng này của Hội Điện ảnh. Thậm chí, có thời điểm gần sát ngày diễn ra lễ trao giải mà số lượng phim dự giải vẫn lẻ tẻ, thưa vắng…

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Cảnh diều phải có cái nhìn mở để tăng sức hút bị rơi rụng trong nhiều năm qua. Ảnh: TL.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Cảnh diều phải có cái nhìn mở để tăng sức hút bị "rơi rụng" trong nhiều năm qua. Ảnh: TL.

Không chỉ phim tư nhân mà phim độc lập cũng khá thờ ơ với giải Cánh diều trong nhiều năm qua. Cụ thể, giải Cánh diều 2015 đã có không ít người thắc mắc vì sao những phim độc lập như “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, phim thể nghiệm “Căn phòng của mẹ” của đạo diễn Síu Phạm từng giành nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế và khu vực nhưng không gửi tới tham dự giải thưởng.

Và một trong những lý do được các chuyên gia nhận định là do Cánh diều ngày càng kém sức hút khiến cho các hội viên không còn hào hứng tham gia.

Trong khi đó, điều đáng nói là các phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều đa phần là phim thương mại, nặng tính giải trí hoặc thị trường thì những bộ phim nhỉnh hơn về tính nghệ thuật nhưng có sự hợp tác với nước ngoài lại bị Cánh diều thẳng thừng nói “không”. Ở Cánh diều 2015, Hội Điện ảnh Việt Nam đã từ chối thẳng thừng việc cho phim “Em là bà nội của anh”, một bộ phim có doanh thu “khủng” nhất năm vì đây không phải là phim thuần Việt. Ở Cánh diều 2016 bộ phim “Vệ sỹ Sài Gòn” lại tiếp tục bị liệt vào danh sách cần xem xét với lý do được thực hiện bởi đạo diễn người Nhật.

Lý do mà Hội Điện ảnh Việt Nam đưa ra là vì tiêu chí của Cánh diều là “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực" vì đó không khích lệ nền điện ảnh trong nước do đó các phim có kịch bản Việt hóa không phù hợp mặt bằng chung.

Giải thưởng Cánh diều ra đời từ năm 1994 do Hội Điện ảnh Việt Nam đề ra nhằm khuyến khích sự lao động sáng tạo của giới văn nghệ sĩ trên cả nước. Giải này từng được kỳ vọng như một “Oscar của Việt Nam” nhưng đến nay giải thưởng vẫn chỉ mang tính chất nội bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc giải thưởng này có cái nhìn mở hơn để tăng sức hút cũng như tăng tính thiết thực của giải thưởng trong việc khích lệ điện ảnh nước nhà.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm