Vì sao Đặng Thái Huyền luôn ám ảnh với thân phận phụ nữ thời hậu chiến?
(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh nhưng Đặng Thái Huyền lại luôn đắm đuối với dòng phim hậu chiến. Với chị, đó là cách để đồng cảm với những người phụ nữ trở về từ cuộc chiến.
Là một trong những nữ đạo diễn hiếm hoi thành công với mảng phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến… Đặc biệt là khai thác thân phận người phụ nữ thời hậu chiến. Xuất phát từ đâu chị lại đi sâu vào đề tài này?
Trước hết, bản thân tôi cũng là phụ nữ nên tôi có sự đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu với những khổ đau, mất mát của người phụ nữ. Đặc biệt, khi chưa vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi đã rất thích xem các bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn Khắc Lợi… về đề tài chiến tranh.
Và tôi cứ ước muốn, sau này khi làm nghề sẽ làm những đề tài nói sâu hơn về mất mát và thiệt thòi của người phụ nữ sau chiến tranh.
Tôi nghĩ, sau khi chiến tranh đi qua, người phụ nữ phải đối diện với rất nhiều nỗi đau thầm lặng. Có những nỗi đau mà chắc chỉ người phụ nữ mới có thể chịu đựng được nhưng lại không dễ gì nhìn thấy được. Nỗi đau đó khác với nỗi đau của người đàn ông đổ máu và mất mát nơi chiến trường.
Với chị, nỗi đau nào của người phụ nữ thời hậu chiến là ám ảnh nhất và chị luôn muốn đưa vào phim của mình?
Thực ra, nỗi đau thời hậu chiến “muôn hình vạn trạng” lắm. Những nghịch cảnh chiến tranh khiến cho người phụ nữ chịu nhiều nỗi mất mát. Chỉ có điều, tuỳ vào độ “chín” của bản thân ở mỗi giai đoạn mà tôi sẽ làm phim về nỗi đau ấy chạm đến cảm xúc của người xem như thế nào.
Trong hai bộ phim “Mười ba bến nước” và “Người trở về” từng gây tiếng vang, chị có đưa thực tế chị chứng kiến hoặc những điều trong sâu thẳm của bản thân để đặt để vào các nhân vật nữ?
Nhiều người cũng thường hỏi tôi có lấy cảm xúc của bản thân để đặt để vào nhân vật trong phim hay không, thực ra cái đó cũng có nhưng chỉ một phần. Phần nữa là những câu chuyện tôi đã đọc, số phận những người phụ nữ tôi đã gặp và cả những người phụ nữ tôi đã quen… Tôi tổng hợp tất cả những người phụ nữ đó lại để làm nên những nhân vật của mình. Tất nhiên, tôi cũng lồng ghép một chút tâm sự riêng của mình trong hình tượng người phụ nữ ở các phim tôi đã làm.
Nhân vật cô Sao trong “Mười ba bến nước” do Điện ảnh Quân đội sản xuất là nhân vật tôi rất yêu. Nhân vật này đã giằng xé với nỗi đau không thể có được một đứa con lành lặn do chính mình đẻ ra.
Thời làm “Người trở về” cũng là một bộ phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất, tôi lại tiếp tục với mạch cảm xúc đó. Đó là bi kịch của người phụ nữ trở về từ cuộc chiến không thể có được niềm hạnh phúc làm mẹ.
Tôi cho rằng, niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ hoặc được làm mẹ của những đứa con lành lặn và khi bị tước đi cái quyền đó thì không còn nỗi bất hạnh nào bằng. Đó là lý do tôi đi sâu vào khai thác tâm lý và bi kịch người phụ nữ trong tác phẩm đầu tay của mình.
Trong hai bộ phim kể trên, chị xúc động nhất với những cảnh phim nào?
Đối với “Mười ba bến nước”, gây xúc động nhất với tôi là cảnh trong đêm mưa gió bão bùng, cô Sao quay trở về với chồng cũ. Mặc dù, cô ấy biết, khi quay trở về với chồng cũ thì cô cũng không thể có được hạnh phúc làm mẹ.
Với phim “Người trở về” thì ám ảnh tôi nhất vẫn là hình ảnh cô Mây với những vết thương chằng chịt trên bụng do hậu quả của chiến tranh. Và cô ấy cũng biết rằng, mình đã không thể làm mẹ được nữa.
Với chị, cái khó nhất khi làm phim về thân phận người phụ nữ thời hậu chiến là gì?
Tôi nghĩ rằng, làm bất kỳ bộ phim nào về đề tài nào thì cũng phải mang hơi thở của thời đại. Phim phải phục vụ được lớp công chúng đang tiếp cận, đang xem và đang chịu ảnh hưởng bởi tin tức thời sự của ngày hôm nay.
Tất cả các nhân vật trong phim của tôi dù được đặt trong bối cảnh hậu chiến nhưng lại mang hơi thở cuộc sống ngày hôm nay. Tức là mình phải làm phim với độ lùi thời gian khoảng 30 – 40 năm trong cái cách của nhà làm phim trẻ ngày hôm nay nhìn nhận về quá khứ.
Có như thế, phim mới đáp ứng được thị hiếu và dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Nếu chúng ta đặt bộ phim đó vào thời quá khứ như nó đã từng thì có lẽ nên để cho các bác, các chú làm. Vì so với thế hệ “cây đa, cây đề” thì thế hệ trẻ không thể vượt qua được họ ở mảng phim đó.
Quan điểm của chị như thế nào khi nhiều người cho rằng, phụ nữ khi làm đạo diễn sẽ khó khăn gấp bội phần so với nam giới?
Phụ nữ làm đạo diễn sẽ gặp nhiều khó khăn là đương nhiên rồi. Nhưng tôi chưa bao giờ cho rằng, đạo diễn nữ sẽ vất vả hơn đạo diễn nam. Mỗi người, mỗi giới… sẽ có những khó khăn khác nhau. Quan trọng là khi lựa chọn nghề nghiệp mình phải hiểu được công việc mình theo đuổi. Một khi mình đã yêu công việc mình làm thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua thôi.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.