Vì sao “Cỏ non Thành cổ” là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”?

(Dân trí) - Bao nhiêu năm qua, ca khúc “Cỏ non Thành cổ” không chỉ gợi nhắc đến một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử mà còn là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình.

Cỏ non Thành Cổ - sáng tác: Tân Huyền; biểu diễn: Tấn Minh

“Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…”

“Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về”… những lời ca rất đỗi bình dị nhưng lại khắc vào lòng người nỗi day dứt khôn nguôi. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến những bài hát về đề tài thương binh - liệt sĩ thì “Cỏ non Thành cổ” của cố nhạc sĩ Tân Huyền là bài hát không thể không nhắc tới. Ca khúc quen thuộc này không chỉ gợi nhắc đến một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử mà còn là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình.

Thành cổ - Quảng Trị hôm nay. Ảnh: TL.
Thành cổ - Quảng Trị hôm nay. Ảnh: TL.

Cố nhạc sĩ Tân Huyền (tên thật Phan Văn Tần, sinh 1931, mất 2008) là tác giả của rất nhiều tác phẩm, trong đó có nhiều ca khúc làm rung động lòng người, được phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc. Có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như: Tiếng hò trên đất Nghệ An, Hà Nội trên tầm cao chiến thắng, Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc, Xe ta đi trong đêm Trường Sơn, Em đứng giữa giảng đường hôm nay, Cỏ non Thành cổ, Chị ong nâu, Cháu vẽ ông mặt trời (bài hát thiếu nhi)… Tuy nhiên, “Cỏ non Thành cổ” vẫn là ca khúc đã đưa tên tuổi của ông đi xa nhất. Bài hát đặc sắc này từng được Bộ Quốc phòng trao tặng danh hiệu “Bài hát xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang”. Cá nhân cố nhạc sĩ Tân Huyền cũng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng kể rằng, năm 1989, khi ông đang ngồi viết bài cho tạp chí Cửa Việt ở đường Quang Trung - sát ngay Thành cổ Quảng Trị thì nhìn thấy nhạc sĩ Tân Huyền lang thang về cửa Tây Thành cổ. Thời điểm đó, nhạc sĩ Tân Huyền, Huy Thục, Thuận Yến, Vũ Thanh... được nhạc sĩ Xuân Đàm mời về xây dựng chương trình cho Đoàn Ca Múa Nhạc của tỉnh mới thành lập. Và việc của nhạc sĩ Tân Huyền lúc đó là sáng tác một vài bài hát cho đoàn. Tuy nhiên, đã sống tại Quảng Trị nhiều ngày và từng ngồi cả đêm khuya ngoài bãi cỏ của Thành cổ mà ông vẫn chưa viết được ca khúc nào.

Trong lúc ngồi nói chuyện, nhà văn Nguyễn Quang Lập có nói với nhạc sĩ Tân Huyền rằng: “Anh ạ, lắm khi em cứ nghĩ vẩn vơ không hiểu vì sao cỏ ở đây xanh hơn, tốt hơn các nơi khác. Có người nói đó là cỏ xương máu, không phải cỏ đất đai. Cứ đào bất kỳ nhát xẻng nào cũng có thể gặp một mảnh xương người…”. “Bọ Lập” vừa dứt lời thì mặt nhạc sĩ Tân Huyền sáng hẳn lên. Ông bóp chặt tay nhà văn Nguyễn Quang Lập nói: “hay rồi… tốt rồi”. Ngừng một lúc ông lại đập hay tay đánh “bốp” rồi kêu to “xong rồi”.

Sau này, chính cố nhạc sĩ Tân Huyền cũng thừa nhận, chính những lời chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Lập đã khiến cho nhạc sĩ rất xúc động nên lặng đi rất lâu và trong giây phút lặng yên đó tứ nhạc “bật” ra theo những dòng suy nghĩ. Ông đã lấy cỏ xanh non tơ của ngày hoà bình để khắc hoạ sự hy sinh của các liệt sĩ đã chiến đấu trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và nhắc nhớ thế hệ sau không bao giờ được quên những người đã không tiếc máu xương giành lại mảnh đất này.

Sau khi hoàn tất bài hát này vào cuối năm 1990 tại Hà Nội, cố nhạc sĩ Tân Huyền đã hát cho mọi người nghe và ai cũng rưng rưng nước mắt. Bài hát ngay sau đó đã có sức lan toả mãnh liệt.

Chân dung cố nhạc sĩ Tân Huyền. Ảnh: TL.
Chân dung cố nhạc sĩ Tân Huyền. Ảnh: TL.

Nhạc sĩ Doãn Nho từng nhận xét: “Ca khúc “Cỏ non Thành cổ” của Tân Huyền là một trong những ca khúc viết về chiến tranh hay nhất, giản dị tới mẫu mực...”. Riêng nhà văn Chu Lai lại nhìn nhận: “Có những ca khúc phải nghe mãi mới thấm, có ca khúc vừa nghe đã thấm và càng nghe càng hay thì “Cỏ non Thành cổ” là vế thứ hai và tôi nghĩ bài hát này sẽ mãi mãi sống cùng Thành cổ bi tráng!”.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cũng cho rằng: “Có thể xem “Cỏ non Thành Cổ” là tấm lòng tri ân, là nén tâm hương của muôn triệu người dân Việt Nam dành cho những liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có thể xem đây là sáng tác xuất thần trọn vẹn cả về tư tưởng và nghệ thuật, một điển hình về sự chân thành, giản dị đến không cùng khi người nghệ sĩ biết chắt lọc cái tinh hoa nhất của đời sống”.

Bước nhẹ hơn khi vào Thành cổ viếng mộ

Bài hát có ca từ giản dị, chỉ hai đoạn nhạc ngắn nhưng giai điệu lại trầm lắng, da diết, bi hùng… Như khắc vào tâm thức người nghe rằng, dưới thảm cỏ xanh non tơ kia, từng tấc đất đều có máu xương của các anh hùng liệt sĩ và trong cuộc sống hôm nay không được quên sự hy sinh của ngày hôm qua.

Sau này, nhạc sĩ Tân Huyền có chia sẻ thêm rằng: “Tôi viết bài này còn là vì có nỗi niềm riêng. Em trai tôi đi bộ đội ở chiến trường miền Nam và từ ngày em đi, cứ đến chiều chiều là mẹ tôi lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng em trai tôi không bao giờ trở về nữa. Vì thế, cái đoạn “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” là có hình ảnh mẹ tôi đấy. Viết được “Cỏ non Thành cổ”, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh của mình, với người mẹ đã khuất!”.

Theo vị nhạc sĩ xứ Nghệ này thì thông điệp mà ông muốn gửi tới mọi người là chiến tranh đã lùi xa nhưng thế hệ hậu sinh rất khó có thể hình dung ra dân tộc ta từng hy sinh những gì để giành độc lập tự do. Vì thế, bài hát của ông như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: “Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình...”. Có cuộc sống yên bình, tươi xanh như màu cỏ non hôm nay... xin đừng quên quá khứ hào hùng, đau thương phải đánh đổi bằng bao máu xương của đồng bào chiến sĩ.

Nữ cựu chiến binh đứng bên Thành cổ để hát cho đồng đội nghe. Ảnh: T.A.
Nữ cựu chiến binh đứng bên Thành cổ để hát cho đồng đội nghe. Ảnh: T.A.

Ca khúc đã từng được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện như: Lệ Thu, Nhã Phương, Bảo Yến, Cẩm Vân, Thái Bảo, Việt Hoàn, Tấn Minh, Minh Huyền... thể hiện trong rất nhiều chương trình tri ân liệt sĩ hoặc có ca sĩ từng biểu diễn ngay trong Thành cổ. Và ca sĩ nào cũng thừa nhận khi hát lại ca khúc này, cảm xúc về sự tri ân, về sự hy sinh luôn đong đầy trong từng câu hát.

Theo chia sẻ của gia đình cố nhạc sĩ Tân Huyền, trước khi về thế giới bên kia, nhạc sĩ đã kịp hoàn thành tác phẩm “Mười đóa hoa đồng trinh” ca ngợi sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Ðồng Lộc. Đây được xem là nén tâm hương đầy xúc cảm trước những con người thân thiết của quê hương xứ Nghệ.

Có một câu chuyện rằng, vào năm 2014, hơn 200 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 1972 từ khắp mọi miền tổ quốc đã tề tựu về thăm lại chiến trường xưa. Trong giây phút ngồi bên nhau để ôn lại 81 ngày đêm anh dũng chiến đẩu để bảo vệ Thành cổ không ít người đã khóc. Và sau khi thắp hương cho các đồng đội trong nghĩa trang Thành cổ, một cựu chiến binh đã hơn 80 tuổi đứng giữa các nấm mồ cất cao lời bài hát “Cỏ non Thành cổ”. Lạ thay, khi cựu chiến binh này vừa hát được nửa bài hát thì những nén hương trên mộ của một số liệt sỹ bỗng bùng cháy. Ngọn lửa cứ rực lên trong đêm tối khiến bao người có mặt không cầm được nước mắt. Có những người đã gào lên thật to tên của từng đồng đội như thể họ đang ở đâu đó quanh mình. Và khi bài hát vừa kết thúc thì những ngọn lửa cũng đồng thời dịu dần rồi tắt hẳn.

Theo các thuyết minh viên ở Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị, họ đã được chứng kiến không biết bao lần, người dân nhoè lệ khi nghe họ cất giọng đọc lời bài hát “Cỏ non Thành cổ”. Và bất cứ ai bước vào Thành cổ cũng cố bước đi thật nhẹ vì họ hiểu rằng, từng tấc đất nơi đây đều có máu xương của hàng nghìn anh hùng liệt sĩ đổ xuống. Các anh đã hòa mình vào đất mẹ, vào cành cây ngọn cỏ, vào dòng sông Thạch Hãn để tạc nên dáng hình xứ sở muôn đời.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm