Vì sao Chùa Nghệ sĩ thay bảng hiệu "Nghĩa trang Nghệ sĩ" rồi lại gỡ xuống?
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, NSƯT Trịnh Kim Chi bác bỏ tin đồn tháo dỡ Chùa Nghệ sĩ.
Những ngày qua, thông tin Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự) đổi tên thành Nghĩa trang Nghệ sĩ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng bởi đây là nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSƯT Bửu Truyện, nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Nga…
Không ít nghệ sĩ và khán giả bày tỏ sự lo lắng và tiếc nuối khi một nơi mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử đứng trước nguy cơ bị thay đổi, lãng quên. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, bảng hiệu "Nghĩa trang Nghệ sĩ" được treo trên cổng Chùa Nghệ sĩ đã bị gỡ xuống.
Sáng 21/6, PV Dân trí có mặt tại Chùa Nghệ sĩ, ghi nhận cổng chùa đã khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Theo chia sẻ của những người dân gần đó, tấm bảng "Nghĩa trang Nghệ sĩ" được treo lên vào ngày 18/6, đến ngày 20/6 thì dỡ xuống.
Một người dân cho biết Chùa Nghệ sĩ là nơi an nghỉ của các nghệ sĩ. Trước đây, nhiều người vẫn thường lui tới thắp hương. Tuy nhiên, từ thời điểm Covid-19 bùng phát, ít người đến viếng.
Cũng theo người dân, nơi đây có một số sư thầy sinh sống từ thời nghệ sĩ Phùng Há và thời "ông bầu" Xuân. Cổng chính được mở vào các ngày rằm và mùng 1. Cổng phụ được mở xuyên suốt các ngày trong tuần (đóng cửa ban đêm).
Trao đổi với Dân trí, NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó chủ tịch Hội sân khấu TPHCM, cho biết: "Từ xưa đến nay, mọi người đã biết đến Nhựt Quang Tự là Chùa Nghệ sĩ. Tuy đây thực chất là nghĩa trang nghệ sĩ nhưng dù sao Chùa Nghệ sĩ vẫn là một nét văn hóa lâu đời. Việc thay đổi bảng hiệu Chùa Nghệ sĩ thành Nghĩa trang Nghệ sĩ là chưa chính xác vì thiếu nội dung, lẽ ra phải đề cả "chùa" và "nghĩa trang". Vì thế, Hội sân khấu TPHCM quyết định khôi phục lại tên cũ trước khi sửa đổi".
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cũng bác bỏ thông tin các sư thầy trong Chùa Nghệ sĩ bị "đuổi" ra ngoài, việc thắp hương và cúng kiếng bị buộc dừng. Cô cho biết Chùa Nghệ sĩ đang được tu sửa nhằm đảm bảo mỹ quan, tạo không gian thăm viếng sạch đẹp cho những người lui tới, thể hiện sự trân trọng đối với đóng góp của các nghệ sĩ.
Nữ nghệ sĩ tiết lộ sáng ngày 20/6, ban lãnh đạo của Hội Sân khấu TPHCM gồm cô, Chủ tịch Trần Ngọc Giàu và Phó chủ tịch Tôn Thất Cần đã xuống tận Chùa Nghệ sĩ để xem xét tình hình. Trong ngày 23/6, Hội Sân khấu TPHCM sẽ có cuộc họp chính thức để thông tin về vấn đề này.
Chùa Nghệ sĩ tọa lạc tại địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM. Theo một số tư liệu, năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương. Tuy nhiên, sau khi mua xong, mảnh đất 6.080 m2 này lại bỏ không gần 10 năm vì không có tiền xây chùa.
Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành. Năm 1970, sau khi am hoàn thành, "bầu" Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. "Bầu" Xuân (gánh Dạ Lý Hương) mua lại am với giá gần 100 cây vàng. Từ đó, am được xây thành chùa và trở thành nơi an táng của nhiều nghệ sĩ và thân nhân.