Vi phạm bản quyền âm nhạc: Nhái người, người lại nhái ta
Nhạc trẻ Vpop từ lâu đã mang tiếng là đạo, nhái phong cách của nhiều nước. Tuy nhiên, mặc dù từng bị báo chí nước ngoài chỉ mặt, điểm tên, nhiều ca sĩ trẻ vẫn tiếp tục bắt chước phong cách và cóp nhạc lộ liễu, bất chấp dư luận và nỗi xấu hổ.
Mới đây nhất, Sơn Tùng MTP vừa bị trang AllKpop in loạt hình nhái phong cách thời trang của G-Dragon (trưởng nhóm Big Bang), chỉ ra việc ca sĩ này “đánh cắp giai điệu của Every Nights (EXID) để viết ca khúc “Em của ngày hôm qua”. Ngoài hình ảnh làm bằng chứng, trang này còn kèm lời kêu gọi: “Ca sĩ Việt Nam Sơn Tùng MTP hãy dừng lại việc “ăn cắp” phong cách và đạo nhạc”.
Đòn khó đỡ: Đạo bản beat và phong cách
Đây quả là đòn khó đỡ với một ca sĩ trẻ được đánh giá là có năng khiếu sáng tác và được nhiều fan hâm mộ như Sơn Tùng. Mới đây nhất, 3 bài hát của anh cũng đã bị gỡ khỏi "Bài hát yêu thích" vì lý do sáng tác trên beat nhạc soạn sẵn của người khác. Hiện, Sơn Tùng còn bị cộng đồng mạng tố là có bài “Em đừng đi” giống với “Still” của nhóm nhạc Nhật Bản.
Không chỉ riêng Sơn Tùng, hàng loạt ca sĩ và nhóm nhạc từng bị chỉ mặt là đạo nhạc, đạo ý tưởng hay nhái phong cách, nhưng có người đến nay vẫn cho ra 10 ca khúc nhái một cách tỉnh bơ. Điển hình, trang AllKpop từng dẫn tên Bảo Thy, Cao Thái Sơn - vì đã có những hình ảnh, trang phục, cảnh quay video y như các ban nhạc Hàn.
Các ca sĩ khác như Hoàng Tôn, Mr.T, Minh Vương, Đông Nhi, Thủy Tiên, Khắc Việt, Hồng Phước, Justa Tee... cũng từng bị cộng đồng mạng tố nhái nhạc, hay nhái ý tưởng.
Lời kêu gọi: “Ca sĩ Việt Nam Sơn Tùng MTP hãy dừng lại việc “ăn cắp” phong cách và đạo nhạc”.
Trước đó, thế hệ đàn anh, đàn chị cũng từng bị tố đạo nhạc, nhái ý tưởng, như Phương Uyên, Quốc Bảo, Lê Quang, Vĩnh Tâm, Quang Huy...
Nhái đạo được coi là căn bệnh trầm kha của Vpop, nhưng nếu cắt nghĩa nguyên nhân, thì chỉ có thể hiểu rằng khi người ta yếu, thì cơ thể không thể miễn nhiễm trước ảnh hưởng của nhiều trào lưu âm nhạc. Và đặc biệt, một khi vẫn vin vào việc “bắt chước để phát triển”- một điều cấm kỵ trong nghệ thuật, thì hàng loạt tên tuổi mới vẫn sẽ bị chỉ mặt, điểm tên là đạo, nhái.
Việc Sơn Tùng MTP viết nhạc trên bản beat down về từ mạng có phải là đạo nhạc hay không cũng được các nhạc sĩ trong nước đem ra tranh cãi, mổ xẻ nhiều lần. Có nhiều trường phái, lúc nói có, lúc nói không, lúc cho là lỗi hệ thống. Đến một vấn đề cơ bản như thế mà nhiều người trong giới cũng mơ hồ, thì cũng dễ hiểu vì sao nhiều ca sĩ trở thành nhạc sĩ chỉ trong một đêm nhờ lấy cảm hứng viết nhạc trên bản hòa thanh của người khác.
Chiếc áo âm nhạc chắp vá, vay mượn
Xem ra, nhái nhạc, nhái ý tưởng vẫn còn tinh vi hơn là thời bê y nguyên gần 90% bản nhạc vào “sáng tác” của mình. Ngoài đạo bản beat, tình trạng nhái phong cách của ca sĩ trong nước quả đáng báo động. Những hình ảnh ca sĩ - từ trang phục, trang điểm, đến cả việc phẫu thuật, trang trí bìa album, hình chụp quảng cáo, MV âm nhạc, thậm chí, cả những điệu nhảy hay bối cảnh quay cũng nhái tuốt! Khi ở trong trạng thái yếu, mơ hồ, vô thức, người ta có thể nhái một cách “hồn nhiên” như thế, nhưng khi đã ở trong một môi trường âm nhạc toàn cầu thì mọi chuyện đều có thể bị phát hiện và đổ bể.
Nỗi xấu hổ còn đó, nếu không có sự chấn chỉnh từ phía nhà quản lý. Ở đây, chuyện phạt hay không phạt đã thành trò cười, mà chính là làm sao để ca sĩ không lặp lại sai lầm. Hôm nay, họ có thể có một lượng fan khủng bảo vệ, nên tự tin với chính mình, nhưng hễ mai đây, lượng fan đó lại chạy theo một “thần tượng” mới khác, với hình tượng nhái khác hấp dẫn hơn, thì cái giá phải trả của người làm nghề còn đắng hơn.
Dung túng cho một lớp tác giả viết nhạc dựa trên tư duy âm nhạc của người khác rất nguy hiểm, vì sẽ tạo tiền lệ đạo, nhái như chuyện đương nhiên, để khi người nước ngoài nhìn vào, sẽ không khỏi khinh thị một nền âm nhạc có nhiều chỗ chắp vá và vay mượn, mà bỏ qua những thành tựu đã có.
Theo Minh Thi