Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ - phim Việt lột tả vẻ đẹp Vịnh Hạ Long

(Dân trí) - Sau những bộ phim đình đám như “Đông Dương” (1992) và mới đây là “Kong: Skull Is Land”, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ chính là phim Việt đầu tiên khai thác vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ của kì quan thiên nhiên thế giới này.

90% bối cảnh phim chủ yếu được quay trên vịnh và đảo Mắt Rồng với kỹ thuật quay hiện đại bằng fly cam.

Phim Việt đầu tiên khai thác triệt để vẻ đẹp Vịnh Hạ Long

Hạ Long là địa điểm du lịch không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Vẻ đẹp của Hạ Long đã được đưa vào danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới. Vậy tại sao một địa điểm đẹp và nổi tiếng mà từ trước đến nay chưa có đoàn phim Việt Nam nào khai thác, biến Hạ Long thành trường quay? Đây chính là trăn trở của đoàn làm phim Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ cũng như đạo diễn Việt Anh, Nguyễn Thu.

Những khung hình tuyệt đẹp được quay tại Vịnh Hạ Long.
Những khung hình tuyệt đẹp được quay tại Vịnh Hạ Long.

Với những ai từng đặt chân tới Hạ Long đều thừa nhận nơi đây quá đẹp và nếu không đưa lên phim quả là tiếc nuối. Vịnh Hạ Long cũng đã được các đoàn phim Hollywood chọn là bối cảnh cho phim Đông Dương, Kong: Skull Is Land.

Nam ca sĩ Bằng Kiều (trái) cũng đảm nhiệm một vai diễn trong phim.
Nam ca sĩ Bằng Kiều (trái) cũng đảm nhiệm một vai diễn trong phim.

“Tôi tự hỏi tại sao chúng ta ở Việt Nam mà lại không biết tận dụng lợi thế đó của mình. Trách nhiệm của người Việt là phải đưa di sản của nước nhà không chỉ tới người dân trong nước mà cả bạn bè thế giới. Đó là câu hỏi luôn trăn trở trong tôi” - diễn viên, đạo diễn Việt Anh nói.

Đó chính là lý do dự án điện ảnh đầu tay của nhà sản xuất Thăng Long Real Media (người cũng sinh ra ở Hạ Long) đã chọn mảnh đất quê hương làm bối cảnh chính của phim, nhằm quảng bá du lịch nơi đây.

Vô vàn khó khăn thách thức khi quay trên biển

Đưa một địa danh nổi tiếng lên phim vừa là thuận lợi nhưng đoàn phim Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ cũng gặp không ít áp lực. Theo những người làm phim, khi đến tận nơi họ mới hiểu những khó khăn và vất vả, không như những gì họ hình dung trước đó.

Bà mẹ nhí Angela Phương Trinh tươi tắn trong phim.
"Bà mẹ nhí" Angela Phương Trinh tươi tắn trong phim.

Hạ Long chỉ đẹp ở thời điểm cuối thu, khoảng tháng 10 và tháng 11 - thời điểm đoàn phim bấm máy. Thế nhưng nó cũng giống như một cô gái xinh đẹp và một cô gái đẹp thì luôn đỏng đảnh. Đỏng đảnh của Hạ Long chính là hôm nay có thể thời tiết rất quang, rất đẹp nhưng ngày mai có thể u ám, sương mù dày đặc tới nỗi không nhìn thấy gì.

Do đó, để tổ chức sản xuất bộ phim ở vịnh Hạ Long suốt 3 tuần liền thì đó là áp lực với Đạo diễn Việt Anh và êkíp. Tuy vậy, may mắn chính là yếu tố giúp đoàn phim kết thúc quá trình làm phim suôn sẻ và không có một sự cố nào.

Mạc Hồng Quân (thứ 2 từ trái sang) tham gia diễn xuất.
Mạc Hồng Quân (thứ 2 từ trái sang) tham gia diễn xuất.

Ngoài vấn đề thời tiết thì việc quay trên biển cũng gặp không ít khó khăn so với quay trên đất liền. Đạo diễn Việt Anh cho biết, đoàn phim luôn phải theo dõi bản tin thời tiết, thủy triều.

“Khi quay trên biển chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào “con nước”. Lòng của Vịnh Hạ Long rất nhiều đá, nếu nước xuống thì rất có thể ca nô hay thuyền bị mắc cạn, thậm chí vỡ chân vịt. Ngoài ra, những ngày cuối mùa thu, Hạ Long tối rất nhanh nên thời gian quay buổi ngày rất ngắn. Đó chính là một trong những áp lực của chúng tôi” - Đạo diễn Việt Anh cho hay.

Đầu tư gần chục tỷ đồng đầu tư thuyền, ca nô để dàn cảnh trên biển

Vì quay trên biển nên đoàn phim cũng gặp một khó khăn nữa là việc dàn cảnh. Nếu quay ở đất liền, sắp xếp đạo cụ chỗ nào thì sẽ được chỗ nấy nhưng trên biển, đặt đạo cụ chỗ này thì nó lại trôi đi chỗ khác. Riêng khâu vận chuyện máy móc, lương thực và êkíp cũng phải huy động hơn 100 người ra đảo.

Đoàn phim huy động 100 người ăn ở, sinh hoạt trên biển suốt gần một tháng.
Đoàn phim huy động 100 người ăn ở, sinh hoạt trên biển suốt gần một tháng.

Để phục vụ cho hơn 100 người ăn ở, sinh hoạt trên biển suốt gần một tháng, đoàn phim phải thuê tới 3 du thuyền. 6 ca nô cao tốc chỉ để phục vụ cho việc vận chuyển lương thực, xăng dầu, thiết bị máy móc từ đất liền ra đảo.

Chỉ tính riêng chi phí thuê ca nô cao tốc, sinh hoạt diễn viên trong quá trình quay phim đã tốn 3 tỷ đồng - gấp 5 lần chi phí quay ở đất liền. Trong khi đó, chi phí thuê du thuyền mỗi ngày (3 chiếc) dao động ở mức 250 triệu đồng (khoảng 5 tỷ đồng).

“Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ” được cơ quan chức năng tạo điện kiện tối đa

Khi quay tại Di sản văn hóa thế giới, đoàn phim tuân thủ nghiêm ngặt quy định xin cấp phép từ chính quyền và ban quản lý Vịnh. Với mục đích của phim là tôn vinh vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long nên đoàn phim may mắn nhận được sự hỗ trợ lớn từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ban quản lý Vịnh Hạ Long.

Đoàn phim được các cơ quan chức năng tạo điện kiện tối đa trong quá trình thực hiện.
Đoàn phim được các cơ quan chức năng tạo điện kiện tối đa trong quá trình thực hiện.

“Tôi muốn cảm ơn tới Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ tham mưu tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện cho chúng tôi có thể bay fly cam để lột tả vẻ đẹp của Vịnh. Như các bạn biết đó, bay fly cam trên vịnh là điều vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể vì nơi đây hạn chế tuyệt đối nhưng chúng tôi đã được tạo điều kiện để có những thước phim mãn nhãn trên màn ảnh” - đạo diễn phim chia sẻ.

Ngoài mục đích quảng bá du lịch nước nhà, bộ phim Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ còn muốn gửi gắm tới giới trẻ thông điệp hãy trân trọng những giá trị, sức lao động của cha mẹ và những thế hệ đi trước. Đạo diễn Việt Anh cho hay, thông điệp phim rất đơn giản nhưng không phải ai cũng suy nghĩ được và nhận ra điều đó.

Bộ phim Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ của Đạo diễn Việt Anh, Nguyễn Thu, do Thăng Long Real Media đầu tư sản xuất sẽ chính thức ra rạp vào ngày 2/12. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Angela Phương Trinh, Mạc Hồng Quân, ca sĩ Bằng Kiều, Xuân Tiến, Hải Triều, Bùi Anh Tuấn, NS Hoàng Dũng và NSND Hồng Vân. Ngày mai (01/12) sự kiện premier Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ sẽ diễn ra tại CGV Vincom Nguyễn Chí Thanh vào lúc 18h.

Phương Nhung