“Về miền Ví, Giặm” là điểm sáng văn hóa đầu năm 2015

(Dân trí) - Tháng 1/2015, hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ phối hợp tổ chức lễ vinh danh và đón bằng công nhận của UNESCO dành cho dân ca Ví, Giặm. Xung quanh câu chuyện “muôn thuở” về vấn đề bảo tồn di sản, nhiều góc nhìn đa dạng đã được các nhà quản lý văn hóa đưa ra.

Ngày 24/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về việc vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

(Ảnh: Bích Ngọc)

(Ảnh: Bích Ngọc)

Tại cuộc họp báo, những giá trị của loại hình diễn xướng dân gian Ví, Giặm, quá trình bảo tồn từ trước đến nay, cùng kế hoạch cụ thể cho buổi lễ đón bằng công nhận của UNESCO đã được đưa ra rất chi tiết, cụ thể.

Đoàn Việt Nam vỡ òa khi Ví, Giặm được UNESCO công nhận

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 diễn ra tại Paris, Pháp.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm gắn liền với đời sống lao động thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, lúc chèo thuyền, khi quay tơ, kiếm củi, trèo non… Vì vậy, các lối hát được gọi theo tên của hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè…

(Ảnh: VOV)

(Ảnh: VOV)

Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, thành viên đoàn Việt Nam tham gia bảo vệ hồ sơ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại kỳ họp của UNESCO vừa qua đã chia sẻ những cảm xúc rưng rưng của đoàn khi tiếng búa công nhận của UNESCO vang lên:

“Với sự tham gia của hơn 900 đại biểu đến từ 129 nước, đoàn Việt Nam hồi hộp chờ đợi, bởi có 46 hồ sơ được đưa ra xem xét thì có tới 14 hồ sơ bị loại. Nhìn vẻ mặt buồn bã, thậm chí là những giọt nước mắt của những đoàn có hồ sơ bị loại, đoàn Việt Nam càng căng thẳng.

Khi vị chủ tọa kỳ họp giơ cao chiếc búa và tiếng gõ vang lên chính thức tuyên bố dân ca Ví, Giặm trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, đoàn Việt Nam vỡ òa trong những tiếng reo mừng, vỗ tay và tiếng hô Việt Nam, Việt Nam… vang dậy hội trường.

Các bạn bè quốc tế đến chúc mừng. Các thành viên trong đoàn xúc động nghẹn ngào, không cầm được nước mắt bởi niềm hạnh phúc và sự tự hào”.

Sắp tới đây, buổi lễ vinh danh chính thức và đón bằng công nhận của UNESCO sẽ được tổ chức trọng thể vào hồi 19h30 ngày 31/1/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia (qua VTV1 & VTV4).

(Ảnh: Sưu tầm)

(Ảnh: Sưu tầm)

Chương trình sẽ gồm hai phần - lễ và hội. Phần lễ xoay quanh việc đón bằng công nhận của UNESCO sẽ diễn ra long trọng, cô đọng; phần hội chiếm thời lượng chủ đạo trong chương trình sẽ gồm các tiết mục trình diễn những làn điệu dân ca Ví, Giặm với tiêu đề “Về miền Ví, Giặm”.

Trước câu hỏi Nghệ Tĩnh sẽ có được gì từ việc Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, bà Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An khẳng định Nghệ Tĩnh sẽ “được rất nhiều”, chính quyền hai tỉnh sẽ biến “cái được” thành hiệu quả thực tế, gắn việc UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm với phát triển du lịch.

Hiện tại, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang gấp rút chuẩn bị cho buổi lễ vinh danh sắp diễn ra, đồng thời những kế hoạch bảo tồn - phát huy di sản cũng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đại diện chính quyền hai tỉnh có mặt tại buổi họp của Bộ đã chia sẻ rằng nguồn kinh phí cho các hoạt động này được xã hội hóa khá nhiều, bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước.

Thực tế, hoạt động bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm đã được cả hai tỉnh quan tâm thực hiện từ lâu, không phải chỉ khi được vinh danh mới “cấp tập” bảo tồn. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An, phong trào hát Ví, Giặm ở Nghệ Tĩnh chưa bao giờ phổ biến rộng khắp như lúc này, vừa phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

(Ảnh: Người lao động)

(Ảnh: Người lao động)

Trong suốt những năm qua, hoạt động bảo tồn Ví, Giặm đã được tiến hành theo kế hoạch từng năm, giờ đây, hoạt động này sẽ được nâng tầm, không phải ở cấp tỉnh nữa mà sẽ lên tầm quốc gia, với tầm nhìn trung và dài hạn, từ năm 2015 - 2030.

Những trăn trở xung quanh câu chuyện bảo tồn di sản

Tại buổi họp báo, rất nhiều ý kiến thẳng thắn đã được đưa ra xung quanh câu chuyện bảo tồn di sản. GS.TS Nguyễn Chí Bền - trưởng ban xây dựng đề án chia sẻ:

“Việt Nam hiện mới có 9 Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO công nhận, nhưng đã có một số dư luận bắt đầu cho rằng chúng ta bị lạm phát di sản UNESCO. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ như thế này, năm 2009, Việt Nam chỉ nộp một hồ sơ lên UNESCO đề xuất công nhận dân ca quan họ Bắc Ninh, nhưng nước láng giềng Trung Quốc nộp tới 32 hồ sơ và được công nhận 22 hồ sơ, Nhật Bản nộp 20 bộ và được công nhận 12 bộ…

Trong việc đệ trình di sản lên UNESCO, chúng tôi chỉ làm theo một nguyên tắc tối cao, đó là tính hiệu quả. Trước đó, nhóm xây dựng đề án chúng tôi đã nhận được 5 bộ hồ sơ do các địa phương gửi về, nhưng chúng tôi chỉ làm một bộ cho Ví, Giặm để trình lên UNESCO và hiệu quả cuối cùng chính là việc UNESCO đã công nhận đề xuất đó”.

(Ảnh: Vietnamnet)

(Ảnh: Vietnamnet)

Về lo ngại sân khấu hóa Ví, Giặm sau khi được công nhận di sản, ông Bùi Đức Hạnh - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Cội nguồn của Ví, Giặm là do nhân dân sáng tạo ra, không gian biểu diễn Ví, Giặm truyền thống gắn liền với nông thôn, nông nghiệp, nhưng tất cả đều phải tuân theo quy luật vận động.

Xưa có Ví phường cấy, nhưng bây giờ người nông dân cấy, cày, gặt đều bằng máy cả, không hát Ví, Giặm ngoài đồng được nữa, có Ví phường vải, nhưng không ai quay tơ dệt lụa nữa… Những không gian truyền thống đó biến mất theo những vận động của thời cuộc, vì vậy, biểu diễn Ví, Giặm, trong các câu lạc bộ, các hội thi - chương trình văn nghệ… cũng là một cách để bảo tồn Ví, Giặm”.

Trước sự quan tâm của báo chí đối với nguồn kinh phí đầu tư vào quá trình làm hồ sơ đệ trình di sản lên UNESCO cũng như hoạt động bảo tồn - phát huy di sản tiếp theo đây, ông Bùi Đức Hạnh chia sẻ thẳng thắn rằng Hà Tĩnh sẽ bảo tồn Ví, Giặm bằng một nguồn kinh phí đủ mạnh trên nguyên tắc tiết kiệm. “Nhưng dù tiết kiệm đến mấy cũng cần phải có một lượng kinh phí nhất định, chúng ta cần để kinh tế và văn hóa phát triển ngang bằng”.

“Đầu tư một con đường 10 tỉ - cần đấy, để người dân đi lại, nhưng đầu tư một chương trình văn hóa 10 tỉ - nhiều khi cũng rất cần! Có văn hóa mới có nội lực để phát triển. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển” - ông Hạnh khẳng định.

Buổi họp báo còn có sự tham gia của ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An (thân sinh nữ ca sĩ Hương Tràm). Ông Dũng từng tham gia dạy hát Ví, Giặm trên truyền hình tỉnh Nghệ An trong suốt 5 năm, tại cuộc họp, ông đã thể hiện một vài câu Ví, Giặm bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm đầy ấn tượng.


Bích Ngọc