Người thổi lửa cho dân ca ví, giặm xứ Nghệ
(Dân trí) - Những làn điệu dân ca ví, giặm như hòn than ẩn mình trong đời sống lao động, chỉ đợi người đến “hà hơi” để thổi sẽ bùng lên sức sống mãnh liệt và trường tồn. Và chị - NSND Hồng Lựu chính là người đã thổi lửa cho dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Bán cháo để duy trì đam mê với dân ca
Nói đến dân ca xứ Nghệ không thể không nhắc tới NSND Hồng Lựu - người phụ nữ đã dành gần trọn cuộc đời của mình cho từng câu hát, từng làn điệu ví, giặm. Sau hơn 20 năm đằng đẵng cùng với những người có tâm huyết, ước nguyện của chị đã trở thành hiện thực. Đêm 27/11 chị thức trắng bởi niềm vui quá đỗi lớn lao: Ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO chính thức vinh danh.
Sinh ra và lớn lên trên bên dòng Lam (xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An), từng làn điệu dân ca của mẹ, của bà cứ như dòng nước mát thấm vào tâm hồn chị. Để rồi mạch nguồn dân ca ấy cứ chảy mãi, chảy mãi trong huyết quản, thôi thúc chị giành cả cuộc đời mình để sáng tạo, để cống hiến, để đưa dân ca xứ Nghệ lan tỏa.
Tốt nghiệp PTTH, với năng khiếu hát và khả năng biểu diễn, Trịnh Thị Hồng Lựu (SN 1967) được tuyển chọn vào lớp diễn viên, Khoa sân khấu của Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An. 20 tuổi, Hồng Lựu về công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ), chính thức bước vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
NSND Hồng Lựu: "Ví, giặm như hòn than ẩn mình trong đời sống lao động, chỉ đợi người đến “hà hơi” để thổi sẽ bùng lên sức sống mãnh liệt và trường tồn".
Không thể nói hết những khó khăn, vất vả, cực khổ và thiếu thốn mà lớp diễn viên như Hồng Lựu phải trải qua. Khắc nghiệt của cuộc sống, gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ xoay quanh khiến Hồng Lưu thấy đuối sức dần. Không biết bao nhiêu lần chị có ý định từ bỏ niềm đam mê để tìm con đường khác, nhẹ nhàng và đỡ áp lực hơn.
“Chính những làn điệu dân ca quê nhà như những bậc thang để tôi “níu” lấy, để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của cuộc sống. Có những lúc sau buổi biểu diễn, hai vợ chồng phải nấu cháo đi bán, đi chụp ảnh dạo, đi bắn khuyên tai… để sống, để duy trì niềm đam mê với làn điệu dân ca quê mình”, NSND Hồng Lựu trải lòng. Có những khi chị mệt mỏi, những làn điệu dân ca như “liều thuốc” hóa giải mọi ưu phiền trong cuộc sống. Chị hạnh phúc khi được yêu, được sống với dân ca và truyền tình yêu dân ca đến với người dân.
“Tôi nhớ có lần bị ốm, một khán giả đã đạp xe từ Nam Đàn xuống thăm, động viên. Tình yêu của khán giả dành cho mình không cho phép mình gục ngã. Để rồi, đến bây giờ, khi ngoảnh lại, Hồng Lựu lại thấy biết ơn những cuộc “lên ghềnh xuống thác” đã qua, biết ơn tình yêu mến của nhân dân dành cho mình. Chính những điều đó đã làm nên một Hồng Lựu mượt mà đằm thắm trong từng câu hát, một Hồng Lựu mạnh mẽ và vững vàng trong cuộc sống, trong vai trò của người quản lý”, chị tâm sự.
NSND Hồng Lựu (người quay sợi bên trái) trong một buổi tập cùng diễn viên Nhà hát dân ca Nghệ An.
Chị say sưa nói về ví, giặm, về sức sống mãnh liệt và trường tồn của loại hình diễn xướng dân gian này. Nếu như dân ca các miền đều được lan tỏa rộng rãi thì ví, giặm xứ Nghệ lại rất ít người có thể hát được. Dường như chỉ có người Nghệ mới hát được ví, giặm xứ Nghệ bởi nó mang đặc trưng thổ âm vùng quê này. “Ví, giặm theo suốt cuộc đời một con người. Từ khi được sinh ra, tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ được nuôi dưỡng bằng những làn điệu ru con, rồi việc hiếu, việc hỉ và những buổi lao động trên đồng ruộng… đều được “ghi lại” bằng những làn điệu dân ca.
Đặc trưng của ví, giặm là hát mà nói, nói mà hát. Nó mang hơi thở cuộc sống, song hành cùng tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. Ví, giặm không có những bài dài, không có những bài đơn lẻ mà nó là đối thoại của người dân lao động. Đó là nét độc đáo, riêng biệt và hay nhất của dân ca ví, giặm”.
Với giọng hát ấm áp, truyền cảm, Hồng Lựu hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau và giành được nhiều giải thưởng lớn ớ các kỳ liên hoan toàn quốc. Trên cương vị của người quản lý, chị vẫn miệt mài với từng vở diễn với vai trò tác giả kịch bản, đạo diễn. Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, năm 2012, Trịnh Thị Hồng Lựu được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân.
Trăn trở với ví, giặm
NSND Hồng Lựu tâm sự: “Cuộc đời tôi chỉ có ước muốn là tất cả người dân xứ Nghệ có thể hát được ví, giặm và ví, giặm được UNESCO vinh danh”. Đến bây giờ, ước mơ thứ nhất chị vẫn đang miệt mài thực hiện. Còn ước mơ thứ hai đã đến, sau hơn 2 thập kỷ chờ đợi nhưng chị vẫn ngỡ là mình đang mơ. Bên cạnh hạnh phúc của một người nghệ sỹ nặng lòng với khúc hát dân ca, chị còn có niềm vui của người đã “đấu tranh” không mệt mỏi để ngành chức năng làm hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh loại hình diễn xướng dân gian này.
"Cả đời tôi chỉ có 2 ước muốn, tất cả người dân xứ Nghệ đều hát được ví, giặm và ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa".
“Tôi còn nhớ rất rõ, cách đây đúng 22 năm, chúng tôi đã đề xuất lên những người có trách nhiệm. Nhưng người ta gạt đi. Họ bảo chúng tôi viển vông. Nhã nhạc cung đình Huế hay không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nó có hồ sơ sẵn rồi, còn ví, giặm thì có cái gì mà làm hồ sơ? Tôi bảo, hồ sơ nó nằm trong chính người dân, trong chính hơi thở cuộc sống thường ngày của nhân dân lao động. Hãy đi, hãy đến, hãy hòa mình với đời sống nhân dân. Đó chính là hồ sơ chứ còn đâu?”, chị tâm sự.
Chị, cùng những người nặng lòng với dân ca như mình đã miệt mài, đã âm thầm hòa mình vào đời sống của người dân, để ghi chép, để sưu tầm, để “thổi bùng lên những hòn than đang âm ỉ cháy”. Để hôm nay, vinh danh của tổ chức UNESCO đối với ví, giặm là chiến thẳng của những người yêu và sống với từng làn điệu dân ca như chị và những cộng sự của mình.
Cũng giống như những người làm công tác quản lý khác, chị mong muốn và khát khao đưa làn điệu quê hương mình đi xa hơn. Không phải chỉ người Nghệ mới có thể hát được dân ca xứ Nghệ mà xứ Kinh Bắc hay Phương Nam xa xôi, thậm chí cả kiều bào ta ở nước ngoài đều hát được và yêu mến những làn điệu dân ca này.
Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là tiếng nói của nhân dân lao đông, hát như nói và nói như hát.
Nếu thế, phải để cho ví, giặm có chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người dân. Với mô hình sân khấu hóa dân gian hay đưa dân ca vào trường học, dân ca xứ Nghệ nói chung, ví, giặm nói riêng đã được “hà hơi” tiếp sức. Nhiều mô hình câu lạc bộ hát dân ca đã được thành lập trên khắp cả tỉnh. Hằng năm, Nghệ An có riêng một hội diễn cho các câu lạc bộ không chuyên này.
“Dân ca xứ Nghệ có một sức sống hết sức mãnh liệt bởi nó là hơi thở cuộc sống của chính người dân. Dân ca phải để (người) dân ca là vì thế. Nhưng để ví, giặm có thể lan tỏa được xa hơn thì rất cần thiết phải có môi trường chuyên nghiệp để nó sống. Sân khấu chuyên nghiệp là nơi để nghệ nhân dân gian biểu diễn, giao lưu, là nơi để sưu tầm, gìn giữ các làn điệu dân ca cổ. Bên cạnh đó, việc đặt lời mới cho các làn điệu dân ca cũng góp phần đưa dân ca đến gần với công chúng hơn.
30 đứng năm đứng trên sân khấu, NSND Hồng Lựu đã có hơn 60 vai diễn khác nhau, mỗi vai diễn của chị đều ghi dấu ấn trong lòng khán giả. 8 lần tham gia Liên hoan Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, chị 8 lần giành được Huy chương Vàng và 3 giải nghệ sỹ xuất sắc. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Trịnh Thị Hồng Lựu được tặng nhiều danh hiệu cao quý như Nghệ sỹ nhân dân, Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh Nghệ An. |
Người ta cứ lo sợ một bộ phận giới trẻ không mặn mà với dân ca, với ví, giặm. Theo tôi, nói như thế là không đúng, không thỏa đáng. Tôi gần như đi khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Những gì đã được nghe, được thấy, tôi có niềm tin mãnh liệt vào sức sống của những làn điệu ví, giặm bởi không chỉ người già mà trẻ em, thanh niên đều yêu, hát và hát hay. Cái cốt yếu là những người có trách nhiệm làm như thế nào để tình yêu dân ca lan tỏa được trong tất cả mọi tầng lớp nhân dân, để ví, giặm có chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay”.
Để làm được điều đó, phải có chế độ phù hợp với những nghệ nhân dân gian hay những nghệ sỹ, để họ có thể yên tâm cống hiến. Từ những năm 1995-1998 đến nay mã ngạch lương của diễn viên nhà hát dân ca chưa có sự thay đổi. Như Hồng Lựu, khi đã là NSND rồi vẫn chỉ hưởng bậc lương trung cấp biểu diễn. Nếu chuyển sang mã ngạch lương đại học quản lý văn hóa thì chị lại bị cắt tiền bồi dưỡng thanh sắc dành cho diễn viên biểu diễn.
NSND Hồng Lựu chia sẻ với PV Dân trí về sức sống trường tồn của ví, giặm xứ Nghệ.
Mới đây, ngành chức năng Nghệ An đã có sự điều chỉnh về chế độ thù lao đối với NSUT, NSND trực tiếp biểu diễn nhưng trên thực tế, để có vở diễn thì đội ngũ biên kịch, đạo diễn phải bỏ ra biết bao tâm sức. “Rất cần thiết phải có giải pháp chuyển đổi mã ngạch lương và tiền bồi dưỡng cho diễn viên. Mỗi năm, diễn viên nhà hát phải thực hiện 200 buổi biểu diễn trong nhân dân, cả trong tỉnh lẫn các địa phương khác. Với bậc lương như hiện tại thì gần như đội ngũ diễn viên sống bằng niềm đam mê là chủ yếu”, NSND Hồng Lựu đau đáu.
“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình” - tôi xin lấy một câu trong bài “Thử lòng thủy chung” - Dân ca xứ Nghệ để kết thúc bài viết của mình. Và tôi tin, tình yêu của chị với ví, giặm vẫn luôn vẹn đầy như dòng nước sông Lam quê mình.
Hoàng Lam