Vẻ đẹp tuyệt thế của tứ đại mỹ nhân Trung Quốc
(Dân trí) - Trong lịch sử Trung Quốc có bốn người đẹp được mệnh danh là tứ đại mỹ nhân, sắc đẹp của họ đủ làm “nghiêng nước nghiêng thành”, thay đổi cả lịch sử.
Các tài liệu còn lưu lại cho tới ngày nay về bốn vị mỹ nhân thực tế bị ảnh hưởng nhiều bởi những chuyện thêu dệt của dân gian. Bốn mỹ nhân lưu danh muôn thuở là do sở hữu sắc đẹp tuyệt trần và có tầm ảnh hưởng đối với các vị hoàng đế Trung Quốc. Có thể nói, dù mang phận nữ nhi nhưng họ đã làm thay đổi lịch sử Trung Quốc.
Tất cả bốn mỹ nhân đều có kết thúc không viên mãn. Số phận của họ đúng như dân gian vẫn thường nói - “hồng nhan bạc mệnh”.
Sắp xếp theo thứ tự thời gian, tứ đại mỹ nhân đó là: Tây Thi (sống ở thời Xuân Thu), Vương Chiêu Quân (thời nhà Tây Hán), Điêu Thuyền (sống ở thời Tam Quốc), Dương Quý Phi (thời nhà Đường).
Tây Thi
Tây Thi đứng đầu trong tứ đại mỹ nhân, trong những bộ phim dã sử của Trung Quốc, người con gái này được khắc họa là nhân vật có công lớn trong việc giúp Phạm Lãi, Văn Chủng và Việt Vương - Câu Tiễn diệt vua Ngô - Phù Sai.
Vẻ đẹp của nàng rất nổi tiếng trong thi ca và đời sống dân gian Trung Quốc, mỗi khi nhận xét về nhan sắc của một phụ nữ đẹp, người Trung Quốc thường ví với sắc đẹp của Tây Thi.
Câu chuyện về nàng Tây Thi là một ví dụ điển hình cho “hồng nhan họa thủy” (người đẹp thường là mầm mống tai họa của đất nước) ở thời kỳ phong kiến.
Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi khi nàng đi hái củi trong rừng, chim bay trên trời nhìn thấy nàng quên cả vỗ cánh nên rơi xuống đất. Khi nàng giặt áo bên sông, cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Câu “chim sa, cá lặn” cũng là từ nàng mà ra.
Tuy nhiên, Tây Thi là nhân vật không có thật, các sách chính sử tự cổ chí kim không hề nhắc tới Tây Thi. Nàng chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết, thơ văn. Trong “Sử ký Tư Mã Thiên”, cái tên Tây Thi không hề được nhắc tới, nên việc Tây Thi có thật hay không vẫn là một đề tài gây tranh cãi.
Vương Chiêu Quân
Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp đem lại hòa bình. Sự hy sinh của nàng đã giúp mang lại hòa bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô.
Chiêu Quân được tuyển vào cung dưới thời vua Hán Nguyên Đế. Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt vua và chỉ là một cung nữ. Có lần thiền vu Hung Nô đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán.
Thiền vu đề nghị được trở thành con rể vua Hán Nguyên Đế. Thay vì gả công chúa cho thiền vu, vua Hán ban cho ông năm cung nữ, trong đó có Vương Chiêu Quân.
Theo sử sách ghi lại, khi được vời vào triều, vẻ đẹp của Chiêu Quân đã làm cho Hán Nguyên Đế sững sờ, thậm chí còn muốn thay đổi quyết định để giữ nàng ở lại.
Đời chồng thứ nhất của Chiêu Quân là thiền vu Hung Nô - Hô Hàn Tà. Sau khi ông chết, Chiêu Quân phải theo tục nối dây của người Hung Nô và trở thành vợ của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề - con trai lớn của Hô Hàn Tà. Hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô đã được kéo dài trên 60 năm nhờ Chiêu Quân là vì vậy.
Sau khi chết, Chiêu Quân được mai táng tại Nội Mông. Mộ của Chiêu Quân thường được gọi là “Thanh Trủng” (cỏ xanh) vì khi mùa đông sang, dù cỏ ở những nơi khác đã vàng úa thì cỏ trên mộ nàng vẫn xanh tốt.
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền là một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Dù được cho là nhân vật hư cấu nhưng hình tượng Điêu Thuyền vẫn được văn hóa dân gian Trung Quốc trân trọng và lưu giữ, thường được nhắc đến trong các câu chuyện lịch sử liên quan đến Đổng Trác và Lã Bố - hai vị tướng của nhà Đông Hán.
Điêu Thuyền trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” là nghĩa nữ của Tư đồ Vương Doãn. Vương Doãn bày kế gả Điêu Thuyền cho cả Đổng Trác và Lã Bố để ly gián họ nhằm mục đích lật đổ Đổng Trác.
Trong cuốn "Thánh Thán Ngoại Thư", Mao Tôn Cương viết về Điêu Thuyền như sau: "18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Bản lãnh của nữ tướng quân quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!".
Tuy vậy, trong “Biên niên sử Tam Quốc chí” không có đoạn nào nhắc đến Điêu Thuyền. Nhân vật Điêu Thuyền thực chất chỉ là hình ảnh hư cấu trong tiểu thuyết của La Quán Trung, không được xác nhận trong sử sách.
Dương Quý Phi
Năm 17 tuổi, Dương Ngọc Hoàn (tên thật của Dương Quý Phi) được chọn làm vợ của hoàng tử Thọ Vương Lý Mạo - con trai thứ 18 của Đường Minh Hoàng. Dương Ngọc Hoàn trở thành Thọ Vương phi.
Về sau, Dương Ngọc Hoàn được giao nhiệm vụ trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi - một người vợ của vua Đường Minh Hoàng. Từ đó, Ngọc Hoàn phải làm sãi, không còn là vợ của vương tử Lý Mão nữa.
Khi đến thắp hương cho vợ, Đường Minh Hoàng ngay lập tức say mê nhan sắc của Ngọc Hoàn và lập nàng làm Quý phi. Đường Minh Hoàng chiều chuộng nàng hết mực.
Nhà vua tối ngày ở bên Dương Quý Phi yến tiệc đàn ca, bỏ bê việc triều chính dẫn đến họa mất nước. Năm 756, kinh thành Trường An bị thất thủ, hoàng thất nhà Đường phải chạy đi lánh nạn. Trên đường di chuyển, quân lính bức vua phải ra lệnh thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò vua vì đương thời ai cũng cho Dương Quý Phi là mầm đại họa.
Dưới sức ép của binh lính, Đường Minh Hoàng buộc phải xử tử Dương Quý Phi, nàng bị xiết cổ chết năm 38 tuổi. Sau khi chết, xác quý phi bị chôn vội ven đường.
Năm 757, nhà Đường dẹp loạn xong, Đường Minh Hoàng sai người xây mộ cho quý phi. Hiện tại mộ nằm ở tỉnh Thiểm Tây, thực chất, đây chỉ là mộ gió, xác của Dương Quý Phi bị chôn vội trên đường chạy nạn nên không tìm lại được tung tích.