Nhà văn Nguyễn Hiếu:
Kỷ niệm với Nhà văn Tô Hoài
(Dân trí) - Năm ngoái, nhân kỷ niệm 75 năm ra đời cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, tôi có đến gần bác Tô Hoài hỏi nhỏ: “Bác còn nhận ra cháu không?”. Bác nheo nheo mắt nhìn tôi, nụ cười lại nở trên khuôn mặt phúc hậu, bác khẽ lắc lắc đầu: “Trông quen lắm...”.
Tôi đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của cụ Tô Hoài từ năm lớp 3, lớp 4. Đó là cuốn sách tôi mượn đọc của cậu bạn. Cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” hắn mua ở cửa hàng sách duy nhất của cả rẻo làng phía hữu ngạn sông Hồng tính từ làng Chèm tôi đổ xuống Yên Phụ, và từ làng tôi hắt lên mãi tận Bồng Lai Bá Giang.
Hiệu sách đó thoạt trông rất lèo tèo lại nằm khuất dưới vệ đê nhưng sách nào mới ra là đều thấy xuất hiện. Giấy in cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” khi đó là thứ giấy rất xấu, dày và thô… Thỉnh thoảng vắt chéo giữa trang sách lại có sợi rơm dài, nếu bóc ra thì mất cả chữ. Không hiểu cậu bạn mua đã lâu chưa, mà đến tay tôi nó vừa quăn queo, nhiều trang sách đã bong ra.
Cậu bạn tinh nghịch dọa tôi: “Mày phải giữ cẩn thận, mất trang nào, phải chép lại đền tao trang đấy”. Sau này cậu bạn còn cho tôi mượn đọc thêm mấy cuốn nữa của Tô Hoài như “Giăng thề”, “Mười năm”…
Rồi vào cấp ba, tôi còn được học “Vợ chồng A Phủ” của cụ. Nhưng phải nói “Dế mèn phiêu lưu ký” đã ghi dấu ấn trong đầu tôi rất mạnh mẽ về hình tượng một nhân cách lớn dưới cái vỏ của loài côn trùng. Mới hay trong đời viết văn thật diễm phúc khi bất ngờ gặp được những nhân vật tâm đắc mà ở đấy làm bật dậy tất cả sở trường nghệ thuật của mình, cũng như một cách nhìn, một sự chiêm nghiệm cuộc đời.
Đêm mượn được cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, tôi chong đèn đọc mê mải cho đến hết truyện. Chốc chốc tôi lại dừng đọc, cố lắng nghe tiếng dế ngoài vườn chuối vọng vào như ứng vào những câu nói của gã Dế Mèn đấu khẩu với gã Xén Tóc.
Sau này khi đã lớn khôn, bước vào cuộc đời ngổn ngang, tôi vẫn không quên hình tượng Dế Mèn, Dế Trũi, Xén Tóc… Bây giờ, đã vào tuổi già tôi cũng không bỏ được ý nghĩ đinh ninh nẩy sinh từ bé khi đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”, rằng ao sen làng tôi giống hệt mặt hồ nơi cặp đôi Dế Mèn và Dế Trũi đã bồng bềnh trôi dạt trên tàu lá sen…
Còn với tác giả của “Dế mèn phiêu lưu ký” - nhà văn Tô Hoài, tôi không dám nhận là người quen biết mặc dù quê cụ ở làng Bưởi (Nghĩa Đô) cùng huyện Từ Liêm, cách làng Chèm tôi (Thụy Phương) có mấy cánh đồng nếu đi theo lối của mấy bà chạy chợ, nghĩa là đi tắt qua làng Noi (Cổ Nhuế), làng Cáo, làng Giàn (Xuân Đỉnh). Còn đi vòng qua bốt Nhật Tân xuôi xuống làng Võng Thị, làng Sở thì cũng ngót ngét chục cây.
Cùng với Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài là hai nhà văn tôi ngưỡng mộ nhất. Với nhà văn Nguyễn Công Hoan, tôi có may mắn được trao đổi thư với ông và nghe ông qua thư, dạy tôi về nghệ thuật viết truyện ngắn hài hước. Còn với Tô Hoài thì suốt từ bé đọc sách của cụ, tới gần hai chục năm sau, tôi vẫn chưa hề giáp mặt. Mãi cho đến một ngày…
Hình như ngày đó vào đầu mùa thu năm 1985-1986. Hôm đó vào khoảng giáp trưa. Tôi cùng nhà văn Hoà Vang, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc ngồi ở quán bia cỏ đường Lý Thường Kiệt. Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc đang sôi nổi bàn về chuyến đi xuyên Việt sắp tới mà hai người đang chuẩn bị thực hiện. Tôi thì ngồi yên lặng nghe, thỉnh thoảng góp chuyện bằng vài câu vụn.
Bất đồ Hoà Vang đặt cốc bia xuống, nói khẽ: “Ông Tô Hoài sắp đi qua”. Thế là cả ba chúng tôi đều vươn cổ ra chờ. Khi Tô Hoài đến gần, chúng tôi gần như đồng loạt kêu lên. Hoà Vang thì “Mời anh, mời anh, chả mấy khi…”. Tôi và Nguyễn Lương Ngọc thì cung kính: “Chúng cháu mời bác ạ”.
Nhà văn Tô Hoài
Tô Hoài cười mủm mỉm: “Được rồi, được rồi. Còn gì bằng tình cờ được mời uống bia thế này”. Tôi kéo ghế mời Tô Hoài. Cụ nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Hoà Vang nhanh nhẹn gọi liền mấy cốc bia mới, đưa tận tay cho Tô Hoài. Nụ cười vẫn đọng trên khuôn mặt đôn hậu của nhà văn. Cụ đưa cốc bia ra lần lượt chạm với chúng tôi cùng lời hỏi nhỏ:
Cùng dân văn chương cả chứ gì?
Vâng ạ. Quân anh hết đấy ạ. - Hoà Vang mau mắn trả lời.
Vậy thì cùng uống. Chúc các bạn trẻ viết khoẻ, viết thật hay nhé.
Tôi khẽ nói:
Chúc bác mạnh khoẻ. Bút lực dồi dào.
Tô Hoài cười thành tiếng:
- Làm anh nhà văn mà không viết thì làm cái gì. Viết chứ. Tôi cứ nghĩ ra cái gì là phải viết ngay. Không viết là trí óc mình vón cục ngay.
Nhón mấy hột lạc, Tô Hoài nói:
- Chả bù thời bao cấp. Uống được cốc bia xếp hàng đến khổ. Nhưng cũng vui. Bạn bè mà cùng khoái bia thì dễ gặp nhau lắm. Chiều chiều cứ ra Cổ Tân là thấy.
Hoà Vang uống cạn cốc bia rồi lần lượt chỉ tôi và Nguyễn Lương Ngọc giới thiệu. Tô Hoài khẽ gật đầu mỉm cười lắng nghe, rồi quay sang tôi :
- Nguyễn Hiếu. Tôi nhớ! “Chuyện cái vòi nước” hả? Dạo này cậu thế nào. Viết trữ tình hay vẫn theo hài hước?
Hai năm trước tức vào năm 1984, NXB Hà Nội in tập truyện ngắn hài “Chuyện cái vòi nước” của tôi. Bìa cuốn sách này được phóng to trên panô dựng ở Nhà Hát Lớn trong hội nghị những người viết văn trẻ độ ấy, nhưng tôi lại không được mời. Có lẽ vì thế nên khi nghe bác Tô Hoài nhắc đến và còn nhớ những gì tôi viết, tôi thực sự cảm động. Ngập ngừng một lát, rồi cố lấy giọng hài hước để nén sự xúc động, tôi nói:
- Cháu viết văn lấy tiền nuôi vợ con, nên ai mua cái gì thì viết cái đó.
Sau câu đó tôi hơi hoảng khi thấy bác Tô Hoài hơi nghiêm mặt nhưng ngay sau đó bác mỉm cười nói ngay:
Viết văn hay nhất là thích cái gì viết cái đó.
Ngay sau đó, bác nâng cốc bia lên uống cạn rồi rút tiền trong túi ra:
- Hôm nay để tôi trả tiền. Không lại mang tiếng uống trực của đàn em.
Bác Tô Hoài cười rất tươi:
Đùa vui ấy mà. Vừa lên Thành uỷ được ít tiền nên đãi các cậu đấy.
Hoà Vang cầm xếp tiền hể hả:
Rồi. Bác cho thì chúng em xin nhận.
Năm ngoái, nhân kỷ niệm 75 năm ra đời cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, tôi có đến gần bác Tô Hoài hỏi nhỏ: “Bác còn nhận ra cháu không?”. Bác Tô Hoài nheo nheo đôi mắt nhìn tôi, nụ cười rất tươi lại nở trên khuôn mặt phúc hậu của bác, nhà văn khẽ lắc lắc đầu nói: “Trông quen quen nhưng quả là không nhận ra…”.
Thế mà nay Tô Hoài - nhà văn tôi khâm phục và kính trọng, người đã mang lại cho tôi những ấn tượng văn chương đầu đời mạnh mẽ đã thành người thiên cổ. Mong nhà văn yên nghỉ thanh thản nơi vĩnh hằng!