Văn hóa tiền lẻ hay cái giá của văn hóa tâm linh quá rẻ?

Tưởng đã có quán triệt ở đủ các cấp, ngành, đoàn thể và sự tự giác “đổi mới” của nhân dân, nhưng cảnh tiền lẻ vung vãi khắp nơi thờ tự trong các lễ hội đầu xuân vẫn gần như không thay đổi.

Phải chăng, “văn hóa tiền lẻ” đã ăn sâu khó thay đổi, hay cái giá “xin cho” thần linh quá rẻ, nên tiền lẻ vẫn thống soái lễ hội?

“Văn hóa tiền lẻ” hay tâm lý “nhỏ, lẻ”?


“Văn hóa tiền lẻ” hay tâm lý “nhỏ, lẻ”?

Việc “xin - cho” giữa con người và thần linh đã là “văn hóa tâm linh” trong văn hóa truyền thống của người VN. Việc công đức hay đóng góp để xây dựng và hương hoa cho nơi thờ tự và thần linh cũng không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người VN. Ngày trước, khi đồng tiền lẻ còn có giá cao, thì vài chục xu, vài hào lẻ cũng có thể mua bó hương, bông hoa cúng và chuyện công đức thì tùy tâm. Do nhiều nguyên nhân, khi vào đình, đền, chùa, miếu không mua bó hương, đĩa hoa dâng cúng thì bỏ ít tiền lên đĩa.. Dần dần, việc thay hương hoa bằng tiền đã thành thói quen.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, càng ngày đồng tiền Việt càng mất giá, những đồng tiền lẻ mệnh giá thấp không còn giá trị thực tế, nhưng nó lại có giá khi đi lễ. Ít ai bỏ một khoản tiền có mệnh giá cao vào một chỗ nhất định, mà “xé lẻ”, để mỗi nơi thờ một ít, xem như nén hương, bông hoa dâng cúng với lời nguyện của mình... Rồi tâm lý sợ thần linh quở trách thần được ít, thần được nhiều, mà vào bất cứ nơi thờ tự nào cũng “chia đều” cho các thần, để không ai so bì...

Và “văn hóa tiền lẻ”, tâm lý “nhỏ, lẻ” nơi thờ tự thần linh hình thành, ngày một biến tướng, ngày cành “phình” ra theo chiều hướng xô bồ, lộn xộn, đầy phản cảm, báng bổ thần linh, xâm phạm sự linh thiêng của những nơi thờ tự tôn nghiêm. 

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Cái “văn hóa tiền lẻ” nảy sinh ra “tâm lý nhỏ, lẻ” phát sinh ngoài việc sự “giác ngộ” của người dân có hạn chế, sự thiếu hiểu biết “lễ” của người dân, còn một phần do chính công tác quản lý các nơi thờ tự, lễ hội. Nếu như ban quản lý làm nghiêm ngay từ đầu, cấm bỏ tiền vào ban thờ, vào tượng... mà chỉ để vào hòm công đức, thì chắc mọi người cũng sẽ tự giác tuân thủ (việc này các nơi thờ tự ở miền Nam và miền Trung làm tốt hơn ngoài Bắc). Và nếu các nơi thờ tự ban quản lý không đặt hòm công đức tràn lan thì người dân không “xé lẻ” số tiền mệnh giá cao thành tiền lẻ để bỏ công đức mỗi nơi một ít cho đều.

Ngay tại Hà Nội, điển hình là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mỗi khu tượng thánh là một hòm, và tiền vẫn cứ bị nhét vào chân thánh, hay bỏ lung tung trên ban thờ. Hay vào Phủ Tây Hồ, hòm công đức thì để góc tường khuất, rồi bày ra mỗi ban thờ mấy cái chậu cho người đi lễ vứt tiền vào...

Phải chăng chính những người trong ban quản lý các nơi thờ tự cũng muốn “tích tiểu thành đại”? Bỏ lơ chuyện người dân đi lễ rải tiền khắp nơi, kể cả dán tiền lên tượng phật, ném tiền dưới chân phật như ở chùa Bái Đính - Ninh Bình? Nên mới có chuyện thật sốc, chỉ riêng Chùa Hương - Hà Nội, mỗi năm gom số tiền lẻ “giọt dầu” đã là 1.200 bao tiền lẻ, chở bằng 15 chuyến xe tải...

Việc không của riêng ai

Cấm buôn tiền lẻ, không in tiền lẻ chỉ là biện pháp tình thế, và nó coi như bất khả thi đầu mùa lễ hội tháng giêng. Thực tế người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới không khó để tìm ra những điểm dịch vụ này. Không chỉ tập trung ở khu vực cổng chùa, đền, khu di tích, mà ở Hà Nội, có nhiều cửa hàng cầm đồ, bán trang sức công khai treo biển đổi tiền lẻ như tại các phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng,... dù hoạt động này năm nay không rầm rộ như các năm trước, nhưng vẫn rất đắt khách, và không thấy cơ quan chức năng nào có ý kiến. 

Từ đầu mùa lễ đến giờ, cũng chưa có ai bị phạt vì tội buôn tiền lẻ ở đình, đền, chùa, miếu, phủ..., dù nó công khai. Phải chăng có cả sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng, của chính ban quản lý các nơi thờ tự và sự làm ngơ của chính quyền địa phương?

Tiền lẻ đi lễ gây ra những phản cảm trong văn hóa tâm linh, không phải là chuyện của riêng ngành ngân hàng... mà nó liên quan đến nhiều ngành, ban, đoàn thể và cả ý thức của người đi lễ.

 
“Văn hóa tiền lẻ” hay tâm lý “nhỏ, lẻ”?


“Văn hóa tiền lẻ” hay tâm lý “nhỏ, lẻ”?


“Văn hóa tiền lẻ” hay tâm lý “nhỏ, lẻ”?

Du khách đi lễ kẹp tiền vào tượng tại Hội Lim (Bắc Ninh) 2014 (ảnh lớn). Tiền lẻ rải khắp nơi ở phủ Tây hồ (hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn - Giang Huy 

Trước hết, các nơi thờ tự phải nghiêm khắc với chính mình, các ban quản lý phải biết giữ tôn nghiêm, tuyệt đối ngăn chặn các hành vi bỏ tiền không đúng nơi quy định, giáo dục cho người đi lễ biết “lễ” với thần linh. Các cơ quan văn hóa, các nhà giáo dục, các nhà văn hóa học, các nhà nghiên cứu về tôn giáo, văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh cũng nên vào cuộc để nâng cao sự hiểu biết ý nghĩa của các hành vi mang tính tâm linh nơi thờ tự của người dân, để người dân có được sự tôn nghiêm đối với hình ảnh của các bậc tôn kính, đấng tối cao khi đặt niềm tin vào cho một ước nguyện.

Tiền không phải là cứu cánh để giải quyết chuyện tâm linh. Tiền lẻ càng không phải là giải pháp rẻ tiền để “mua thần, bán thánh”, để “xin” thần linh hay “mặc cả” với thần linh những mưu cầu cho riêng mình... Cái tâm đi lễ, hiểu biết “lễ” mới là quan trọng.

Theo Việt Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm