“Văn hóa là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ASEAN”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh trong buổi trả lời báo chí sau kỳ hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN + 3 (AMCA + 3) tại Tp Huế vừa kết thúc ngày 20/4.

“Khu vực Đông Nam Á hiện nay đang sở hữu 33 Di sản thế giới được UNESCO công nhận mang giá trị nổi bật toàn cầu, 21 trong số đó là di tích văn hoá. Trong thời gian gần đây đang có xu hướng ngày càng tăng các khách du lịch tới thăm khu vực ASEAN nhờ vào sự đa dạng và giàu có về văn hoá.

ASEAN vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài khu vực với chỉ số tăng trưởng là 14.51% và 9.9%. Điều này làm cho lượng khách du lịch ASEAN tăng lên 12%, đạt con số 90.2 triệu lượt trong năm 2013. Đồng thời cũng cho thấy văn hoá là yếu tố thúc đẩy du lịch trở thành thành tố định hướng chính cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực ASEAN” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho hay.

Trong kế hoạch tổng thế về kết nối ASEAN, liên kết giữa con người và con người là chất xúc tác về Văn hoá - Xã hội, hỗ trợ nhiều sáng kiến khác nhau hướng đến việc thiết lập kết nối rộng về cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho những cải cách về thể chế và chính sách cần thiết để đảm bảo kết nối lâu bền thể chế trong khu vực ASEAN. Để thực hiện công việc này, ASEAN tập trung vào một số sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa hiểu biết về Văn hoá - Xã hội ASEAN và khuyến khích việc đi lại Nội khối của người dân ASEAN.

Như Chương trình Tình nguyện viên trẻ ASEAN (AYVP) được phát động năm 2013 và trở thành diễn đàn dành cho thanh niên ASEAN đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Một số công trình Văn hoá và dân sự đang được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình AYVP, trong đó phải kể đến Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN trong lĩnh vực di sản Văn hoá.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời báo chí sau kỳ hợp AMCA + 3 tại Huế

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời báo chí sau kỳ hợp AMCA + 3 tại Huế

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm “ASEAN cũng chú trọng nâng cao nhận thức của thanh niên về ASEAN thông qua giáo dục. Dự án Sách nguồn ASEAN dành cho học sinh tiểu học và trung học được phát triển từ năm 2012 và có nhiều Nội dung về Văn hoá ASEAN. Chúng tôi đang thảo luận về các giải pháp thực hiện dự án Sách nguồn như một Tài liệu bổ sung trong khuôn khổ những hình thức giới thiệu về ASEAN trong trường học. Khoá học nghiên cứu ASEAN đang được thực hiện trong khuôn khổ Mạng lưới Trường Đại học ASEAN dành cho các sinh viên chưa tốt nghiệp để nhấn mạnh hơn nữa việc học văn hoá và ngôn ngữ trong ASEAN.

Chúng tôi cũng sử dụng Công nghệ thông tin để Quảng bá về ASEAN và thông báo cho người dân được biết về tiến trình hội nhập ASEAN thông qua Dự án Trung tâm Học tập trực tuyến ASEAN (AVLRC). Đây là diễn đàn về thông tin để giúp người dân trong khu vực hiểu biết sâu sắc hơn về hợp tác ASEAN. Dự án này sẽ được phát triển qua nhiều giai đoạn, trong đó bước đầu tập trung giới thiệu về văn hoá, lịch sử, con người ASEAN, các thắng cảnh, lĩnh vực giáo dục, thanh niên và công nghệ thông tin trong khu vực. Dự án dự kiến hoàn tất vào năm 2015”.

Ngoài ra, còn có các sự kiện Văn hoá định kỳ như chương trình Nghệ thuật biểu diễn đặc sắc ASEAN, Hội trại Thanh thiếu niên ASEAN, Lễ hội các biểu đạt Văn hoá ASEAN, thành phố Văn hoá ASEAN và một loạt các hoạt động trong cuộc thi Tìm hiểu ASEAN ở cấp quốc gia và khu vực.

Theo ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN, thế hệ trẻ mà chủ yếu là thanh thiếu niên sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Do đó, họ chính là lực lượng định hướng cho sự phát triển của ASEAN, họ cần được trang bị kiến thức và sự hiểu biết đầy đủ về các nền văn hoá, lịch sử và nền văn minh đa dạng trong ASEAN. “Bởi vậy, chúng ta cần đào tạo thế hệ trẻ với khả năng thích ứng tốt về văn hoá, sự thông minh về cảm xúc để từ đó có khả năng làm việc trong các môi trường văn hoá và thị trường lao động khác nhau trong ASEAN. Tôi tin tưởng rằng Văn hoá sẽ giúp chúng ta gieo mầm sáng tạo và đổi mới trong thế hệ trẻ”.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng thông báo thêm, lần đầu tiên phiên, kỳ họp Các Bộ trưởng Văn hóa và nghệ thuật ASEAN mở rộng đối thoại, hợp tác với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã ghi nhận được một số kết quả thuận lợi. Như năm 2014 được lựa chọn là Năm Giao lưu Văn hoá ASEAN - Trung Quốc. ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều triển lãm, các chương trình biểu diễn, các chuyến tham quan, công tác, đào tạo và các bài giảng, cuộc thi, diễn đàn nghệ thuật… trong suốt năm 2014. Lễ khai mạc Năm giao lưu văn hoá này đã được tổ chức tuần vừa qua (ngày 7-8/4/2014) tại Bắc Kinh, phô diễn sự giàu có và đa dạng của các nền văn hoá và nghệ thuật của ASEAN và Trung Quốc.

Nhật Bản hiện đang đề xuất một chính sách mới về giao lưu văn hoá Châu Á, và một dự án mới mang tên “Hướng tới Châu Á tương tác thông qua sự Liên kết và Hoà hợp” đã được khởi động bằng việc thành lập Trung tâm Châu Á trực thuộc Quỹ Giao lưu Văn hoá Nhật Bản nhằm tăng cường kết nối giao lưu nhân dân, và hợp tác trong văn hoá và nghệ thuật giữa Nhật Bản và ASEAN.

Hàn Quốc hiện đang triển khai kế hoạch phát triển Khu liên hợp Văn hoá Châu Á tại Gwangju, Hàn Quốc với vai trò như một nền tảng nhằm tăng cường hợp tác hiện nay giữa Hàn Quốc và ASEAN trong lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật.

Đại Dương