Bế mạc Festival Huế 2014:
Lời chia tay rực lửa bên sông Hương
(Dân trí)- Lễ bế mạc Festival Huế 2014 đã diễn ra đầy cảm xúc trên sân khấu bên cầu Trường Tiền rực lửa và chợ Đông Ba 115 năm tuổi. Festival Huế 2014 đã khép lại sau 9 ngày tưng bừng, rộn rã, khép lại một mùa lễ hội thành công hơn cả mong đợi.
Giữ gìn bản sắc nhưng luôn luôn mới, phát huy nghệ thuật truyền thống gắn liền giới thiệu tinh hoa của nghệ thuật đương đại, tại Festival Huế 2014- đông đảo nhân dân được tham gia, hưởng thụ và sáng tạo. Festival diễn ra trên đường phố Huế, các sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định và các sân khấu cộng đồng ở khắp mọi vùng của tỉnh với nhiều chương trình biểu diễn giao lưu. Đặc biệt dành cho thiếu nhi, cho bệnh nhân trong bệnh viện, cho trẻ khuyết tật. Festival đã về với nông dân, đến với công nhân... đem lại nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn. Ở đâu Festival đến cũng đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và du khách.
Với những chương trình nghệ thuật hấp dẫn đa sắc màu, các lễ hội văn hóa ấn tượng. Lễ khai mạc với không gian sắc màu rực rỡ, sân khấu được thiết kế độc đáo mang đậm kiến trúc cung đình Huế; chương trình quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại mang hơi thở cuộc sống của nhiều vùng miền di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam và các quốc gia. Lễ hội Áo dài như một lời chào đến bạn bè thế giới. Đêm Hoàng Cung - một chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội qua 5 kỳ đã tái hiện vẻ đẹp lung linh về đêm của đời sống hoàng cung một thời, đặc biệt lần này Yến tiệc cung đình mang lại cảm nhận phần nào buổi Ngự yến ngày xưa của vua Nguyễn thiết đãi các hoàng thân, quốc thích và những người có công với nước trong chốn hoàng cung.
Hay ngày hội Âm sắc Hương Bình nhằm tôn vinh những giá trị nghệ thuật, tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối, khẳng định bản sắc độc đáo, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian của nghệ thuật ca Huế. Đêm Phương Đông cho chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo qua những trang phục truyền thống của các dân tộc ở các quốc gia Châu Á. Chương trình quảng diễn đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” trong khuôn khổ “Giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ Latinh” là sự đồng điệu trong dòng chảy văn hóa âm nhạc và vũ nhạc qua ngôn ngữ không biên giới, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho Festival Huế 2014.
Từ lễ Tế đàn Nam giao với nhiều ý nghĩa văn hóa nhân văn sâu sắc cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm. Từ những chương trình nghệ thuật đặc sắc mà âm vang như còn đọng lại với Hoàng Thành - Đại Nội - An Định Cung đến các Lễ hội Hương xưa làng cổ Phước Tích - Phong Hải biến nhớ, Chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn Fến festival thiếu nhi "không gian sắc màu tuổi thơ", đến Festival khoa học “Thành tựu y học với sức khỏe cộng đồng” và hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về công nghiệp du thuyền Việt Nam; từ trình diễn mô hình bay đến các góc trưng bày, triển lãm, phố tranh, cổ vật; từ nghệ thuật vẽ tranh và tượng người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu...
Hay nghệ thuật sắp đặt cây kiểng quý tại vườn Thượng uyển Cơ Hạ; từ tiếng hát ngọt ngào, đầy ắp kỷ niệm một thời của những cựu nữ sinh Đồng Khánh - Huế đến sắp đặt cho Festival thơ tại công viên 3/2; từ không khí trang trọng của Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật các nước ASEAN+3 mà Huế vinh dự được trao danh hiệu “Thành phố văn hóa của ASEAN” đến sự sôi động của các giải thi đấu thể thao: giải golf festival Huế, giải tennis đồng đội, đua thuyền trên sông Hương và hội chợ thương mại quốc tế; hay sự huyên náo, tưng bừng của lễ hội bia Huế, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Liên hoan múa quốc tế... đã mang đến cho Festival Huế lần thứ 8- 2014 một không gian rực rỡ sắc màu, đầy sôi động, khắc họa đậm nét một vùng di sản, tạo không khí tưng bừng cho mảnh đất cố đô Huế vốn yên tĩnh nay trở nên sống động hơn.
Video bế mạc Festival Huế:
Rất quan trọng, Festival Huế đã góp phần thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự, trong đó có hơn 23 vạn khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ tăng 25% so với Festival Huế 2012. Có hơn 10 vạn khách quốc tế là công dân đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về Huế tham dự, vui chơi, hòa mình vào không khí tưng bừng, rộn rã của Festival.
Sự trình diễn mang tính chuyên nghiệp của các đoàn, nhóm nghệ thuật hay sự ngẫu hứng của những diễn viên quần chúng tuy có khác biệt nhưng tựu chung đều hướng về mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển. Đã đem lại cho Thừa Thiên Huế, cố đô Huế một diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, phấn đấu để xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam. Festival Huế thực sự là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị của các quốc gia, dân tộc qua giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Với tư duy của những người làm chương trình, Ngọ Môn, Kỳ Đài, Đại Nội, Cung An Định hay Sông Hương, Cầu Trường Tiền, Bia Quốc Học... đã làm nên những ấn tượng đặc sắc gắn liền với thương hiệu Festival Huế khó phai mờ trong lòng người dân và du khách khi đến với Festival Huế. Đến thời điểm này, ban tổ chức khẳng định rằng Festival Huế lần thứ 8 - 2014 đã thành công tốt đẹp, được đánh giá là một Festival: Ấn tượng, Thân thiện, An toàn và đầy tính Nhân văn.
Ông Ngô Hòa, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2014 phát biểu lễ bế mạc
Ông Ngô Hòa, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2014, PCT thường trực UBND tỉnh TT-Huế trong lời phát biểu bế mạc đã gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ, báo chí, các quốc gia đặc biệt là Đại sứ quán Pháp và Vùng Poitou Charentes của Cộng hòa Pháp luôn là người bạn đồng hành, thủy chung cùng với Festival Huế từ những ngày đầu cho đến nay.
“Đặc biệt ngày càng cảm nhận Festival Huế đang hướng tới lợi ích của nhân dân, của cộng đồng và du khách, góp phần xây dựng thương hiệu Huế - một quê hương của hạnh phúc. Những gì mà Festival Huế lần thứ 8 - 2014 để lại trong mỗi một chúng ta sẽ không phai nhạt. Đó chính là động lực thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của đất nước, của quê hương, góp phần phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định Thừa Thiên Huế xứng tầm là Thành phố Festival đặc trưng, thành phố du lịch, thành phố di sản, một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo kết luận 48 của Bộ Chính trị” - ông Ngô Hòa khẳng định.
Dưới đây là chùm ảnh ghi lại đêm cuối cùng của Festival Huế bên bờ sông Hương thơ mộng:
Hát múa Âm vang một dòng sông - Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế
Múa Hương sen - Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, TpHCM với phần trình diễn đẹp mắt của nghệ sĩ múa Linh Nga
Hoa hậu Ngọc Hân dẫn đầu đoàn người mẫu áo dài
Hình tượng Sen cách điệu bên dòng sông đêm
Huế đẹp như thơ - ca sĩ Khắc Hùng cùng nhóm múa Sắc Việt
Nhiều hoạt cảnh chèo ghe mặc áo dài trên sông Hương đầy lôi cuốn
Với hậu cảnh thiên nhiên, đêm bế mạc đem lại rất nhiều cảm xúc cho khán giả
Địa khúc giao hòa - ca sĩ Lương Huy
Đoàn nghệ thuật PA Talents - Singapore đưa đến những điệu múa cung đình hấp dẫn
Những điệu nhảy vui nhộn của Bayanihan - Philippines
Sự hội tụ của văn hóa thế giới mà đặc biệt là cộng đồng ASEAN ở Huế trong thời điểm diễn ra Festival càng làm cho mối gắn kết giữa các quốc gia Đông Nam Á thêm đậm đà, có ý nghĩa khi Huế vừa được công nhận là thành phố văn hóa của ASEAN ngày 19/4 vừa qua
Những thuyền hoa sen xuôi dòng nước cạnh sân khấu cùng hòa chung với niềm vui đêm bế mạc thành công trọn vẹn
Trường đoạn Vũ khúc Hội ngộ ASEAN do Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen trình diễn
Nón bài thơ, áo dài tím - đặc sản không thể thiếu của Huế vào mỗi mùa Festival trong ca khúc Khúc tình Huế do ca sĩ Huyền Trang và nhóm múa minh họa
Áo dài Huế dịu dàng, quyến rũ
Vẫy tay chào giã bạn
Những hình bóng cô gái Huế xinh đẹp, bí ẩn trên sông Hương làm xiêu lòng những tao nhân mặc khách khi đến cố đô
Pháo hoa của nghệ sĩ Pierre Alain Hubert (Pháp) như lời từ giã bên sông Hương của Huế gửi đến bè bạn 5 châu, hẹn kỳ Festival tới với nhiều nét đẹp, nét thơ hơn nữa.