Uống cà phê và ăn sáng, nên làm việc nào trước?
(Dân trí) - Nhiều người có thói quen uống cà phê vào buổi sáng để tỉnh táo và nạp năng lượng cho ngày mới. Sau một đêm ngủ không ngon giấc, việc đầu tiên mà nhiều người lựa chọn là uống một cốc cà phê.
Nhưng bạn có biết làm vậy sẽ gây ra hậu quả tiêu cực ngay tức thì. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng của Anh mới đây, nếu đêm trước bạn mất ngủ mà uống cà phê vào sáng hôm sau thì có thể xảy ra sự rối loạn kiểm soát lượng đường trong máu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bath (Anh) đã xem xét các mẫu máu của 29 người trưởng thành trong ba thí nghiệm để so sánh lượng đường trong máu của họ vào buổi sáng.
Trong thí nghiệm thứ nhất, những người tham gia có giấc ngủ bình thường, tiêu thụ đồ uống có đường khi thức dậy với đủ lượng đường và calo như một bữa sáng điển hình.
Hai thí nghiệm khác được thực hiện với những người mất ngủ vào ban đêm, sau đó uống một tách cà phê đen đặc trước khi ăn sáng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một tách cà phê đậm đặc chứa khoảng 300mg caffeine làm tăng lượng đường trong máu của những người tham gia thí nghiệm lên 50%.
James Betts, người giám sát nghiên cứu và là giám đốc của Trung tâm Dinh dưỡng, Thể dục và Trao đổi chất, thuộc Đại học Bath, cho biết: "Nói một cách đơn giản, việc kiểm soát lượng đường trong máu của chúng ta bị suy giảm khi thứ đầu tiên mà cơ thể chúng ta tiếp xúc trong một ngày mới là cà phê, đặc biệt là sau một đêm mất ngủ.
"Chúng ta có thể cải thiện điều này bằng cách ăn sáng trước rồi uống cà phê sau. Điều này có thể mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng cho tất cả chúng ta".
Theo nhiều nghiên cứu trước đây, cà phê là thức uống an toàn với cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Bạn có thể dùng tối đa 5 tách mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu cho biết một đêm ngủ không ngon giấc cũng không gây tác dụng tiêu cực đối với sự trao đổi chất nếu chúng ta ăn sáng đầy đủ.
Ông Harry Smith, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết điều đó có thể khiến mọi người yên tâm phần nào nếu không may gặp vấn đề về giấc ngủ. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải tìm cách giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe gây ra bởi chứng mất ngủ.
"Còn rất nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu về tác động của giấc ngủ đối với sự trao đổi chất, chẳng hạn như mất ngủ với tần suất và thời gian bao lâu thì khiến cơ thể giảm trao đổi chất, hệ lụy lâu dài của việc này, cũng như việc liệu tập thể dục có thể giúp cải thiện tình trạng này hay không", ông nói.