Ước mơ nhỏ nhoi của người đàn ông liệt cả hai chân
(Dân trí) - Ở độ tuổi 27 đầy hoài bão, tất cả bỗng vụt tắt khi một tai nạn ập đến khiến anh Vịnh liệt cả hai chân. Những ước mơ nhỏ nhoi bỗng trở nên quá xa vời với anh.
Khi đôi chân không còn cảm giác
Ngôi nhà bé xíu trên một bản làng ở Mai Châu, Hòa Bình là nơi sinh sống của vợ chồng anh Đinh Công Vịnh (sinh năm 1990) và chị Bùi Thị Hoa (sinh năm 1992). Ít ai biết, căn nhà nhỏ bình yên và đầy ắp tiếng cười ấy từng trải qua những đợt sóng gió lớn như thế nào.
Hồi tưởng lại quãng thời gian khủng khiếp ấy, anh Vịnh kể: "Khoảng năm 2017 mình đi làm phụ hồ tại Hà Nội, do tính chất công việc nặng nhọc nên mình bắt đầu bị đau lưng dai dẳng . Thấy vậy nên mình tự ý mua thuốc giảm đau để tiêm trực tiếp vào sống lưng. Về sau vết tiêm nổi cục áp xe vô cùng đau đớn".
Anh nhờ một người em họ đưa đi bệnh viện huyện để khám và được yêu cầu xuống Hà Nội thăm khám. Không có tiền thuê xe ô tô, anh lại cùng người em tự đi xe máy xuống Hà Nội, trên đường xuống bệnh viện anh bỗng nhiên cảm thấy hai chân không còn cảm giác.
"Mọi thứ như đóng băng ở khoảnh khắc đó, tôi không còn tin được những gì mình đang cảm nhận. Tự lấy tay véo mạnh vào đùi nhưng không còn thấy đau. Tôi bảo với cậu em: "Anh không cảm nhận được gì nữa rồi". Đó là ngày tệ nhất cuộc đời", anh Vịnh nghẹn ngào nói.
Anh Vịnh được chẩn đoán bị nhiễm trùng tủy, sau phẫu thuật hút dịch trong tủy, anh tiếp tục trải qua ca mổ do bị dò dịch ở chân. Đau đớn là thế nhưng không bằng nỗi tủi hờn trong anh. Đêm đến không ngủ hai hàng nước mắt anh Vịnh cứ thế lăn dài trên má: "Ngay cả đến cảm giác đau tôi cũng không thể cảm nhận được, nhưng nước mắt cứ lăn không hiểu vì sao", anh Vịnh nghĩ lại.
Sự bất lực đến tột cùng
Suốt quãng thời gian nằm viện điều trị, vợ anh, chị Bùi Thị Hoa không rời chồng nửa bước. Anh suy sụp bao nhiêu chị cũng đau lòng bấy nhiêu. Chị nói: "Từ một người đàn ông vui vẻ, hài hước nay anh chẳng nói câu gì. Tôi cũng chỉ biết động viên chồng rồi mọi chuyện sẽ qua. Tôi vẫn luôn ở bên anh cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa".
Nghe vợ nói vậy anh Vịnh vô cùng khổ tâm: "Ở tuổi như vợ tôi người ta có chồng chăm sóc, được dựa dẫm vào chồng. Vậy mà giờ tôi lại nằm đây, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ bà xã. Bất lực và đau đớn tốt cùng, tôi nhiều lần nghĩ đến cái chết. Cuộc sống có lẽ nên chấm dứt ở đây sẽ tốt hơn".
Từ ngày ra viện, mọi công việc lớn bé trong nhà đều một tay chị Hoa đảm đương. Kinh tế chỉ còn biết dựa vào mấy sào ruộng. Không quản nắng mưa sương gió, chị cần mẫn làm hết việc đồng, việc nhà để lo cho chồng. Căn nhà tranh tạm bợ không có vệ sinh khép kín mỗi lần tắm rửa hay đi vệ sinh chị lại phải bế chồng trên tay: "Từ ngày cưới nhau đến giờ mình mới bế vợ được có một lần, còn lại cả cuộc đời toàn vợ bế mình", anh Vịnh nói.
Từng khuyên vợ đi lấy người khác
Mỗi đêm nằm cạnh thấy vợ ngủ say, anh Vịnh lại lặng lẽ ngắm những nếp nhăn hằn lên trên khóe mắt của người phụ nữ chưa đến tuổi 30. Nắm chặt lấy đôi bàn tay chai sạn của vợ anh xót xa vô cùng. Ngày anh nắm tay và ngỏ lời hỏi cưới, đôi tay chị mềm mại lắm, phải chăng vì nắm tay sai người nên giờ mới trở nên thô ráp đến thế?
Càng nghĩ càng đau lòng, anh Vịnh nhiều lần muốn giải thoát cho vợ để đi tìm hạnh phúc mới: "Anh không muốn bắt em phải ở bên để chăm sóc cho anh cả đời. Nếu em đến với người khác anh cũng không oán trách điều gì. Hai vợ chồng nên dừng lại ở đây".
Trước lời đề nghị ly dị của chồng, chị Hoa lắc đầu nói: "Em bảo anh rồi, dù thế nào em cũng không rời anh đi. Gặp nhau, cưới nhau là duyên số. Chắc gì lấy người khác em đã hạnh phúc bằng ở bên cạnh anh", chị Hoa nói.
Từ ngày anh Vịnh liệt cả hai chân, nhiều lời ra tiếng vào không hay, có người cũng khuyên chị không nên hi sinh cả cuộc đời để chăm sóc cho chồng như vậy. Nghe thấy thế chị Hoa đều bỏ ngoài tai. Chị vẫn lặng lẽ chăm sóc chồng.
Chị Hoa nghẹn ngào nói: "Ngày xưa anh Vịnh là người đàn ông hài hước, hay pha trò, hay cười nói. Từ hồi liệt cả hai chân anh trở nên lầm lỳ, cáu kỉnh. Thậm chí nhiều lần anh tỏ ra hắt hủi khiến tôi tổn thương vô cùng. Nhưng nếu ai rơi vào hoàn cảnh như vậy chắc cũng như vậy thôi. Giờ nếu tôi vô tâm mà bỏ đi thật thì anh sẽ sống thế nào".
Vực dậy tinh thần và đi tìm ước mơ
Anh Vịnh dần biết đến hội nhóm những người cũng bị chấn thương cột sống và mất khả năng đi lại như anh. Từ đây em cũng biết thêm rất nhiều câu chuyện đau lòng và hoàn cảnh đáng thương hơn mình.
"Có những người liệt cả hai chân như mình nhưng không có ai chăm sóc, vợ thì bỏ đi để tìm hạnh phúc mới. Ấy vậy mà mình có vợ luôn bên cạnh, hy sinh vì mình mà lại không biết trân trọng và nhiều lần khiến vợ tổn thương, vậy có đáng hay không?".
Thương vợ, anh bắt đầu tự di chuyển bằng xe lăn để quét nhà, nấu cơm, rửa bát. Anh không còn muốn mình trở thành gánh nặng và khiến bà xã phải khổ tâm. Trưa nắng đi làm về, chị Hoa thấy mâm cơm nóng hổi, nhà cửa dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ chị không kìm được nước mắt. Cuối cùng, sau bao lần níu giữ hạnh phúc và tâm hồn của chồng trước bờ vực, chị cũng thành công giúp anh bước đầu vượt qua cú sốc quá lớn trong cuộc đời.
Cách đây hơn một năm gia đình nhỏ của chị Hoa và anh Vịnh được các nhà hảo tâm quyên góp xây tặng một ngôi nhà cấp 4 có khu vệ sinh khép kín giúp anh Vịnh thuận tiện hơn trong sinh hoạt cá nhân hàng ngày.
Hai vợ chồng bắt đầu bàn nhau mở bán hàng tạp hóa online để có đồng ra đồng vào đỡ vất vả hơn làm ruộng. Cứ thế, chồng đăng bài trên trang cá nhân, vợ giao hàng, cả hai cùng vui vẻ, cuộc sống vì thế mà bắt đầu tốt dần lên mỗi ngày.
"Người nói, khi một ai đó bắt đầu biết ước mơ là tâm hồn được tái sinh lần nữa. Mình chỉ mong ước có được một chiếc xe máy ba bánh để phụ vợ đưa con đi học và giao hàng giúp vợ để đỡ phải về đêm hôm.
Những người đã từng bước qua cửa tử rồi sẽ chẳng mơ ước gì cao sang hơn. Chỉ cần người thân đỡ vất vả, mạnh khỏe, ăn đủ no, mặc đủ ấm, gia đình hòa thuận hạnh phúc và được, chỉ cần vậy thôi", anh Vịnh bộc bạch.