Khổ học thành tài:
Không biết chữ, liệt hai chân vẫn làm nên sự nghiệp
(Dân trí)- Đó là chị Nguyễn Thị Hương, quê xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Tây. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại bị liệt hai chân từ nhỏ. Vậy mà bây giờ, chị đang là bà chủ nổi tiếng của một cơ sở sản xuất và dạy nghề đục, chạm khảm gỗ cao cấp.
Tuổi thơ khốc liệt, số phận ngặt nghèo
Dẫn chúng tôi về tìm gặp chị Hương hôm ấy là chị Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Điểm. Mới bước chân vào ngõ nhà chị Hương, đã nghe thấy rộn ràng tiếng cưa, tiếng đục, tiếng người cười nói. Hơn hai chục người thợ, tất cả đều là thanh niên, đa phần là thợ nữ, đang mải mê bên những súc gỗ, say sưa đục, chạm, khảm. Thật dễ dàng nhận ra bà chủ bởi đôi chân bị liệt, nhưng có một đôi mắt sáng rực, đầy nghị lực. Thấy chúng tôi đến, chị Hương vội rời khỏi một tốp thợ, di chuyển nhanh nhẹn bằng đôi tay lên nhà trên, rót nước mời khách . Câu chuyện của người khuyết tật, nhất là đó lại là phụ nữ, bao giờ cũng bắt đầu bằng những hồi tưởng ...
“Tôi sinh năm 1970. Nhà có 7 anh chị em, tôi là con thứ 6. Nói như những người hay tin vào tướng số, mê tín, nhà đông con, tôi phải chịu hạn đỡ cho mọi người trong nhà. Thế cho nên, khi mới đầy tuổi thôi nôi, sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”, hai chân tôi bỗng cứ dần dần teo lại. Nhà đông con lại quá nghèo, cha mẹ tôi quần quật lam lũ mải lo kiếm rau cháo nuôi cả đàn con, mà tôi thì mới một tuổi, đã biết bước đi đâu để mọi người phát hiện ra cái dị tật ở chân mình, nên ngay những người thân trong nhà cũng không biết được nỗi tai hoạ đó của đời tôi. Đến lúc phát hiện được đôi chân của tôi bị teo thì đã quá muộn để mà chữa chạy...”.
Không được đi học vì chẳng có ai có đủ sức lực, có đủ thời gian để cõng Hương đến trường, tuổi thơ Hương chỉ biết loanh quoanh nơi xó bếp, ngày lo hai bữa cơm cho cả nhà.
Khi bước vào độ tuổi 12-13 tuổi, Hương bắt đầu cảm thấy tủi thân, nhất là những ngày khai trường nhìn thấy chúng bạn được tung tăng cắp sách đến trường. Nhưng rồi, như hiểu được nỗi khổ của chị, bạn thân chị tên là Tuyết, nhà ngay cạnh, chứng kiến bao lần vạt áo Hương thấm đẫm nước mắt, đã gắng sức cõng Hương đi chơi, ra xem chiếu bóng ngoài sân kho hợp tác xã. Lúc này, Hương rất muốn được đi học, nhưng lớn quá rồi, Hương đã 17 tuổi. Chị tủi thân đã nghĩ đến cái chết, nhưng bạn bè quanh chị đã động viên chị rất nhiều.
“Ông Trời quả rất công bằng...”
Chị Hương nói thế, khi rót thêm nước mời chúng tôi, giọng bỗng phấn chấn hẳn lên. “Ông Trời không lấy đi của ai mọi thứ, cũng không cho ai hoàn hảo cả. Bù vào sự thiệt thòi, mất mát về đôi chân, tôi lại được Trời phú cho sức khoẻ, đôi tay khéo léo và cái đầu được dân làng gọi là sáng sủa, thông minh”. Sau 5 năm phụ bán hàng nước, năm 1992, khi trong làng bắt đầu lác đác có nhà làm nghề mộc, Hương bỗng nảy ra một ý định phải chuyển hướng kiếm sống. Cô quyết định học nghề đục, khảm, cho dù những người thân can ngăn vì không tin cái nghề này sẽ tồn tại và phát triển ở một vùng quê, và không tin cô có thể thành đạt ở một cái nghề mà những người lành lặn đôi khi còn sạt nghiệp.
Những người thầy dạy nghề đầu tiên của Hương là vợ chồng bác Thảo, hàng xóm của gia đình Hương. Nhận xét về cô, bác Thảo nói: “Cô Hương khéo léo, nhanh ý và có đầu óc tính toán chả kém gì những cô cậu học hành đầy đủ ở làng tôi”. Sau hơn 1 năm học nghề, rồi 1 năm làm thuê, cô có một chút vốn nho nhỏ quãng 600 ngàn đồng, đủ để mua 2 cái tủ chè mộc, một mình xoay xở làm, rồi bán, được lãi gấp đôi. Cứ thế, “tích tiểu thành đại” , dần dần đến lúc có nhiều vốn hơn, cô bắt đầu thuê thợ làm.
Sau 4 năm dành dụm được 2 cây vàng, được anh trai và mẹ giúp đỡ thêm, cô đã mua được một mảnh đất 70m2 có một ngôi nhà cấp 4 gần nhà bố mẹ. Từ đó, Hương có nhà, xưởng riêng của mình, sống cuộc sống tự lập. Hương cho hay, dự định mua nhà riêng đã có trong cô từ khi còn đang học nghề. Đã quyết là làm được. Từ lúc có nhà riêng thì cô bắt đầu nhận thêm nhiều thợ và người học nghề. Những lúc tủ chè bán chậm thì Hương quay sang làm ghế, rồi tủ thờ, tủ tường... Hiện nay, thu nhập của Hương đạt mức hơn 100 triệu đồng/năm. Hàng do cơ sở của cô làm ra chủ yếu bán buôn cho những chủ cửa hàng đã có mối làm ăn lâu năm.
Hiện tại, tổng cộng cả thợ và người học việc ở cơ sở của Hương là hơn 20 người. Thợ có tay nghề thấp được khoảng 400 ngàn đồng/tháng; thợ tay nghề cao được khoảng 600 ngàn đồng. Buổi trưa, Hương vẫn vào bếp, nấu nướng cho cả 20 người ăn. Hương cho biết, 10 năm qua, cô đã đào tạo được hơn 70 thợ đục, khảm. Trong số thợ học việc, có cả những em ở Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nam..., qua xem ti vi, thấy cơ sở của Hương làm ăn đứng đắn, dạy nghề đảm bảo, nên gia đình đã đưa các em tới học...
Chúng tôi ngại ngần mãi không dám động chạm đến nỗi niềm riêng tư của người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ. Nhưng, thật bất ngờ, chị Hương chủ động thổ lộ: “Tôi đã có một đứa con trai 3 tuổi và đó là niềm hạnh phúc, niềm tin, niềm hy vọng lớn nhất của tôi trong cuộc đời.
Rồi chị Hương đưa chúng tôi đi thăm ngôi nhà 3 tầng xây đã gần xong, chị bảo sẽ làm đường lên xuống thoai thoải để có thể sử dụng chiếc xe lăn năm ngoái Quỹ từ thiện Báo Hà Tây đã tặng. Dự định của Hương là sẽ tham gia các CLB để có thể giao lưu, học hỏi, lúc nhàn rỗi hơn thì sẽ học chữ. Khi chúng tôi hỏi: Mong ước lớn nhất bây giờ của Hương là gì? Cô trả lời rất tự tin: “Em chỉ muốn UBND xã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để em được mua khoảng hơn 200m2 đất ở khu quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề của xã, để mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất ...”.
Mai Minh - Hồng Hạnh