Thanh Hóa:

Tường thành công trình kiến trúc độc nhất vô nhị tại Việt Nam bị sạt lở

(Dân trí) - Trải qua hơn 600 năm với những tác động của thiên nhiên và mới đây là ảnh hưởng bởi mưa lớn của cơn bão số 10 là nguyên nhân khiến một khối lượng đất đá tường thành của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ bị sạt lở.

Tường thành công trình kiến trúc độc nhất vô nhị tại Việt Nam bị sạt lở

Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407).

Hiện trường sạt lở cách cổng thành Bắc khoảng 200m
Hiện trường sạt lở cách cổng thành Bắc khoảng 200m

Trải qua hơn 600 năm, tòa thành kỳ vĩ này vẫn trường tồn với thời gian. Vào tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), Thành Nhà Hồ được tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại.

Đây là sự ghi nhận cho những nét đặc sắc mang tầm vóc và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, là niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Thanh mà đó là minh chứng cho trình độ văn minh của người Việt đã phát triển từ rất sớm.

Địa điểm xây thành được chọn lựa trên một vùng đất bằng phẳng nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vị trí này còn được bao bọc bởi tứ phía núi non hiểm trở thuận lợi cho việc phòng thủ. Thành được xây dựng bao gồm Thành nội, La thành, Đàn tế trên khu đất rộng tới 155,6ha nay thuộc huyện Vĩnh Lộc.

Hiện trường sạt lở
Hiện trường sạt lở
Đất đá sạt lở chắn ngang con đường ngay dưới chân thành
Đất đá sạt lở chắn ngang con đường ngay dưới chân thành

Kinh đô có nhiều vòng thành bao bọc lẫn nhau và mở cửa chính về phía Nam, chính điện thiết triều ở giữa…Toàn bộ tòa thành được lắp ghép bằng những khối đá lớn khổng lồ hình chữ nhật chồng khít lên nhau, tường thành có chiều cao từ 5 - 6m, điểm cao nhất là 10m. Bốn cổng thành được ghép đá theo hình vòm mở ra ở chính giữa, riêng cửa phía Nam có 3 vòm cuốn...

Qua nhiều lần tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dưới lòng đất trong khu vực nội thành vẫn còn lưu giữ dấu vết của nhiều công trình quan trọng khác như: Điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, Tây Thái miếu...

Hiện Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm đoạn qua hiện trường
Hiện Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm đoạn qua hiện trường

Nét độc đáo trong nghệ thuật lắp ghép những khối đá khổng lồ, trong khoảng thời gian thi công ngắn nhất, có độ bền vững nhất, được xếp vào bậc nhất không chỉ trong nước mà trong khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia của UNESCO thừa nhận rằng, chưa có một tòa hoàng thành bằng đá nào tương tự ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào thời điểm ngày 19/9, một khối lượng lớn đất đá từ tường thành của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã bị sạt lở xuống, chắn ngang con đường bê tông cạnh chân thành. Đoạn sạt lở có chiều dài 6,9m, cao 4m, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20m3.

Vị trí sạt lở trước đây nhiều năm tại thành Bắc
Vị trí sạt lở trước đây nhiều năm tại thành Bắc

Qua đánh giá bước đầu của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa thì trải qua thời gian hơn 600 năm, mặt tường thành bị tác động của thiên nhiên làm biến dạng, kết cấu mặt tường thành bị xô nghiêng ra phía ngoài.

Đồng thời, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, vào lúc 9h30 ngày 16/9 đã làm sạt lở một đoạn tường thành tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m), thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.

Theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng di tích trình Ủy ban Di sản thế giới, đoạn tường thành bị sạt lở thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10, tỷ lệ 1/75.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều vị trí của đoạn tường Thành phía Đông Bắc còn bị xô nghiêng ra phía ngoài, có nguy cơ sạt lở cao.

Tường thành công trình kiến trúc độc nhất vô nhị tại Việt Nam bị sạt lở - 6
Đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sạt lở
Đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sạt lở

Ngoài vị trí mới vừa bị sạt lở, theo hồ sơ, tại thời điểm đo vẽ, xây dựng hồ sơ khoa học, đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sụt lở, cụ thể: đoạn số 04, bản vẽ 59; đoạn số 7, bản vẽ 60; đoạn số 8, bản vẽ 61; đoạn số 12, bản vẽ 62; đoạn số 16-17, bản vẽ 63-64; đoạn số 20, bản vẽ 65.

Trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại sạt lở tường thành do cơn bão số 10 và tình trạng bảo tồn tường thành phía Bắc hiện nay. Đồng thời, theo khuyến nghị của chuyên gia ICOMOS cần có những nghiên cứu về kết cấu, địa chất... nền móng khu vực Thành nội để xác định mức độ sụt lún gây ra sạt lở và đưa ra các kế hoạch, cảnh báo và bảo tồn di sản một cách lâu dài.

Một số điểm có nguy cơ sạt lở cao
Một số điểm có nguy cơ sạt lở cao

Từ đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đề nghị các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành giúp Trung tâm kiểm tra, thăm dò địa chất, đánh giá địa chất, kết cấu khu vực tường thành phía Bắc nói riêng và khu vực di sản nói chung.

Bên cạnh đó, đề nghị Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn các đoạn tường thành.

Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa căn cứ Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo các Bộ, Ngành Trung ương bố trí kinh phí triển khai công tác bảo tồn các đoạn tường thành đã và đang bị sụt lở.

Một đoạn tường thành phía Đông Bắc qua thời gian đã bị xô nghiêng ra ngoài
Một đoạn tường thành phía Đông Bắc qua thời gian đã bị xô nghiêng ra ngoài

Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết, sau khi phát hiện sự việc trên, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo và hướng dẫn du khách và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở.

Đồng thời, đơn vị cũng đang phối hợp với các ngành chức năng tiến hành làm rõ nguyên nhân và đánh giá cụ thể hiện trạng trên. Về phía đơn vị cũng đã báo cáo ngành chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội về sự việc nêu trên.

Duy Tuyên