Lâm Đồng:
Tuổi trẻ và di sản văn hóa cồng chiêng
(Dân trí) - Với chủ đề “Tuổi trẻ và Di sản văn hoá cồng chiêng”, Lễ hội Văn hoá cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 10 đã diễn ra trong hai ngày 31/3 và 1/4 tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Lễ hội năm nay quy tụ 12 đoàn cồng chiêng với khoảng 500 nghệ nhân trẻ có tuổi đời từ 18 - 30 là người dân tộc K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh và 11 đội cồng chiêng của 11 xã thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Lễ hội có những hoạt động chính như: carnaval cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng, tái hiện các hoạt động tín ngưỡng, thi đánh cồng chiêng, thi các trò chơi dân gian và đêm hội đại đoàn kết các dân tộc.
Việc tổ chức lễ hội là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ cùng ôn lại những bài chiêng cổ, trân trọng những giá trị cha ông để lại. Với chủ đề “Tuổi trẻ với di sản văn hoá cồng chiêng”, lễ hội còn là dịp để khơi dậy niềm tự hào, đánh thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc kế tục tiếp nối, gìn giữ và phát huy nhằm bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.
Đêm khai mạc đã diễn ra với các phần thi trình diễn văn hoá dân gian độc đáo như: lễ mừng lúa mới của người Mạ, lễ xây mộ của người Churu, cúng Yàng lúa, kể chuyện Tubot - nguồn gốc cây nêu của người K’Ho... Ngoài ra còn có phần thi ẩm thực với thịt nướng, rượu cần và các món ăn rừng thu hút nhiều người tham gia.
Trong lễ khai mạc tối 31/3, ban tổ chức đã vinh danh 26 nghệ nhân của tỉnh Lâm Đồng đã có những đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy văn hoá cồng chiêng trong công tác biểu diễn, truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Ngọc Hà