“Tuổi thanh xuân” và những màn đối thoại “mỗi người một thứ tiếng”

(Dân trí) - Không ít khán giả cảm thấy không hài lòng, thậm chí khó chịu với những màn đối thoại “mỗi người một thứ tiếng” của bộ phim “Tuổi thanh xuân”- đang phát sóng giờ vàng.

Bộ phim “Tuổi thanh xuân” hợp tác giữa Việt Nam- Hàn Quốc hiện đang phát sóng giờ vàng trên kênh VTV3. Phim được ngợi khen về hình ảnh, những góc quay đẹp mắt, dàn diễn viên trẻ đẹp… Tuy nhiên, những màn đối thoại trực tiếp giữa các diễn viên 2 nước theo cách: diễn viên Hàn Quốc nói tiếng Hàn, diễn viên Việt Nam cứ nói tiếng Việt Nam (nhưng vẫn tỏ ra thấu hiếu) khiến không ít khán giả thấy khó chịu.

“Tuổi thanh xuân” và những màn đối thoại “mỗi người một thứ tiếng”

Không phải khán giả nào cũng hài lòng với cách để diễn viên đối thoại "mỗi người một thứ tiếng" của "Tuổi thanh xuân"

Lệ thường, với những bộ phim hợp tác, các diễn viên tham gia sẽ phải hội thoại với 2 thứ tiếng. Ví dụ ngay với phim truyền hình Hàn Quốc, đơn cử trong bộ phim “Chuyện tình Harvard”, khi đối thoại với diễn viên ngoại, các diễn viên Hàn Quốc nói tiếng Anh, và họ chỉ sử dụng tiếng Hàn khi nói chuyện với nhau (giữa những diễn viên Hàn Quốc).

Với cách đối thoại “mỗi người một thứ tiếng”, bộ phim “Tuổi thanh xuân” đang đưa đến cho khán giả xem truyền hình một cách tiếp cận phim mới, và ở đó, không phải khán giả nào cũng thấy hài lòng.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Tại cuộc gặp gỡ VTV 2014, diễn viên Kim Tuyến từng chia sẻ, đây là lần đầu tiên cô đóng phim mà không hiểu bạn diễn đang nói gì. Theo diễn viên Kim Tuyến, để có thể diễn xuất được, cô đã phải tập trung cao độ để theo dõi diễn biến cảm xúc trên gương mặt của bạn diễn rồi từ đó ứng biến theo.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về cách để diễn viên hội thoại “mỗi người một thứ tiếng” trong bộ phim “Tuổi thanh xuân”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải- Giám đốc sản xuất của dự án phim cho biết, “Chúng tôi đã từng làm phim “Người cộng sự” với Nhật bản và diễn viên Huỳnh Đông, Lan Phương đã dành thời gian học lời thoại tiếng Nhật để diễn xuất với các diễn viên Nhật. Nhưng đó là phim 1 tập và tỉ lệ cảnh quay có đối thoại như vậy không nhiều. Với phim dài tập “Tuổi thanh xuân” ( 36 tập ) có sự khác biệt do câu chuyện chính là mối quan hệ giữa nhân vật nam chính người Hàn và 2 nhân vật chính khác là người Việt Nam, gần như họ thường xuyên nói chuyện, đối thoại liên tục trong cả bộ phim”.

Cảnh trong phim

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, “Trước khi sản xuất, cả ê kíp của Việt Nam và Hàn Quốc đã bàn rất nhiều. Nếu theo đúng yêu cầu thực tiễn, diễn viên Việt nam sẽ đối thoại bằng tiếng Hàn khi tình huống xảy ra tại Hàn Quốc. Sau đó, khi phát sóng, hoặc sẽ lồng tiếng thuyết minh cho khán giả hiểu, hoặc chạy phụ đề. Cách này cũng sẽ có những nhược điểm khác, khán giả truyền hình thì đa dạng và không phải ai cũng quen với việc xem phim có phụ đề. Vì vậy, lựa chọn phương án lồng tiếng là tối ưu nhất có thể. Khán giả có thể chưa quen trong một vài tập đầu nhưng sau đó, câu chuyện phim và các tình tiết, tâm lý nhân vật sẽ dẫn dắt họ cuốn theo. Hiện phim phát sóng đến tập 10, tôi theo dõi trên trang faceboook “Tuổi thanh xuân” nhận thấy, sau 2-3 tập đầu, khán giả chỉ còn bàn về các sự kiện phim, họ tập trung dò đoán khi nào Junsu và Linh yêu nhau, Khánh có bí mật gì... chứ không còn quan tâm về chuyện lồng tiếng”.

Đặt câu hỏi về những khó chịu gây ra từ việc để diễn viên đối thoại bằng 2 thứ tiếng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định : “Việc tạo ra sự khó chịu ban đầu cũng có thể là cách chúng tôi muốn khán giả khám phá dần câu chuyện phim, cách nhân vật xuất hiện từ cảm giác khó chịu ban đầu đến quá trình trở nên đáng yêu, trưởng thành hơn. Với 36 tập phim, quá trình dẫn dắt khán giả là một chặng đường dài và phải có sự tính toán nhất định.

Ngay như chọn diễn viên lồng tiếng cho các vai diễn Linh, Junsu cũng không dễ dàng và chúng tôi đã rất mất thời gian casting. Khán giả tinh ý có thể nhận thấy, hầu hết giọng các nhân vật chính của phim đều là giọng trẻ, mới và không phải diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp. Chúng tôi đặt ra mục tiêu ban đầu là thay đổi cách diễn giọng, không sử dụng cách đối thoại quen thuộc với kiểu xử lý đài từ sân khấu quen thuộc. Lý do vì chúng tôi muốn câu chuyện gần gũi với khán giả trẻ, họ cảm thấy nhân vật như chính họ, cũng có những điểm xấu, những đam mê mạnh mẽ dù người khác không thích, nhưng dần dần, họ sẽ cho thấy sự trưởng thành và quan trọng hơn, hãy là chính mình, không tô vẽ, không chỉnh chu nhưng biết hướng đến tương lai một cách tích cực, đó cũng là đặc tính của tuổi trẻ bây giờ”.

Cảnh trong phim

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, những khán giả lớn tuổi, các phụ huynh xem phim sẽ thấy “bọn trẻ” bây giờ có những hành xử khác nhiều, luôn đòi hỏi sự độc lập và cũng dễ thất bại. “Nhưng chính từ sự va vấp ấy, sự khó chịu lúc đầu mà người lớn chưa thấu hiểu đầy đủ, những người trẻ sẽ nỗ lực nhiều hơn để biết sống có giá trị và biết yêu nồng nhiệt theo cách riêng của họ”.

Trước những lời phàn nàn về cách để diễn viên đối thoại “mỗi người một thứ tiếng”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, “Khán giả có quyền lên tiếng​. Nhưng chúng tôi càng trân trọng hơn nếu khán giả xem đầy đủ các tập phim để yêu hoặc không yêu bộ phim đến tận cùng”.
 
 

H.H