Tục lệ mùng 5 của người xứ Quảng

(Dân trí) - Nếu như người miền Bắc thường ăn cơm rượu, người miền Nam thường ăn thịt vịt quay,..., thì ở miền Trung, người Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có nhiều tục lệ (ăn món gì, làm những gì) riêng trong ngày mà người xứ Quảng vẫn coi là ngày tết đoàn viên, gia đình sum họp này.

Tục lệ đầu tiên phải kể tới là tục hái lá mùng 5. Người xưa trong vùng quan niệm rằng những lá cây hái vào đúng ngọ (12 giờ trưa) vào ngày mùng 5/5 âm lịch, lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Các loại lá mùng 5 rất phong phú có thể kể ra như lá ổi, lá vối, dủ dẻ, rễ tranh, mã đề, ngãi cứu... thường có vị thuốc nam.

Tục lệ mùng 5 của người xứ Quảng - 1

Các loại lá mùng 5 phong phú, thường là những vị thuốc nam
Các loại lá mùng 5 phong phú, thường là những vị thuốc nam

Ngày nay, tục đi hái lá giữa trưa mùng 5 ít thấy dần, nhưng thay vào đó, người dân lại giữ lệ tìm mua những lá cây được tìm thấy ở những vùng đồi núi ở Hòa Vang (Đà Nẵng) hay ở đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) về để dành uống hay nấu nước tắm. Ngoài ra, không riêng ở Quảng Nam - Đà Nẵng, nhiều người dân ở dọc các tỉnh ven biển miền Trung vẫn thường rủ nhau đi tắm biển vào ngày mùng 5 âm lịch, quan niệm là để diệt “sâu bọ” bệnh tật trong người.

Người dân miền Trung thường rủ nhau ra biển vào ngày mùng 5
Người dân miền Trung thường rủ nhau ra biển vào ngày mùng 5

Có một tục lệ cũng thường được thực hiện vào giữa trưa mùng 5 nữa là đúng ngọ, người lớn trong nhà hay bảo trẻ nhỏ nhìn lên mặt trời, quan niệm là nhìn lên mặt trời thời khắc này, mắt trẻ sẽ sáng. Quan niệm đúng sai chưa biết, nhưng người xứ Quảng - Đà vẫn giữ kỷ niệm những ngày nhỏ thường nghe người lớn trong nhà bảo là đúng ngọ mùng 5/5 âm lịch nhìn vào ông mặt trời sẽ thấy có rồng bay phượng múa, vậy là trẻ con cứ say sưa dõi theo ông mặt trời.

Những món ăn thường thấy theo tục lệ trong ngày mùng 5 ở xứ Quảng cũng rất phong phú từ thịt vịt, quả mít, quả chôm chôm,..., và đặc biệt không thể thiếu là bánh ú tro. Hễ tới mùng 5 là nhà nào ít nhất cũng có vài ba chục chiếc bánh ú tro. Không giống như bánh ú tro ở Huế thường là bánh có nhân bên trong, bánh ú tro xứ Quảng tạo hình khối tam giác, được chế biến chủ yếu từ nước tro và gạo nếp. Bánh màu vàng trong, khi ăn thường chấm với đường cát.

Bánh ú tro không thể thiếu trong dịp mùng 5 ở xứ Quảng
Bánh ú tro không thể thiếu trong dịp mùng 5 ở xứ Quảng

Thịt vịt có tính mát rất hợp lý cho ngày tết giữa năm thường rất nắng nóng
Thịt vịt có tính mát rất hợp lý cho ngày tết giữa năm thường rất nắng nóng

Món mặn là món thịt vịt cũng thường “cháy hàng” ở các chợ xứ Quảng trong ngày mùng 5 bởi món này được coi là có tính hàn (mát) rất hợp lý để thưởng thức vào ngày tết giữa năm lúc trời nắng nóng gay gắt. Ngoài công dụng giải nhiệt, người ta quan niệm ăn thịt vịt cũng là để giải độc trong người.

Sau Tết Nguyên đán, thì Tết Đoan ngọ đúng ngày 5/5 âm lịch nên vẫn thường gọi dân dã là Mùng 5 là ngày tết sum họp gia đình lớn thứ hai của người xứ Quảng. Ngày này là ngày cả nhà cùng quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ngon, thực hiện các tục lệ mùng 5. Nhiều người xứ Quảng đi làm ăn xa vào ngày này không về nhà được vẫn thường da diết nhớ quê nhà là vì thế.

Tâm An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm