Từ vụ MV của Sơn Tùng M-TP: Không thể tùy tiện sử dụng tiêu cực để câu view

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc xuất hiện nội dung trẻ em chịu bi kịch rồi tự tử trên các nền tảng tuyên truyền, các sản phẩm có ảnh hưởng tới giới trẻ… có thể sẽ làm lây lan hành vi tiêu cực ở lứa tuổi này.

Thời gian qua, vấn đề sức khỏe tinh thần sau đại dịch của học sinh và giới trẻ được quan tâm hơn bao giờ hết. Chính vậy, việc một nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP đưa hình ảnh tự tử vào MV ca nhạc There's no one at all đã khiến nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý trẻ em bức xúc.

Nội dung MV của Sơn Tùng kể về cuộc đời bi kịch của một chàng trai bị bỏ rơi, lớn lên trong cô nhi viện, bị bạo lực học đường và trở thành một kẻ quậy phá, quấy rối.

Ở nửa cuối MV, Sơn Tùng trong vai nam chính còn tìm những cách khác nhau để tự làm thương cơ thể và đỉnh điểm là hành động nhảy từ trên cao xuống để giải thoát bản thân khỏi cuộc sống đơn độc, không gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội) cho rằng: "Nội dung MV đưa ra như vậy là rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Việc ngừng lưu hành, thu hồi MV của các cơ quan chức năng là cần thiết", ông An nói.

Theo ông An, trong 2 năm qua, trẻ em và thanh thiếu niên phải cách ly xã hội do dịch Covid-19. Các cơ sở vui chơi giải trí, phát triển văn hóa tinh thần của trẻ em bị đóng cửa.

Các em học phải học tập online, suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, không được giao tiếp với bạn bè và tiếp xúc ngoài cộng đồng, xã hội. Đó là chưa kể đến nhiều em còn bị chửi mắng và chịu hành vi bạo lực từ các thành viên của gia đình do bản thân các bậc cha mẹ cũng bị rơi vào tình trạng tương tự.

Người lớn cũng ở trong tình trạng bí bách và trút giận lên đầu con em mình…. Thực trạng này ngày càng làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý xã hội trẻ em.

Vị chuyên gia này thông tin, theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên thực tế đã có rất nhiều em bị rối nhiễu tâm trí, nhiều em chuyển thành bệnh thực thể như lo âu, trầm cảm... và dẫn đến nhiều hệ quả đau lòng.

Thời gian gần đây, ở nước ta xảy ra các vụ việc học sinh tự tử với nhiều nguyên nhân khác nhau đáng lo ngại.

Chính vì vậy theo chuyên gia, việc xuất hiện nội dung trẻ em chịu ấm ức, chịu sự xúc phạm, rồi tự tử trên các nền tảng tuyên truyền, các sản phẩm có ảnh hưởng tới giới trẻ… rất có thể sẽ làm lây lan các hành vi tiêu cực ở lứa tuổi này.

"Làm như thế là mở đường, mở hướng, gợi mở sự tò mò cho trẻ vị thành niên. Đây là tuổi đang thay đổi về tâm sinh lý, thích học đòi, làm theo", nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em nhấn mạnh.   

Từ vụ MV của Sơn Tùng M-TP: Không thể tùy tiện sử dụng tiêu cực để câu view - 1

MV của Sơn Tùng M-TP gây tranh cãi vì cái kết bi kịch (Ảnh: Ê-kíp Sơn Tùng M-TP).

Trước thực trạng nghệ sĩ  lựa chọn các vấn đề nhạy cảm, gây tranh cãi để làm MV, từ đó câu view, tăng sức ảnh hưởng, ông An cho rằng cần phải ngăn chặn và xử lý kịp thời. 

"Việc lấy các hiện tượng gây tranh cãi, nhạy cảm câu view, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm", ông An bức xúc nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khẳng định, ông không đồng tình với việc lợi dụng các thông tin trái chiều làm ảnh hưởng đến dư luận xã hội, đặc biệt là tới giới trẻ. Về mặt chính sách, quản lý, ông mong các cơ quan chức năng cần có giải pháp để chấn chỉnh thực trạng này.

Theo ông Hà, nghệ sĩ là bộ phận thường có sức ảnh hưởng với xã hội, vì vậy khi lựa chọn các nội dung để sáng tác, thể hiện, họ cần thận trọng. Không thể tùy tiện đưa các sự việc tiêu cực như tự tử vào trong tác phẩm để tạo sự chú ý. Điều đó là hoàn toàn không nên.

Vị hiệu trưởng này cũng thông tin thêm, thời gian vừa qua, sau khi xảy ra nhiều vụ học sinh nghĩ quẩn tìm đến cách giải quyết tiêu cực, ông liên tiếp nhận được sự chỉ đạo từ thành phố cũng như Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội về việc sát sao quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.

Chính vì vậy các thầy cô giáo đã tăng cường quan sát, kết nối chặt chẽ với gia đình để nắm bắt tâm lý học sinh. Trước những hiện tượng đặc biệt đã tìm giải pháp tức thì để giúp các em vượt qua khó khăn. Thầy cô giáo cũng đã tổ chức những hoạt động tư vấn, kết nối, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, tổ chức hoạt động thể chất giúp các con giải tỏa căng thẳng, học tập hiệu quả.

Sức khỏe tinh thần của học sinh sau đại dịch, trong mùa thi đang được gia đình, nhà trường và những người làm về quản lý giáo dục đặc biệt quan tâm. Có lẽ vì vậy các chuyên gia mới bày tỏ lo ngại, dư luận mới nổi sóng, thậm chí kêu gọi tẩy chay sản phẩm của nam ca sĩ vốn được đông đảo bạn trẻ Việt Nam yêu mến này. 

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã nắm được thông tin phản ánh về nội dung MV mới của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP. 

Sau khi thẩm định nội dung, phía Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nền tảng xuyên biên giới gỡ ngay tức khắc MV này vì gây tác động xấu tới giới trẻ, nhất là trong bối cảnh một số bạn trẻ có vấn đề về tâm lý hiện nay.

Trước làn sóng phản ứng gay gắt từ khán giả và truyền thông, tối 29/4, Sơn Tùng M-TP đã gửi lời xin lỗi, chủ động ngưng phát hành MV "There's no one at all".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm