Việt Nam thân thương:

Từ phòng văn một người Hà Nội

(Dân trí) - Ngày đó, để không bị định kiến, những nàng thơ khoa Văn của chúng tôi cất những chiếc áo dài trong ngăn tủ, đến lớp với chiếc áo bà ba giản dị. Nhưng cô giáo đầu tiên đến từ Hà Nội lại xuất hiện ở giảng đường với chiếc áo dài cổ cao nền nã.

Chân dung nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm


Chân dung nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm
Đó là căn hộ trên tầng ba một chung cư mới xây ở khu Thái Hà, quận Ba Đình. Đường Láng Hạ là một trục giao thông chính của Hà Nội, lúc nào cũng ầm ào xe cộ, nhưng đi vào con hẻm bên cạnh Viện Triết học là một không gian tĩnh lặng, thoáng đãng.

Từ khi cô Lê Hồng Sâm chuyển về nơi này, đây là lần đầu tiên tôi đến thăm cô. Nhiều năm đã lâu, khi cô còn ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, một dạng chung cư đơn điệu thời bao cấp, mỗi lần đến thăm cô, chúng tôi luôn ấn tượng về một căn hộ bài trí lịch thiệp bởi bàn tay phụ nữ Hà Nội nền nếp. Kiến trúc hiện đại của căn nhà mới hôm nay càng hài hoà với nội thất trang nhã biểu hiện tâm hồn thanh cao của một nữ sĩ thời hiện đại giữa Hà thành đang thay đổi.

Đã hơn một phần ba thế kỷ từ ngày chúng tôi học những bài giảng về văn học Pháp với cô Lê Hồng Sâm. Hồi đó chương trình đào tạo sinh viên Sài Gòn ngay sau năm 1975 dành phần lớn thời gian cho văn chương cách mạng. Cô Lê Hồng Sâm là một trong ít giảng viên giới thiệu tinh hoa văn học thế giới, đã tâm phục chúng tôi ngay từ giờ giảng đầu tiên, không những bằng nội dung khoa học mà còn bằng giọng nói và phong thái sư phạm. Ngày đó, để không bị định kiến, những nàng thơ Văn khoa của chúng tôi cất kỹ những chiếc áo dài trong ngăn tủ, đến lớp với chiếc áo bà ba giản dị. Nhưng cô giáo đầu tiên đến từ Hà Nội lại xuất hiện ở giảng đường với chiếc áo dài cổ cao nền nã. Nhiều năm sau này, nhớ đến những ngày ấy, tôi vẫn thầm biết ơn cô Lê Hồng Sâm.

Một năm sau, khi ra học tiếp ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi gặp lại cô Lê Hồng Sâm ở Khoa Văn với chiếc áo sơ mi trắng bình dị như nhiều phụ nữ trí thức miền Bắc thời đó. Chỉ có giọng nói dịu dàng và ấm áp của cô thì không lẫn vào đâu được. Hai năm ở Hà Nội, đối với chúng tôi, cô là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp chúng tôi giữ được niềm say mê với văn học giữa những biến đổi của thời thế.

Hồi đó chúng tôi không ngờ cô là một học sinh trường nữ học Đồng Khánh, Hà Nội, đã đi kháng chiến và trong gian khổ của cuộc kháng chiến, vẫn tìm cho mình thời gian để tìm hiểu tinh hoa văn học Pháp qua những tác phẩm của V. Hugo, H. de Balzac, Stendhal… Nếu văn chương là bản mệnh đeo đuổi một đời người, thì nó sẽ gõ cửa số phận không chỉ một lần, bởi nó tin rằng người được gọi sẽ góp phần làm nên công tích. Lê Hồng Sâm là một người được gọi trên con đường văn học cần đến những người tài năng và kiên trì. Tiếp xúc với những tư liệu được cập nhật, so với nhiều công trình về khoa học nhân văn, những cuốn sách của cô không hề lỗi nhịp. 

30 năm trước, từ khi cô bước chân đến Paris, đặt những mối giao hảo sâu rộng với trí thức đại học Pháp, những đóng góp của cô cho giao lưu văn hoá Việt Pháp ngày càng đi vào chiều sâu. Cô cùng giáo sư Nicole Mozet đồng chủ trì việc hợp tác dịch thuật bộ tiểu thuyết Tấn trò đời, cùng giáo sư Đỗ Đức Hiểu đồng chủ biên bộ Lịch sử văn học Pháp. Không chỉ là nhà Balzac học, thành viên Hiệp hội quốc tế nghiên cứu Balzac, cô còn là dịch giả uy tín của nhiều tác phẩm cổ điển lẫn hiện đại của những tac gia nổi tiếng: J.-J. Rousseau, Stendhal, G. Flaubert, G. de Maupassant, M. Duras, G. Bernanos, M. Bataille, P. Bourdieu, M. Lévy, P. Combescot, A. Compagnon, Đới Tư Kiệt, Sơn Táp… Đồng nghiệp và học trò của cô đều cảm thấy chung niềm hạnh phúc khi cô nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp và Giải thưởng Phan Châu Trinh.

Trong buổi sáng đẹp trời Hà Nội, ngồi nghe cô Lê Hồng Sâm nhắc lại những kỷ niệm thời dạy học cùng những dự định nghiên cứu và dịch thuật những năm sắp tới, tôi cảm nhận là cô đã tạo được cho mình một thế giới cần thiết cho người làm văn. Sống bên cạnh gia đình người con gái duy nhất, nhưng cô có một không gian riêng ở căn hộ tầng trên. Ở tuổi cô, xa lánh những việc vô bổ để không phí sức không có nghĩa là khước từ sự kết nối với thế giới bên ngoài. Có lần cô bảo: “Để giữ sự cân bằng, thanh thản, để tự bảo vệ trước thực tại có lúc khắc nghiệt, mỗi người cần vun trồng cho mình một “ốc đảo” tươi xanh gồm những người mình yêu thương trong gia đình, bè bạn, những người có cùng bậc thang giá trị như mình. Bên cạnh đó rất cần một khoảng hẹp, một hứng thú riêng, với người này có thể là chăm cây cảnh, người kia là sưu tầm, còn với người làm khoa học là lĩnh vực chuyên môn”.

Qua tuổi 80, cô Lê Hồng Sâm có thể nghỉ ngơi trong “tháp ngà” của mình, như chữ cô dùng của G. Flaubert. Nhưng “tháp ngà” của cô lại chính là thế giới văn học, mà nói theo Flaubert, “dù có ở tháp ngà thì theo quy luật trọng lượng, những chiếc đanh ủng của người nghệ sĩ vẫn kéo anh ta về phía mặt đất”. Huống chi thế giới văn học của cô luôn có những sợi dây thần kinh trần tiếp xúc với cuộc đời mà không ai lẩn tránh được.

Bên trong nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm có một nhà sư phạm mẫu mực kết hợp với một nhà nghiên cứu mang phong cách nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà cô tâm đắc với triết lý giáo dục của J.-J. Rousseau trong Émile hay là về giáo dục, xem đứa trẻ là chủ thể của xã hội mà gia đình cần phải tôn trọng thay vì nuông chiều và sứ mạng của giáo dục là đào tạo nên những con người nhân hậu trước khi nên những con người giỏi giang. Nhà khoa học đề cao nữ quyền đó cũng là người đầy nữ tính trong cuộc sống thường nhật và trong văn phong.

Trước khi chia tay, cô Lê Hồng Sâm đưa tôi lên thăm vườn hoa nhỏ của cô trên sân thượng, từ đây có thể nhìn thấy Hà Nội nhộn nhịp bên dưới nhưng tiếng lao xao của nó thì chỉ văng vẳng bên tai. Bên những bông hoa dịu dàng trong nắng trưa, bỗng dưng cô hỏi thăm về một người học trò cũ và mối tình thời sinh viên của chị ấy với một người đàn ông Hà Nội. Tôi kể là sau khi tốt nghiệp, chị ấy đã về miền Nam lấy chồng, vừa rồi làm đám cưới cho con gái và mới nhận quyết định nghỉ hưu. Cô mở tròn mắt, ngạc nhiên: Thời gian đi nhanh thế hả em, mới ngày nào… Vâng, thời gian đi nhanh thật, thưa Cô. Nhưng con người cũng có cách khắc phục thời gian. Bằng niềm say mê trong lao động sáng tạo. Như Cô vẫn đang miệt mài trên từng trang viết.
 

Mọi bài viết dự thi cuộc thi Việt Nam thân thương xin gửi về địa chỉ email: Vietnamthanthuong.firstnews@gmail.com

Xin trân trọng cảm ơn!

  Huỳnh Như Phương