Từ những công trình của Gaudi ở Catalan nhớ nghệ thuật khảm sành sứ xứ Huế

(Dân trí) - Đến Barcelona cùng với Sân vận động Nou Camp - thánh đường của CLB Bóng đá hàng đầu thế giới Barcelona thì điều thu hút đối với hàng triệu du khách là các công trình kiến trúc của KTS. Antoni Gaudi - tác giả có tới 7 công trình được UNESCO công nhận Di sản Văn hoá thế giới.

7 công trình đó là: Tòa nhà Casa Vincens, nhà thờ Sagrada Familia, công viên Parc Guell, ngôi nhà Casa Batllo, tòa nhà Casa Mila, Tòa nhà Bellesguard, hầm mộ nhà thờ Colonia Guell.

May mắn cho tôi, khi đến Barcelona thuê được một phòng trọ ngay sát vườn hoa của nhà thờ Sagrada Familia. Ngôi nhà thờ đã xây dựng trên 100 năm vẫn chưa hoàn thành. Từ xa, nhà thờ nổi bật lên với 18 ngọn tháp hình con suốt quay tơ, các tháp từ thấp đến cao tượng trưng cho 12 vị tông đồ, 4 vị thánh sử chép Phúc âm, Đức Mẹ và ngọn tháp cao nhất là Chúa Giêsu.

Tác giả khám phá ngôi nhà thờ xây 100 năm vẫn chưa xong.
Tác giả khám phá ngôi nhà thờ xây 100 năm vẫn chưa xong.

Tháp chúa Giêsu cao tới 170 mét, trên ngọn tháp có một cây thánh giá lớn. Mong muốn của Gaudi là công trình của ông sẽ là ngôi thánh đường với ngọn tháp cao nhất thế giới.

Dẫu có phải xếp hàng rồng rắn để mua vé, rồi lại xếp hàng kiểm tra an ninh và vào cửa nhưng những ai đã đến đây không thể không vào bên trong nhà thờ để được chiêm ngưỡng những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật tinh xảo, kể về cuộc đời của Đức Chúa Giê -su mà không giống với bất kỳ ngôi nhà thờ ở bất cứ đâu.

Theo dự kiến đến năm 2026, kỷ niệm 100 năm ngày mất của Gaudi thì Nhà thờ sẽ xây dưng hoàn tất, lúc ấy sẽ có một buổi lễ với khoảng 8.000 người tham dự, 7.000 tín đồ sẽ có mặt tại tầng dưới và 1.000 tín đồ sẽ ở các tầng trên.

Cùng với nhà thờ Sagrada Familia, chúng tôi cũng đã đến ngôi nhà "không giống ai" ngay ở Trung tâm thành phố - ngôi nhà Casa Batllo - Cấu trúc ngôi nhà được biệt danh Casa dels Ossos - Ngôi nhà của những khúc xương, của những cái đầu lâu.

Điểm nổi bật nơi đây là các kiến trúc sư không sử dụng bất cứ một đường thẳng nào trong thiết kế của mình. Vé vào tham quan ngôi nhà không rẻ , tính ra cũng phải mất hơn 400.000 VND. Vào xem ngôi nhà này, tôi lại nhớ đến hơn 20 năm trước vào Đà Lạt đã trèo lên ngôi nhà hình cây của nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Ngôi nhà điên, ngôi nhà xộc xêch hay biệt thự Hằng Nga... có cái dáng dấp đi tìm cái lạ mà Gaudi đã từng đi.

Chất men Gaudi đã thấm, kích thích chúng tôi trèo lên đỉnh núi cao để đến công viên Guell là một trong những công viên nổi tiếng nhất ở Barcelona.

Công viên Guell với nghệ thuật khảm sành sứ rất đặc trưng.
Công viên Guell với nghệ thuật khảm sành sứ rất đặc trưng.

Lúc đầu khu vực này được xây dựng với mục đích làm khu nhà ở cho những người giàu có và kiến trúc sư Antoni Gaudi là người thưc hiện dự án này. Nhưng rồi nhà xây nên không bán được, Gaudi cuối cùng đã mua một trong những ngôi nhà cho gia đình ông. Năm 1922, khu vực này được mở như một công viên công cộng.

Các bức tường, tòa nhà kì lạ được chạm khắc và ốp đá màu tinh xảo.
Các bức tường, tòa nhà kì lạ được chạm khắc và ốp đá màu tinh xảo.

Lối vào công viên được ốp đá màu sặc sỡ với những đài phun nước có hình rồng. Các bức tường, tòa nhà kì lạ được chạm khắc và ốp đá màu tinh xảo. Từ trên triền núi nhìn xuống, du khách sẽ thấy sự kì diệu của sàn đất lát đá mosaic.

Mosaic là một nghệ thuật có từ hàng ngàn năm trước, biết bao công trình đền đài, cung điện của các nền văn minh Hy Lạp và La Mã đã mang dấu ấn Mosaic, nhưng với những gì mà Gaudi thể hiện trong các công trình được UNESCO tôn vinh thì nghệ thuật Mosaic đã làm sông lại một thời vàng son của nghệ thuật này.

Càng chìm đắm trong những tác phẩm của Gaudi, tôi càng xốn xang nhớ Huế đến lạ kỳ.


Đây là Cuốn thư (bình phong) gia đình đã có trên 100 năm ở Đồng Hới Quảng Bình

Đây là Cuốn thư (bình phong) gia đình đã có trên 100 năm ở Đồng Hới Quảng Bình

Quê tôi ở miền Trung, thuở nhỏ tôi đã theo chân các bác thợ đi xây các lăng miếu, chùa chiền. Trong khám thờ là các tranh Phúc Lộc Thọ, Tranh tứ quý Mai, Lan, Cúc, Trúc, trên mái chùa mái đình là lưỡng long chầu nguyết. Dao, Rồng tuỳ tính chất công trình mà tạo thế tạo hình. Các trụ đình chùa là tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng... Bình phong, cỗng lăng là voi chầu, ngựa phục...

Từ những công trình của Gaudi ở Catalan nhớ nghệ thuật khảm sành sứ xứ Huế - 5

Trên vách các nhà thờ, nhà họ là các tranh nhị thập tứ hiếu, bát tiên quá hải...

Tất cả các tranh đó đều đươc thợ cắt các mảnh vỡ của bát đĩa, bình hoa lắp ghép một cách tài tình. Các bác tôi kể, thời trước nữa, bậc ông tôi nhiều thợ giỏi đã đươc gọi vào Kinh thành Huế để tu bổ và xây dựng lăng tẩm.

Những vị thợ giỏi có tài ghép sành sứ cũng được tôn vinh phong tặng danh hiệu như miễn sai, miễn rao, cửu phẩm, bát phẩm… tài năng nghệ thuật cũng được công nhận như những người đi hoc đi thi vậy.

Làng Kim Bồng - Quảng Nam hiện có vài trăm thợ nề, nhiều người có tay nghề cao đắp vẽ, trang trí nội thất. Ngày xưa thợ trong làng từng được mời về kinh đô xây dựng, trang trí cung điện, lăng tẩm. Tên tuổi một số nghệ nhân còn lưu truyền cho đến ngày nay như: Cửu Im, Mục Khoa, Mục Đào, Mục Tượng...

Từ những công trình của Gaudi ở Catalan nhớ nghệ thuật khảm sành sứ xứ Huế - 6

Ở Huế, đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ theo phong cách cung đình được thể hiện rõ nét ở quần thể lăng vua Khải Định. Toàn bộ phần tẩm mộ của vua đều được trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Khi vào lăng, ta sẽ không có cảm giác âm u tại lăng mộ mà thay vào đó là cảm giác choáng ngợp vì độ bề thế của công trình.

Và qua các công trình nghiên cứu của các học giả Pháp còn khẳng định nghệ thuật khảm sành sứ đã phát triển khá cao và mang đặc thù dân tộc ở Lăng Kiên Thái Vương.

Trên tạp chí Mỹ thuật, tác giả Phan Thanh Bình đã nêu bật sự khác nhau giữa nghệ thuật Khảm sành sứ từ Lăng Kiên Thái Vương với Lăng Khải Định:

Công trình khảm với kỹ thuật điêu luyện ở Lăng Khải Định.
Công trình khảm với kỹ thuật điêu luyện ở Lăng Khải Định.

Khi nói đến khảm sứ trong mỹ thuật Cung đình thời Nguyễn, hầu hết mọi người liên tưởng trước hết là lăng Khải Định với toàn bộ nội thất được khảm sứ, thuỷ tinh màu lộng lẫy, hoành tráng. Tuy nhiên ở ngoại thất lăng Khải Định chỉ sử dụng chất liệu đắp nổi nề hoạ chứ không có sứ khảm. Khác với lăng Khải Định, hầu hết mặt tiền và diện ngoài, trong của bửu thành, bình phong chính, cổng, trụ cột, các tượng Lân, Rồng, lăng Kiên Thái Vương đều được khảm sứ.

Cận cảnh bức khảm Lưỡng long chầu nguyệt trên miếu thờ trong các làng xã.
Cận cảnh bức khảm Lưỡng long chầu nguyệt trên miếu thờ trong các làng xã.

Nếu xét về lịch sử thì lăng Kiên Thái Vương là lăng có khảm sứ màu sớm nhất trong hệ thống các lăng của vua, chúa và các Hoàng thân. Đứng giữa không gian của núi đồi, trong khu rừng thông rậm rì quanh năm và những sườn đồi cỏ xanh phủ kín, ta mới thấy hết vẻ đẹp và sự trang nhã của khảm sứ tại lăng Kiên Thái Vương.

Như vậy, cùng thời ký khi ở bên kia bờ Địa trung hải Gaudi thực hiên các con rồng, các hoa văn bằng sành sứ thì bên này ở Kinh thành Việt Nam nhiều lớp thợ, nhiều nghệ nhân Việt Nam không chỉ trổ tài hoàn thành những công trình lăng tẩm cho các vị vua cuối triều Nguyễn mà còn dùng nghệ thuật khảm sành sứ ở nhiều chùa chiền, lăng miếu khắp các vùng quê.

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, bão lũ nắng hạn liên miên cùng đó là hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, tiêu thổ kháng chiến… nhưng những gì còn lại hôm nay, nếu ta biết gom nhặt để làm sáng lên những tác phẩm của biết bao nghệ nhân có tên và không tên để lại, chắc chắn thế giới sẽ có một cách đánh giá chuẩn mực. Và lúc ấy chắc chắn hàng triệu du khách sẽ tìm đến như hôm nay chúng ta đang xếp hàng để vào thăm các công trình của GAUDi tại xứ Catalan vậy.

Nguyễn Lương Phán