Từ lùm xùm “ăn burger bằng đũa”, nghĩ về cách ứng xử văn hóa

(Dân trí) - Để quảng cáo cho món bánh “burger” sử dụng tương ớt Việt Nam, một hãng đồ ăn nhanh đã làm clip quảng cáo người phương Tây vất vả dùng đũa ăn “burger”. Ngay lập tức, clip bị cộng đồng mạng chỉ trích, khiến đại diện hãng phải lên tiếng xin lỗi.

Những lùm xùm kiểu “người Tây ăn burger bằng đũa”, “người Á ăn pizza bằng đũa”…

Mới đây, một thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới có xuất xứ từ Mỹ đã gặp phải một sự cố liên quan tới vấn đề văn hóa, họ phải lĩnh nhận sự giận dữ của công chúng tại nhiều quốc gia, tất cả vì một đoạn clip quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội, quảng bá cho món “burger” (bánh mì kẹp) có sử dụng tương ớt Việt Nam.

Tên đầy đủ của món bánh này là “Vietnamese Sweet Chilli Tendercrisp”. Đoạn clip đã đưa vào hình ảnh những người phương Tây vất vả ăn “burger” bằng đũa.

Từ lùm xùm “ăn burger bằng đũa”, nghĩ về cách ứng xử văn hóa - 1

Ảnh minh họa cho quảng cáo của hãng đồ ăn nhanh

Nhìn cách ăn cũng như sự khó khăn khi ăn của những người xuất hiện trong clip “ăn burger bằng đũa”, người ta có thể hiểu rằng ý tưởng ban đầu của clip này là hướng tới sự hài hước.

Quảng cáo này thực tế được tiến hành bởi chuỗi cửa hàng của hãng nằm ở New Zealand. Ngay sau khi gặp phải phản ứng, đoạn clip đã bị xóa đi khỏi tài khoản chính thức của chuỗi nhà hàng. Những người phản ứng đầu tiên với clip quảng cáo này chính là những cư dân mạng gốc Á tại New Zealand.

Cộng đồng mạng lên tiếng rằng những kiểu quảng cáo thế này không có gì vui vẻ, thú vị cả. Điểm nhạy cảm trong clip này chính là đôi đũa đặc trưng trong phong cách ăn uống của người Á Đông, ở đây, đôi đũa đã bị đem ra làm trò đùa hài tếu.

Ai cũng biết người phương Tây rất khó khăn khi học cách sử dụng đũa của người phương Đông khi ăn uống, nhưng đó là sự khác biệt của đời sống văn hóa và không nên lấy ra để làm trò đùa.

Những quan niệm văn hóa văn minh hiện đại bây giờ luôn đề cao việc tôn trọng những sự khác biệt văn hóa.

Từ lùm xùm “ăn burger bằng đũa”, nghĩ về cách ứng xử văn hóa - 2

Ảnh minh họa cho quảng cáo của hãng đồ ăn nhanh

Việc tận dụng một nét khác biệt văn hóa để đem ra làm trò đùa, tìm kiếm sự hài hước là điều ngày càng không được chấp nhận trong đời sống xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với quảng cáo “ăn burger bằng đũa” mới đây, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ rằng dù họ rất thích những món ăn mang phong cách Á, nhưng họ sẽ cân nhắc lại việc tới dùng đồ ở chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh kia.

Sau sự việc này, trưởng phòng marketing của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đặt tại New Zealand đã chính thức lên tiếng xin lỗi trên tờ New Zealand Herald: “Chúng tôi thực sự xin lỗi vì quảng cáo này đã thiếu nhạy cảm đối với công chúng”.

Sau đó, đại diện của hãng tại trụ sở chính đặt ở Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm: “Clip quảng cáo này là thiếu nhạy cảm và không phản ánh những giá trị mà chúng tôi đề cao. Chúng tôi đã yêu cầu hãng tại New Zealand xóa bỏ ngay quảng cáo này”.

Và thực tế, câu chuyện này không phải mới lần đầu xảy ra, ngay như hồi tháng 1 năm nay, một thương hiệu thời trang đình đám của Ý cũng đã bị cư dân mạng thế giới chỉ trích nặng nề vì một quảng cáo tương tự. Trong clip quảng cáo của nhà mốt khi ấy, một người mẫu Trung Quốc đã vất vả ăn pizza, spaghetti, bánh cannoli (các món ẩm thực nổi tiếng của Ý)... bằng đũa.

Từ lùm xùm “ăn burger bằng đũa”, nghĩ về cách ứng xử văn hóa - 3

Ảnh minh họa cho quảng cáo của nhà mốt

Về sau, cả phía nhà mốt và người mẫu đều lên tiếng xin lỗi. Người mẫu xin lỗi vì đã xuất hiện trong đoạn quảng cáo thiếu tính nhạy cảm, còn những người sáng lập ra nhà mốt thì xin lỗi vì đã không thấu hiểu việc tôn trọng sự khác biệt văn hóa.

Không chỉ các thương hiệu nổi tiếng thế giới mà các ngôi sao quốc tế cũng thường trở thành tâm điểm của những câu chuyện ứng xử văn hóa dạng này, khi họ sử dụng những kiểu tóc, trang phục của người dân ở quốc gia khác, nhưng sai bối cảnh vì không thực sự hiểu về ý nghĩa của phong cách mà mình đang sử dụng.

Quan niệm văn hóa đương đại đề cao ứng xử văn hóa trước sự khác biệt

Gần đây, truyền thông và công chúng phương Tây thường xuyên đề cập tới cụm từ “cultural appropriation”, thậm chí có cả trang Wikipedia giải thích “ngọn ngành” về khái niệm này. Đây cũng chính là bản chất đằng sau những câu chuyện lùm xùm kiểu “người Tây ăn burger bằng đũa” hay “người Á ăn pizza bằng đũa” gây lùm xùm đầu năm 2019.

“Cultural appropriation” (tạm dụng: lạm dụng văn hóa) là khi việc một nét văn hóa nào đó của một cộng đồng, một nền văn hóa được đem sử dụng ở một cộng đồng, một nền văn hóa khác nhưng bị sai về bối cảnh, cách thức… Khi ấy, hành động “đi mượn nét văn hóa” dễ trở thành thiếu tôn trọng nét văn hóa ấy.

Từ lùm xùm “ăn burger bằng đũa”, nghĩ về cách ứng xử văn hóa - 4

Từ điển tiếng Anh Oxford - cuốn từ điển uy tín hàng đầu cho ngôn ngữ Anh - đã bắt đầu đưa cụm từ này vào giải nghĩa từ năm 2017. Theo đó, “cultural appropriation” là việc “ứng dụng mà không hiểu thấu đáo hoặc ứng dụng không phù hợp những tập tục, thói quen, ý tưởng... của một người hay một cộng đồng bởi những người của một cộng đồng khác”.

Như vậy, về cơ bản, khi một cá nhân hay tổ chức đi mượn một nét văn hóa không thuộc về nền văn hóa bản địa của mình... thì cần có sự cân nhắc chu đáo để ứng xử tinh tế.

Bích Ngọc
Theo The Guardian/Washington Post