Truyện tranh Việt Nam khiến báo Trung Quốc e ngại

Tập 1 bộ truyện tranh “Hoàng Sa, Trường Sa - khẳng định chủ quyền” của Cty Phan Thị được báo chí Trung Quốc mổ xẻ khá nhiều, thể hiện rằng bộ truyện là hướng đi đúng và đang khiến báo chí Trung Quốc lo ngại.

Theo Cty Phan Thị, ngoài thông tin quanh việc Việt Nam ra mắt bộ truyện tranh đầu tiên về biển đảo, một số tờ báo Trung Quốc cũng phản bác thông điệp của bộ truyện tranh này. Một số bài viết đã giật tít: “Truyện tranh Việt Nam ngang nhiên nhận biển Đông của Trung Quốc là của mình”, “Truyện tranh “Hoàng Sa và Trường Sa” của Việt Nam cho trẻ biết biển Đông không thuộc về Trung Quốc”, “Việt Nam dùng “Thần đồng Đất Việt” để gây hấn vấn đề chủ quyền Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc”, “Bắc Kinh phẫn nộ: Truyện tranh Việt Nam ngang nhiên cho rằng biển Đông của Trung Quốc là của riêng họ”.

Tập 1 “Hoàng Sa, Trường Sa - khẳng định chủ quyền”.

Tập 1 “Hoàng Sa, Trường Sa - khẳng định chủ quyền”.

Một bộ truyện tranh vừa mới ra mắt tập đầu mà đã được lên báo ngoài nước như thế quả là một hiện tượng truyền thông. Bởi những gì viết cho thiếu nhi - thế hệ tương lai của đất nước tưởng là nhỏ, nhưng sức mạnh và sự ảnh hưởng của nó thì lại sâu rộng khôn cùng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã - người cố vấn và hiệu đính cho bộ truyện tranh này, “Truyện tranh về Hoàng Sa, Trường Sa” sẽ là bước khởi đầu cho phương thức truyền bá thông điệp yêu nước, kiến thức về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ thật gần gũi, đơn giản, nhưng không kém phần sâu sắc”.

Bộ truyện tranh dự kiến gồm 10 tập. Các tập tiếp theo lần lượt đề cập các vấn đề liên quan đến lãnh thổ An Nam, hành trình khám phá những hòn đảo Hoàng Sa - hay quần đảo Paracels - huyền bí trong mắt các học giả Tây phương. Điều thú vị là từ đề tài tưởng khó viết này, các nhà làm sách đã phải bỏ ra một năm để lồng vào cốt truyện thiếu nhi, cho trẻ con thấy hấp dẫn để theo dõi mạch truyện. Theo đó, Công chúa Phương Thìn là người dẫn truyện, đưa các nhân vật quen thuộc của Thần đồng đất Việt như Tý, Mẹo, Sửu, Dần vào thế giới màu sắc của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thông qua thư viện của các vị quan chép sử.

Qua bộ truyện tranh này, Cty Phan Thị muốn truyền bá kiến thức chủ quyền biển đảo, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ lãnh thổ, để các em hiểu thêm về lịch sử nước nhà, ra sức bảo vệ và khẳng định chủ quyền đất nước.

Xem ra, bộ truyện này không còn là truyện tranh cho thiếu nhi mà còn liên quan đến vấn đề của cả quốc gia, của vấn đề biển đảo quốc tế. Chính vì thế, bộ truyện được báo chí nước ngoài nhắc tới - dù là phản bác đi chăng nữa - thì đó cũng là một tín hiệu cho thấy đã thành công bước đầu: Công cuộc đấu tranh đòi công nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của VN tuy còn dài, nhưng với chứng cứ, tài liệu rõ ràng, với từng bước, từng việc làm cụ thể, trên nhiều phương diện, sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Theo Minh Thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm