Truyền hình thực tế liệu có… thực tế?
(Dân trí) - Truyền hình thực tế hiện đang thống trị cách làm truyền hình giải trí trên khắp thế giới. Chưa bao giờ sức hấp dẫn và cả sự tranh cãi xoay quanh các chương trình truyền hình thực tế được đẩy lên cao như hiện nay. Vậy truyền hình thực tế… “thực tế” đến mức nào?
Mô-típ chung của nhiều chương trình truyền hình thực tế được sản xuất ở nhiều quốc gia, đó là các chiêu trò gây sốc liên tục xuất hiện, sau đó, được đề cập, phân tích, mổ xẻ lại trên các trang tin giải trí, từ đó, công chúng có “dư thừa” đề tài để bình luận. Dường như chiêu trò đã trở thành một phần không thể thiếu của nhiều show truyền hình thực tế.
Những chi tiết lùm xùm tranh cãi bên lề các show truyền hình thực tế xuất hiện nhiều đến mức đã trở thành quen thuộc “không thể thiếu”, nếu thiếu sẽ “nhàm”. Những câu chuyện bên lề xoay quanh các nhân vật tham gia chương trình, xoay quanh ban giám khảo nhiều khi còn hấp dẫn hơn cả nội dung chính.
Vậy thực sự truyền hình thực tế… “thực tế” đến mức nào? Tờ tạp chí gia đình Reader’s Digest (Mỹ) đã tiếp cận những người trong cuộc, những người từng tham gia sản xuất hoặc tham gia thi thố tại các show truyền hình thực tế để tổng kết lại những “thực tế” sau:
Truyền hình thực tế hóa ra… không hoàn toàn “thực tế”: Các show truyền hình thực tế không có kịch bản chi tiết, thường chỉ có khung chương trình, với những ý tưởng cơ bản về cách tạo nội dung, còn lại mọi sự diễn ra khó lường trong suốt tiến trình cuộc thi (hoặc cuộc chơi). Không ai biết trước kết thúc của một show truyền hình thực tế.
Đó chính là điều làm nên sức hấp dẫn của những show dạng này. Dù vậy, nội dung của truyền hình thực tế không phải không có sự can thiệp, định hướng.
Mỗi show truyền hình thực tế vẫn có một đội ngũ những người “tạo nội dung”. Tùy thuộc vào tình huống phát sinh, những người này sẽ biên tập lại các tình huống để tạo nên những câu chuyện hấp dẫn nhất có thể cho chương trình. Dựa trên những gì có sẵn, họ biên tập lại nội dung, về cơ bản, họ giống như những… biên kịch.
Qua bàn tay nhào nặn của nhóm này, từ nội dung thô ban đầu, những tình tiết hấp dẫn nhất sẽ được cắt xén, dàn dựng, sao cho gọn ghẽ, hợp lý. Những tình huống gay cấn, những câu chuyện xung đột, gia vị bên lề chương trình… mà người xem được thấy trên màn ảnh, chính là nhờ cách xây dựng nội dung của nhóm này.
Truyền hình thực tế là đỉnh cao của sự nhào nặn: Đối với những chương trình gắn mác truyền hình thực tế, nhưng không (hoặc chưa tới phần) truyền hình trực tiếp, sự can thiệp nội dung càng lớn. Lúc này, ê-kíp sản xuất hoàn toàn có ghể cắt ghép, biên tập lại các cảnh tách rời để tạo thành một đoạn liền mạch.
Nhiều khi, sự can thiệp ấy có thể làm thay đổi một tình huống theo ý tưởng dàn dựng của nhóm tạo nội dung. Những câu nói được sắp xếp lại thứ tự, cắt xén câu từ, khiến mỗi nhân vật lúc này không còn thể hiện đúng suy nghĩ và cá tính của họ nữa, mà đã chịu sự can thiệp, tô vẽ của ê-kíp dàn dựng.
Truyền hình thực tế thay đổi hoàn toàn cá tính nhân vật: Những yêu ghét mà bạn dành cho một nhân vật trong một show truyền hình thực tế có thể không chính xác, bởi nhân vật không thực sự đáng mến hoặc đáng ghét như bạn thấy trên truyền hình.
Cần phải nhắc lại rằng những tình huống gay cấn, xung đột, những đối thoại trong một show truyền hình thực tế hoàn toàn có thể chịu sự can thiệp, cắt xén, dàn dựng của ê-kíp sản xuất, tất cả nhằm mục đích giúp chương trình trở nên hấp dẫn nhất có thể.
Điều này đồng nghĩa với việc một nhân vật có thể không quá lý tưởng hoặc không quá phản cảm như cách khắc họa trong show. Việc “tô hồng” hoặc “bôi đen” này nhằm thôi thúc những tình cảm yêu - ghét, những đánh giá, bình luận đến từ phía người xem.
Sẽ thật tuyệt vời khi một nhân vật may mắn được ê-kíp dàn dựng “tô hồng”, nhưng đối với những nhân vật bị “bôi đen”, nhiều khi chính khổ chủ cũng sẽ ngỡ ngàng trước cách khắc họa hình ảnh bản thân qua bàn tay nhào nặn của ê-kíp dàn dựng.
Cảnh nào giữ lại, câu nào cắt đi, đó chính là cách mà ê-kíp dàn dựng được quyền định đoạt đối với hình ảnh các nhân vật. Đôi khi, nhân vật bị “bôi đen” cũng được ê-kíp làm tâm lý trước, để cả hai phía có sự hợp tác, nhằm đẩy các tình huống xung đột lên tới cao trào, đỉnh điểm, để ý tưởng của ê-kíp được “làm tới”.
Một khi ê-kíp đã “lật bài ngửa”, đòi hỏi một nhân vật phải chấp nhận bị “bôi đen”, nhân vật đó có hai lựa chọn, hoặc làm theo và sẽ tiếp tục tiến sâu, hoặc không làm theo và sẽ sớm bị loại. Đó chính là cái giá mà những người tham gia show truyền hình thực tế phải chấp nhận.
Truyền hình thực tế thích thâm nhập nội tâm nhân vật: Đơn giản bởi nhà sản xuất hiểu rằng đa phần người xem cũng đều thích thú việc “đi guốc trong bụng” người khác. Vì vậy, họ thường xuyên cho thực hiện những cuộc phỏng vấn để người chơi nói lên suy nghĩ của mình về bản thân, về những người chơi khác, nếu có những bất đồng, ác cảm được nói thẳng ra, đó chính là kịch tính mà mà ê-kíp dàn dựng mong đợi.
Có điều, người xem thường chỉ thấy người chơi nói lên suy nghĩ của họ, còn những câu hỏi, cách đặt vấn đề của người phỏng vấn phía sau ống kính hoàn toàn bị cắt đi. Và đằng sau những cảnh bị cắt đi đó là những chiêu khích, những cách dẫn dụ để nhân vật nói ra điều gì đó “gay cấn”, tạo thêm kịch tính cho chương trình.
Truyền hình thực tế chỉ cho bạn thấy một lát cắt nhỏ: Mỗi tuần, khi một tập lên sóng, bạn được thấy 42 phút “truyền hình thực tế” và đó chỉ là 42 phút ngắn ngủi của suốt một tuần diễn biến. Đối với những dạng chương trình thực hiện ghi hình suốt tuần, sau đó ê-kíp dàn dựng cắt gọt lại để tạo thành một tập 42 phút lên sóng, sự can thiệp nội dung là vô cùng lớn.
Đối với những chương trình dạng này, hãy thử hình dung có khoảng một tá máy quay ghi hình các nhân vật 8 tiếng/ngày và ghi hình đủ 7 ngày/tuần, vậy là ê-kíp dàn dựng sẽ có ít nhất 600 giờ quay để cắt ghép thành một tập phát sóng vỏn vẹn… 42 phút.
Với thời lượng ghi hình “khủng” như vậy, các tình tiết là rất dồi dào, chỉ còn phụ thuộc vào sự nhào nặn của người tạo nội dung, họ có thể thỏa sức sáng tạo để bố cục lại các tình huống theo hướng hấp dẫn nhất có thể. Những gì người xem thấy trong 42 phút lên sóng chắc chắn chỉ là một lát cắt rất nhỏ của suốt một tuần ghi hình.
Truyền hình thực tế vẫn có những thế lực đứng sau: Trong các show truyền hình thực tế thi thố, người nắm quyền lực lớn nhất không phải ban giám khảo mà là nhà sản xuất chương trình. Khi ban giám khảo phải đưa ra quyết định giữ ai ở lại, để ai ra về, ý kiến đó không hoàn toàn là của họ, mà đã có sự tham gia “tư vấn”, tác động của nhà sản xuất.
Nhà sản xuất cũng chính là những người làm kinh doanh. Họ muốn chương trình phải ăn khách. Những thí sinh, những người chơi có nét hấp dẫn, có thể thu hút sự quan tâm của khán giả, thường sẽ có cơ hội đi sâu hơn, để tăng tính hấp dẫn cho chương trình.
Truyền hình thực tế thích những nhân vật có “tì vết”: Mấu chốt của một show truyền hình thực tế là sức hấp dẫn đối với người xem. Tỉ lệ người xem càng lúc càng trở thành yếu tố tiên quyết đối với các chương trình giải trí trên truyền hình.
Muốn tạo được sức hấp dẫn, chương trình cần có những thí sinh, những người chơi hấp dẫn. Sự hấp dẫn này có thể đến từ một câu chuyện đặc biệt về cuộc đời của thí sinh, một cá tính ấn tượng đủ sức tạo thêm kịch tính cho chương trình…
Nhìn chung, nếu muốn gia tăng khả năng được đi sâu trong các show truyền hình thực tế, ngoài yếu tố thực lực, còn phải chuẩn bị những “câu chuyện bên lề” đủ sức hấp dẫn để làm gia vị, giúp ê-kíp sản xuất “nuôi” chương trình.
Bích Ngọc
Tổng hợp