Truyền hình thực tế: Các “sao nhí” đã được bảo vệ đúng mức?

(Dân trí) - Bên cạnh việc tạo ra những sân chơi bổ ích nâng cánh tài năng nhí, thì cũng đã nảy sinh khá nhiều câu hỏi mà vấn đề cốt lõi là các “sao nhí” đã được bảo vệ đúng mức hay chưa?

Lạm phát khai thác trẻ em?! 

Trẻ em đang là gam màu mới lạ nổi bật trên nền bức tranh truyền hình thực tế. Công bằng mà nói, không thể phủ nhận được sức hấp dẫn, độ “hot” và hiệu ứng tích cực của chương trình truyền hình tạo nên những “sao nhí” này.

Trên thế giới, trẻ em cũng trở thành đối tượng thường xuyên được “săn đón” của các nhà sản xuất. Ở làng giải trí xứ Hàn, chung chủ đề về trẻ em với Appa Odiga (Bố ơi, mình đi đâu thế), “Superman Is Back” (Siêu nhân trở lại) cũng có tỉ suất người xem ngày càng tăng. Nội dung chính của Superman Is Back là quá trình chăm sóc con của các ông bố ngôi sao nổi tiếng. Đặc biệt, các bé đều là cặp sinh đôi hoặc thậm chí sinh ba. Hai ngày “vật lộn” trông con một mình, và những biểu cảm siêu đáng yêu của các bé đã “đốn tim” hàng triệu khán giả. Tại Việt Nam, người hâm mộ cực kỳ yêu thích cặp sinh ba nhà họ Song. Ba em bé siêu dễ thương của diễn viên Song Il Gook (được biết đến trong phim Truyền thuyết Ju-mong) có rất nhiều fanpage trên facebook với hàng chục nghìn lượt likes.

Truyền hình thực tế: Các “sao nhí” đã được bảo vệ đúng mức? - 1
Bộ ba Daehan-Minguk-Manse nhanh chóng trở thành biểu tượng “quốc dân” tại Hàn và hot không thua kém các sao nổi tiếng khác.
Bộ ba Daehan-Minguk-Manse nhanh chóng trở thành biểu tượng “quốc dân” tại Hàn và hot không thua kém các sao nổi tiếng khác.

Bộ ba Daehan-Minguk-Manse nhanh chóng trở thành biểu tượng “quốc dân” tại Hàn và hot không thua kém các sao nổi tiếng khác.

Ở Việt Nam, có thể kể đến sự thành công của chương trình truyền hình thực tế “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên với hiện tượng Phương Mỹ Chi. Với doanh thu “khủng” của mùa đầu tiên lên sóng tại Việt Nam, gần như sau khi đêm chung kết khép lại cũng là lúc nhà sản xuất vội vã bắt tay ngay vào thực hiện “Giọng hát Việt nhí” mùa thứ hai, mùa ba…

Một chương trình khác cũng tạo ra hiệu ứng rất tốt là “Đồ Rê Mí”. Tuy không tạo nên “hiện tượng” như “Giọng hát Việt nhí” nhưng cũng đủ để nhà sản xuất yên tâm thực hiện đến mùa thứ 9 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gần đây nhất “cơn sốt trong lòng khán giả Việt” là chương trình “Bố ơi! mình đi đâu thế?” Các cặp bố con nổi tiếng: nghệ sĩ hài Xuân Bắc- bé Bi; doanh nhân Minh Đỗ- bé Tốt-ti; diễn viên Mạnh Trường- bé Chíp, nhạc sĩ Minh Khang- bé Suti được mời tham gia những chuyến du lịch xa nhà trong hai ngày một đêm. Các ông bố vốn bận rộn công việc nay phải thay mẹ đảm đương trách nhiệm chăm sóc con. Vượt qua mọi sự vụng về lúc ban đầu, những người cha hành xử ngờ nghệch dần trở nên khéo léo, chu đáo và gần gũi với con hơn. Họ học hỏi ở nhau và tự điều chỉnh bản thân để quan hệ cha con ngày càng thân thiết.

Truyền hình thực tế: Các “sao nhí” đã được bảo vệ đúng mức? - 3
“Cặp đôi tình cảm Chíp- Tốt-ti” trong Bố ơi mình đi đâu thế khiến khán giả không thể rời mắt bởi sự hấp dẫn, đáng yêu của các bé.
“Cặp đôi tình cảm Chíp- Tốt-ti” trong Bố ơi mình đi đâu thế khiến khán giả không thể rời mắt bởi sự hấp dẫn, đáng yêu của các bé.

Dễ nhận thấy, dù sức hút của các chương trình ca hát chưa hề giảm nhiệt nhưng nhà sản xuất đã tranh thủ “đổi món” trong thực đơn giải trí truyền hình của trẻ với nhiều thể loại khác. Trào lưu nhân bản các chương trình tiếp tục nở rộ với “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Vũ điệu đam mê”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Vua đầu bếp”- Master Chef phiên bản nhí, “Vietnam’s got talent”- Tìm kiếm Tài năng Việt…  Vô vàn các chương trình ra đời, từa tựa, nhàn nhạt giống nhau, khán giả có khi chỉ nhớ tên thôi…cũng đủ mệt!

Cũng như các chương trình dành cho người lớn, đời tư thí sinh luôn là mồi ngon để các nhà sản xuất khai thác, coi đó như “gia vị” để tạo nên điều bất ngờ. Sự khai thác đời tư một cách thái quá đôi khi đẩy chương trình đi quá giới hạn, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không ai khác chính là trẻ em.

Khen hay chê thái quá đều có những hệ lụy không tốt đến trẻ

Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng- Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Theo bà Hồng, việc bỗng dưng được săn đón, được giới truyền thông chú ý kiến cuộc sống của các em bị đảo lộn. Việc nổi tiếng quá sớm khiến cho các “sao nhí” không hề cảm thấy thải mái. Nhiều cháu bé đã từng nói cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, từng bị mất ngủ cả đêm chỉ vì bị soi mặc cái quần giống của một ngôi sao nào đó.

Bà Ninh Thị Hồng- Ủy viên thường vụ thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Bà Ninh Thị Hồng- Ủy viên thường vụ thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Bà Ninh Thị Hồng chia sẻ: “Cường độ luyện tập ngày đêm, áp lực cuộc thi, điều tiếng dư luận… là những nỗi lo có thật tác động trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ. Do mức độ phủ sóng rộng khắp của các chương trình truyền hình khiến khán giả khi xem chương trình luôn dành tình cảm rất cá nhân cho các em. Họ bình luận, yêu ghét theo cảm tính của riêng mình. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường theo lứa tuổi, việc hình thành nhân cách các cháu”. Chuyên gia đã chỉ ra rằng, kể cả những lời khen hay chê thái quá đều có những hệ lụy không tốt đến trẻ. Bởi tâm lí của trẻ nhỏ chưa học được cách phân tích như người lớn về những lời khen chê. Đã có không ít lời khen đã tác dụng ngược khiến trẻ dễ nảy sinh bệnh ngôi sao, sa vào vòng xoáy tiền bạc, danh vọng.

Ở ngay trong chính chương trình của mình tham gia, trẻ em cũng chưa được tôn trọng về quyền lợi, tiếng nói cá nhân. Đa số các hoạt động của các bé đều thông qua gia đình (người giám hộ). Nhưng vấn đề đặt ra, người giám hộ thường là người thân, thầy cô, họ không phải là chuyên gia nên cũng không biết được mức độ nào là phù hợp với trẻ em để vừa đủ, vừa hiệu quả.

Bà Ninh Thị Hồng phân tích: “Trẻ em luôn ở thế thụ động trong các chương trình. Nhiều khi thấy các cháu tuổi thiếu nhi mà ăn mặc “khá kì quặc”, già quá, hoặc hở hang, gợi cảm quá, hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi. Đôi khi, đó không phải điều các cháu muốn mà chỉ vì phải thực hiện theo yêu cầu để phù hợp với chương trình. Hay một chương trình được quay đến 11- 12h đêm, các bé phải đợi để hát, để biểu diễn, những chương trình dài tập, quay trùng vào lịch học của các bé. Điều này cũng đã vi phạm quyền được học tập, nghỉ ngơi của các cháu”.

“Ở nước ngoài, họ có quy định rất chặt chẽ liên quan đến trẻ em làm việc trong ngành truyền thông. Các nhà sản xuất phải nêu ra những điều kiện cụ thể, kế hoạch rõ ràng cụ thể đưa tới bên thứ ba giám sát, nghiên cứu xem có phù hợp với khả năng, sức khỏe của các em hay không rồi mới quyết định kí kết. Tại Việt Nam, hầu như rất ít đơn vị làm được điều này. Việc thiếu bảo vệ pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới độ tuổi làm việc trên truyền hình đã tạo những kẽ hở trong việc vô tình làm các em đánh mất tuổi thơ”, bà Ninh Thị Hồng cho biết thêm.

Thạc sĩ Luật Trần Phương Thảo (Hội Bảo vệ quyền trẻ em) cho biết: “Cụ thể tại Điều 29 và Điều 35 của Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em cũng đã quy định về việc trẻ em khi xuất hiện và tham gia trong các chương trình truyền hình với tư cách là người chơi, người tham dự. Tuy nhiên điều này vẫn còn rất chung chung, chưa có hướng dẫn các tình huống cụ thể dẫn đến việc thi hành trên thực tế gặp khó khăn. Bản thân phía gia đình các em cũng khó hình dung được trách nhiệm của cơ quan chức năng để khi có sai phạm có thể bảo vệ quyền lợi cho con cái của họ”.

Đề xuất giải pháp, chị Thảo chia sẻ: “Cần có một khung pháp lý cụ thể về việc đảm bảo đời tư cá nhân, hình ảnh, thời gian làm việc đảm bảo sức khỏe của trẻ trên truyền hình. Những thỏa thuận giữa người giám hộ với nhà sản xuất phải đảm bảo đúng các nguyên tắc về công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đồng thời đưa ra biện pháp bảo vệ cụ thể hay nếu rõ mức phạt với các đơn vị sản xuất nếu như không theo quy định này”.

Thiếu chương trình dạy kĩ năng sống cho trẻ

Bà Ninh Thị Hồng cho biết: “Các chương trình tryền hình dành cho trẻ em đang thiên lệch quá nhiều về giải trí mà thiếu hụt hẳn đi các chương trình dạy kĩ năng sống. Điều đó lí giải tại sao các “sao nhí” nói riêng và trẻ em nói chung chưa có kĩ năng ứng xử, phản ứng đúng cách khi có sự việc xảy ra ví dụ như khi bị đuối nước, bị xâm hại tình dục… Đây nên là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu để trẻ tự biết cách bảo vệ bản thân mình ở những trường hợp khẩn cấp”.

Quỳnh Nguyên

Truyền hình thực tế: Các “sao nhí” đã được bảo vệ đúng mức? - 6