Trùng tu hệ thống giếng cổ nghìn năm
(Dân trí) - Trước sự xuống cấp của giếng cổ nghìn năm tuổi ở Gio An, Gio Linh, Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị đang tiến hành trùng tu nhằm khôi phục nguyên trạng giếng cổ và phục vụ hoạt động du lịch.
Trong hệ thống công trình khai thác nước cổ tại Gio An, Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị đã chọn giếng Đào để trùng tu, khôi phục nguyên trạng và bảo tồn đợt này do tính cấp thiết đây là giếng cổ có niên đại hơn 1.000 nghìn năm, nhưng qua thời gian đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Qua thời gian, cùng với tác động của con người, các giếng cổ đã bị xuống cấp, hư hỏng
Giếng Đào là loại hình tiêu biểu của giếng máng. Loại giếng có hai máng nước bằng đá nguyên khối, được người xưa đẽo ở giữa để nước chảy qua.
Việc bảo tồn hệ thống giếng cổ nhằm lưu giữ nét văn hóa độc đáo
Các hạng mục được trùng tu bao gồm: đường dẫn xuống giếng, bể lắng, máng dẫn nước, bể chứa và hệ thống mương dẫn nước sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Chức, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích - Danh thắng tỉnh Quảng Trị cho biết, vấn đề quy hoạch, bảo tồn, khôi phục hệ thống các công trình nước cổ Gio An là một việc làm hết sức cần thiết. Đợt này, đơn vị thực hiện trùng tu, chống xuống cấp cho một hệ thống công trình khai thác nước cổ là giếng Đào.
Giếng Đào sẽ được khôi phục nguyên trạng để bảo tồn và phát triển du lịch
Để thực hiện tốt việc bảo tồn giếng cổ, toàn bộ khu vực giếng được đánh số thứ tự, chụp ảnh để so sánh, nhằm giữ nguyên trạng sau khi trùng tu, chống xuống cấp. Tất cả các hạng mục này đều được sắp xếp bằng đá mồ côi nguyên khối.
“Trong 2 năm qua, người dân địa phương đã sưu tầm, chuẩn bị 36 m3 đá mồ côi nguyên khối, có một mặt phẳng để phục vụ việc trùng tu, khôi phục giếng cổ. Theo đó, chúng tôi chỉ thay thế những hòn đá bị vỡ do bom đạn chiến tranh, hoặc thiên tai. Việc trùng tu dự kiến kéo dài trong một tháng, với tổng vốn thực hiện khoảng 200 triệu đồng”, ông Chức cho hay.
Cùng với việc khôi phục giếng cổ, hệ thống đường bê tông, bãi đỗ xe và biển chỉ dẫn sẽ được xây dựng để đưa giếng vào phục vụ du lịch.
Hệ thống công trình khai thác nước cổ gồm 30 giếng nước sử dụng chất liệu đá xếp, có kiến trúc độc đáo, đa chức năng, từng phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người. Chính những giá trị mang đậm tính lịch sử, văn hóa độc đáo ấy, năm 2001, Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa & Thể thao và Du lịch) đã công nhận 14 giếng tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Đ. Đức