Quảng Trị: Giếng cổ nghìn năm kêu cứu!

(Dân trí) - Dưới tác động của thiên nhiên cùng với quá trình sử dụng, cải tạo của con người đã khiến hệ thống giếng cổ, có niên đại hàng nghìn năm ở xã Gio An, huyện Gio Linh đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Giếng cổ Gio An là công trình đá có cấu trúc độc đáo, được đánh giá là “có một không hai”, từng phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người bao đời nay. Chính những giá trị mang đậm tính lịch sử, văn hóa độc đáo nên ngày 13/3/2001, Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa & Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định công nhận 14 giếng tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Những công trình độc đáo đang bị xâm hại

Hệ thống 14 giếng cổ Gio An bao gồm: Giếng Côi, Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Trạng, Giếng Đào (ở thôn An Nha); Giếng Gái, Giếng Nậy (thôn An Hướng); Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai (thôn Hảo Sơn); Giếng Máng (thôn Long Sơn); Giếng Pheo (thôn Tân Văn).

Hệ thống giếng cổ Gio An là công
trình đá hết sức độc đáo

Hệ thống giếng cổ Gio An là công trình đá hết sức độc đáo

Hệ thống giếng cổ Gio An được chia làm 3 dạng; dạng giếng có bể lắng và máng dẫn. Đây là những công trình liên hoàn rất quy mô, đòi hỏi sự tính toán kỹ thuật rất cao và chế tác đá công phu. Mỗi hệ thống giếng có 3 bậc. Bậc cao nhất là bãi hứng nước, bãi này rất rộng, có nơi hàng trăm mét vuông, xếp bằng đá cuội lớn, rất cứng. Từ bãi hứng này, nước chảy qua các máng, được đẽo từ đá tổ ong màu đen. Từ các máng, nước chảy xuống bậc thứ 2, gọi là giếng. Giếng này sâu hơn 1 mét, xếp bằng đá cuội lớn. Tiếp theo bể chứa là mương dẫn nước vào các ruộng bên dưới.

Dạng thứ 2 là những giếng được xây dựng ít công phu hơn, chỉ là những bể chứa được đào sâu và xếp bằng đá cuội lớn ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra, làm cho giếng luôn đầy và mát lạnh. Những hệ thống giếng này rất hoàn hảo về kỹ thuật, rất phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang.

 

Người dân vẫn thường đến các
giếng Ông, giếng Bà...để sinh hoạt

Người dân vẫn thường đến các giếng Ông, giếng Bà...để sinh hoạt

Loại hình giếng ao cũng phù hợp
với việc canh tác nông nghiệp

Loại hình giếng ao cũng phù hợp với việc canh tác nông nghiệp

Loại hình thứ 3 là công trình vừa mang hình ảnh những chiếc giếng thường thấy ở các làng xã, nông nghiệp ở đồng bằng, vừa thể hiện rất rõ kỹ thuật xếp đá truyền thống. Người xưa đã biết tận dụng và sắp xếp việc hứng nước, lấy nước, dẫn nước... theo ý đồ của mình bằng cách xếp đá, ngăn dòng, lập bể, lập hồ dựng mương. Đây là kỹ thuật khai thác nước với dạng cấu trúc độc đáo. Dựa trên nguyên tắc bình thông nhau, các ống đá được xếp chồng và nâng mặt nước trong giếng cao lên, từ đó tạo nên độ chênh với mặt bằng của lòng mương dẫn, nước sẽ theo các lỗ khoét trên thành giếng tràn ra ngoài. Đại diện tiêu biểu cho 3 loại hình trên gồm: giếng đào (giếng máng) ở thôn An Nha; giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); Giếng Pheo (thôn Tân Văn).

Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nhận định rằng, hệ thống giếng cổ Gio An được hình thành vào khoảng giai đoạn từ thế kỷ IX - XI thuộc thời đại Chăm. Hệ thống giếng cổ xuất hiện vào thời kỳ cuối của thời đại đồ đá mới, nghĩa là đã trên 5.000 năm tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng. Một số giếng có niên đại hàng ngàn năm, nay bị khô và bị san phẳng không còn dấu tích. Các giếng khác do nhiều năm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự bào mòn của thời gian và không được khôi phục, cải tạo nên đang dần xuống cấp.

Cần bảo tồn giá trị văn hóa cổ xưa

Theo ghi nhận, tại quần thể giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn) tuy vẫn giữ được mạch nước, nhưng theo thời gian đã bị xuống cấp. Những phiến đá mồ côi - vật liệu quan trọng cấu thành các giếng đã bị xáo trộn và không còn giữ được sự trật tự, hoang sơ như trước. Cùng thuộc loại hình như 3 giếng nói trên, nhưng giếng Tép (thôn Hảo Sơn) đã bị san phẳng nay không còn dấu tích.

Giếng Tép đã bị san phẳng, không
còn dấu tích
 Giếng Tép đã bị san phẳng, không còn dấu tích

Bà Lâm Thị Dư (94 tuổi, trú tại thôn Hảo Sơn) cho biết, từ xưa đến nay, các giếng nước đã trở thành điểm sinh hoạt quen thuộc của bà con trong vùng. Không chỉ vậy, hệ thống giếng ở đây đã cung cấp nguồn nước phong phú cho việc sản xuất của người dân. Dù những năm gần đây, địa phương được quan tâm đầu tư nước sạch nhưng nhiều người vẫn tìm đến các giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai để sinh hoạt tắm, giặt.

“Điều người dân chúng tôi cảm thấy buồn là cấp trên chưa có phương án gì để bảo tồn, khôi phục các giếng nước nói trên. Nếu không được khôi phục kịp thời thì hệ thống giếng cổ này sẽ càng bị xuống cấp nặng hơn”, bà Dư nói.

 

Giếng máng tại thôn Tân Văn cũng
bị khô nước

Giếng máng tại thôn Tân Văn cũng bị khô nước

Giếng đào (hay còn gọi là giếng máng) tại thôn An Nha, được xem là tiêu biểu, đặc trưng nhất trong hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An cũng đang bị khô. Theo nhiều người dân địa phương suy đoán, có thể năm nay khí hậu biến đổi, trời ít mưa nên mạch nước ngầm bị cạn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng do tình trạng khai thác đá trong lòng đất một cách tràn lan, chính sự tác động của bàn tay con người đã khiến cho nguồn nước bị cạn kiệt.  

Ông Trần Văn Thuận (82 tuổi, người dân xã Gio An) cho biết: “Trước đây, tại các giếng đều có mạch ngầm chảy ra rất lớn, nước trong vắt quanh năm. Dù người dân địa phương tập trung rất đông để sinh hoạt nhưng cũng không bị cạn. Thế mà bây giờ, ngoài các giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai còn có nước, các giếng khác đều bị khô cạn, người dân cũng không có nước mà sản xuất.

Có lẽ, nỗi lo lắng của ông Thuận trước sự xuống cấp của hệ thống giếng cổ, có niên đại hàng ngàn năm ở Gio An cũng là có cơ sở. Bởi đây là những công trình độc đáo, mang đậm tính văn hóa, lịch sử về một thời kỳ hồng hoang nhưng hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Giếng pheo là một loại hình khá
độc đáo

 Giếng pheo là một loại hình khá độc đáo

Ông Nguyễn Quang Chức, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích - Danh thắng tỉnh Quảng Trị cho biết, vấn đề quy hoạch, bảo tồn, khôi phục hệ thống các công trình nước cổ Gio An là một việc làm hết sức cần thiết. Chẳng những việc bảo tồn ấy sẽ bảo vệ được một hệ thống di tích có giá trị cao về lịch sử - văn hoá mà còn có thể phát huy thành điểm khai thác những thành tựu du lịch lịch sử - văn hoá sinh thái bổ ích cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay chưa thể tiến hành khôi phục toàn bộ các giếng nói trên ngay được mà phải làm dần từng giếng.

“Hiện chúng tôi đang hoàn thiện đề án quy hoạch, khôi phục hệ thống giếng cổ. Dự kiến, đầu năm 2015 sẽ chọn loại hình giếng đào (giếng máng) để khôi phục trước vì nó đại diện cho một loại hình, và việc tôn tạo cũng trở nên cấp thiết hơn. Sau khi hoàn thiện sẽ tiến hành làm đối với các giếng còn lại. Bởi, nếu không sớm được thực hiện, các giếng cổ tiếp tục bị xóa sổ thì không chỉ địa phương Quảng Trị mà quốc gia sẽ mất đi một di tích có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và văn hóa, văn minh của nhân loại”, ông Chức nói.

Đăng Đức