Trung Quốc ra lệnh cấm 120 nhạc phẩm độc hại
(Dân trí) - Mới đây, Trung Quốc đã ra lệnh cấm 120 nhạc phẩm độc hại lưu hành trên mạng dưới mọi hình thức.
Trong số những bài hát bị cấm có những tiêu đề vừa nghe đã thấy phản cảm như “Tình một đêm”, “Giã từ trinh trắng” hay “Tất cả phải chết”. Nhạc phẩm “Không muốn tới trường” có tiêu đề không quá gây sốc nhưng phần lời thì khiến các nhà giáo và bậc phụ huynh phải giật mình: “Việc gì phải học về chất nổ? Tôi muốn cho nổ tung cả cái trường”.
Những bài hát bị cấm này đều là những bài hát tiếng Trung với nội dung cổ súy bạo lực, khiêu dâm thậm chí là phạm pháp.
Sau khi lệnh cấm được đưa ra, bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào còn tiếp tay cho những nhạc phẩm này lưu hành sẽ phải chịu sự xử lý của pháp luật. Bộ Văn hóa Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố công khai về việc cấm 120 nhạc phẩm độc hại vì lý do “gây tổn hại đạo đức xã hội”.
Những bài hát bị đưa vào danh sách đen chủ yếu được viết ra bởi những ca sĩ và ban nhạc không quá nổi tiếng. Từ cách đặt tiêu đề cho tới cách đặt lời đều rất “gây sự” nhằm thu hút sự quan tâm chú ý, theo kiểu “Không tiền không bạn” hay “Nhật ký tự sát”. Danh sách 120 bài hát bị cấm được Bộ Văn hóa Trung Quốc công bố rộng rãi để lệnh cấm được thực thi triệt để.
Danh sách này đã được công khai, bất cứ cá nhân, tổ chức nào vi phạm lệnh cấm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Đồng thời, qua đây, Bộ Văn hóa Trung Quốc cũng yêu cầu các trang mạng nâng cao khâu tự kiểm duyệt đối với những nhạc phẩm cho lưu hành trên trang, để cải thiện chất lượng văn hóa phẩm mà họ cung cấp.
Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa Trung Quốc đưa ra một lệnh cấm như thế này. Báo chí Trung Quốc tin rằng trong tương lai sẽ còn nhiều nhạc phẩm khác bị đưa vào danh sách đen.
Những ca khúc này thuộc dòng nhạc “underground” vốn luôn chứa đựng những chủ đề đa dạng, thậm chí có thể gây sốc đối với người nghe về chủ đề được đề cập và ngôn từ được sử dụng.
Dòng nhạc và những nghệ sĩ “underground” không chịu sự kiểm duyệt gắt gao của các nhà quản lý bởi họ hoạt động tự do, không đề cao tính thương mại, hiếm khi xuất hiện trên sân khấu lớn.
Đúng như cái tên “underground” (ngầm), những ca sĩ này không quá nổi tiếng để đến mức ai cũng biết, họ có nhóm đối tượng khán giả riêng, thường là những người trẻ với khát khao thể hiện cá tính, luôn chứa đựng nhiều tâm sự, trăn trở của lứa tuổi.
Những cá tính, trăn trở đó được thể hiện sinh động, mạnh mẽ bằng dòng nhạc “underground” phá cách, tự do, phóng túng. Tuy vậy, chính vì sự phóng túng, khó kiểm soát này mà một số ca sĩ “underground” đã cho ra những nhạc phẩm “độc hại” đối với người nghe.
Một nhóm nhạc hip hop đang hoạt động tại Bắc Kinh thậm chí có tới 17 bài hát bị cấm. Nhóm nhạc đứng sau những nhạc phẩm như “Nhật ký tự sát”, “Tình một đêm” đã “đăng đàn” mạng xã hội để “bóng gió” về lệnh cấm vừa được đưa ra: “Đêm diễn thì bị hủy, nhạc phẩm thì bị cấm. Thôi hãy ngồi nhà ăn hoa quả, ăn sữa chua và đọc Doremon cho lành”.
Gần đây, Bộ Văn hóa Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đối với những sách truyện, nhạc phẩm độc hại, đồng thời, họ cũng tăng cường kiểm soát đối với lĩnh vực truyền hình, yêu cầu các MC truyền hình phải có bằng cấp mới được làm nghề, hay những chương trình truyền hình thực tế phải phản ánh đúng thực tế, không thể chỉ xoay quanh một bộ phận thiểu số trong xã hội.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail