Trung Quốc đổ lỗi cho truyền thông khi bạo lực gia tăng
(Dân trí) - Trước thực trạng gia tăng bạo lực tại Trung Quốc, nhiều nhà xã hội học của nước này cho rằng, chính báo chí đưa tin quá nhiều và quá chi tiết về từng vụ bạo lực đã khiến vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Việc Trung Quốc gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực bột phát đã khiến một câu hỏi lớn lại được đặt ra: Liệu có phải vì truyền thông đưa tin chi tiết về những hành động tội ác đã khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn, khiến những hành động bạo lực tương tự càng xảy ra thường xuyên hơn?
Nếu quả thực như vậy, truyền thống có cần phải thay đổi cách đưa tin của mình trước những sự vụ bạo lực để tránh khả năng xảy ra những hành động tương tự?
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hoài nghi: Có phải những sự vụ đâm chém, giết người ở Trung Quốc thực sự gia tăng? Quả thực gần đây, những sự vụ bạo lực xuất hiện thường xuyên trên mặt báo hơn. Nhưng vì không có thống kê chính xác, nên rất khó để biết thực sự có phải do số vụ bạo lực tăng lên hay vì truyền thông “thích” đưa tin về những vụ việc gây sốc.
Ví dụ, cách đây 3 năm, truyền thông Trung Quốc từng “rộ lên” việc đưa tin về các vụ tự tử xảy ra ở một nhà máy chuyên sản xuất các đồ điện tử. Trong vài tháng liền, mỗi khi ở công ty này xảy ra một vụ tự tử, truyền thông đều đưa tin rất chi tiết.
Hàng loạt các hãng tin đều đưa ra kết luận rằng công ty này có vấn đề và cần phải thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhân công. Nhưng sau đó, khi các nhân viên điều tra tham gia tìm hiểu vấn đề, họ phát hiện ra rằng tỉ lệ tự tử của công nhân ở nhà máy kia thực tế thấp hơn tỉ lệ tự tử trung bình trong người dân cả nước.
Việc các công nhân ở một nhà máy nọ liên tiếp tự tử sau khi báo chí đăng tải chi tiết về từng vụ tự sát xảy ra ở đây, có thể coi như một hiệu ứng dây chuyền mà báo chí rất có thể là tác nhân chính.
Để minh chứng cho kết luận này, tờ Nhân dân Nhật báo lấy ví dụ về cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” của nhà văn người Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832). Trong tiểu thuyết này, nhân vật nam chính - chàng Werther đã tự sát.
Cuốn tiểu thuyết sau khi ra mắt đã bị chính quyền một số nước Châu Âu cấm lưu hành bởi tỉ lệ thanh niên trẻ tự tử sau khi đọc tiểu thuyết này bỗng tăng đột biến. Sự tồn tại của hiện tượng tự sát nối tiếp là có thật và đã từng được kết luận trong những nghiên cứu khoa học chính thống.
Về việc tội phạm bạo lực ở Trung Quốc gần đây thường có cách thức hành động giống nhau, có thể giải thích rằng: về mặt tâm lý, con người cũng có xu hướng thực hiện hành vi giống những gì người khác làm.
Như vậy, đưa những sự vụ tiêu cực lên mặt báo quá thường xuyên, như giết người hàng loạt, đánh bom sân bay hay người nổi tiếng tự sát… sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà xã hội Trung Quốc đang phải đối mặt.
Vậy truyền thông nên làm thế nào: nên “tảng lờ” hay cố tìm ra một cách đưa tin tích cực nhất có thể? Truyền thông Trung Quốc cho rằng sự chân thực giúp gây dựng lòng tin. Nếu người dân biết rằng truyền thông đang che giấu những câu chuyện bi kịch hoặc cố tình “bọc đường” những hiện thực bi đát, người dân sẽ mất đi lòng tin đối với truyền thông trong nước.
“Xu hướng tiêu cực” là một hiện tượng thường thấy trong tâm lý con người bởi con người thường quan tâm tới những chuyện tiêu cực nhiều hơn. Ngoài ra, sức ảnh hưởng của những thông tin tiêu cực cũng lớn hơn và dài lâu hơn. Giới tâm lý học khuyên người dân nên ít đọc, ít nghe về những sự vụ tiêu cực nhưng nhiệm vụ của giới truyền thông là vẫn sẽ đưa tin về những sự thật đang diễn ra trong xã hội, dù đó là những sự thật bi đát.