Trò đùa đắt giá của… “trái chuối giá 9 tỷ đồng”
(Dân trí) - Bạn dán trái chuối lên tường, người ta nói đó là hành động ngớ ngẩn. Một nghệ sĩ dán trái chuối lên tường, ông ta thu về 9 tỷ đồng. Sự khác biệt nằm ở đâu?
Kể từ khi sắp đặt nghệ thuật “trái chuối dán băng dính” đưa về cho nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan số tiền 390.000 USD (tương đương hơn 9 tỷ đồng), nhiều người đã có những bình luận hài hước, thậm chí châm biếm về sắp đặt nghệ thuật này, cho rằng đó là một trò đùa tếu không hơn không kém.
Thậm chí nhiều người nghi ngờ liệu đây có thể được xem là tác phẩm có tính nghệ thuật hay không. Số tiền mà tác giả Cattelan nhận được từ “tác phẩm” của mình còn khiến câu chuyện bàn luận thêm sôi nổi, bởi ai cũng có thể tạo nên “trái chuối dán băng dính” gắn lên tường, nhưng chỉ Cattelan thu về 390.000 USD.
Nhưng có lẽ không nên đùa tếu đến mức xem nhẹ trái chuối của Cattelan, bởi kỳ thực giá trị của tác phẩm nằm ở chính sự hài hước và những nghịch lý mà nó chứa đựng trong mình. Người ta đùa tếu, châm biếm khi nói về tác phẩm này, nhưng bản thân tác phẩm cũng đang trêu chọc lại thị trường nghệ thuật đương đại, mà trò đùa ấy lại rất đắt giá, giúp đưa về cho tác giả một số tiền không nhỏ.
“Enter Comedian” (tạm dịch: Diễn viên hài) là tên của tác phẩm nghệ thuật vừa được thực hiện bởi nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan, người trước đây vốn nổi tiếng với tác phẩm chiếc toilet dát vàng. Những tác phẩm của Cattelan luôn có khả năng thống trị dòng tin tức về đời sống nghệ thuật trên mặt báo quốc tế.
Lần này, tác phẩm “Enter Comedian” của ông chỉ đơn giản là một trái chuối dán lên tường bằng miếng băng dính xám. Tất cả công chúng đến chiêm ngưỡng tác phẩm đều cố gắng quan sát thật kỹ để tìm ra tính nghệ thuật trong tác phẩm.
Trong thời gian trưng bày triển lãm mới đây, tác phẩm đã giúp thu về cho nghệ sĩ tổng cộng 390.000 USD từ những thương vụ mua bán. Tác phẩm thu hút đám đông tới xem quá lớn đến mức phải gỡ bỏ sớm khỏi triển lãm vì lo ngại cho tính an toàn của những tác phẩm khác trưng bày gần đó.
Một nghệ sĩ có tên David Datuna cũng tham gia vào hàng người đến xem tác phẩm, thế rồi ông điềm nhiên gỡ băng dính, lấy trái chuối và ăn nó. Tác phẩm ngay lập tức được thay thế, bởi người ta chỉ cần đặt một trái chuối khác vào là có ngay tác phẩm mới.
Không có ai lên tiếng cho rằng nghệ sĩ Cattelan đã sắp xếp để Datuna vào ăn trái chuối, nhưng trước đó đã có những người đưa ra giả định rằng chính Cattelan đã dàn dựng vụ trộm chiếc toilet dát vàng khi tác phẩm đang được trưng bày tại cung điện Blenheim (Anh) hồi đầu năm nay. Có một sự tương đồng gây tò mò xung quanh “số phận” của những tác phẩm nghệ thuật lạ lùng này.
Để nói về hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Cattelan: một chiếc toilet dát vàng và một trái chuối dán băng dính gắn lên tường, điểm chung lớn nhất có lẽ là chúng đều... màu vàng. Với chiếc toilet, Cattelan đã biến vàng - thứ kim loại quý giá hàng đầu thế giới - trở thành chi tiết trang trí cho chiếc toilet và còn mời công chúng sử dụng chiếc toilet theo đúng… công năng của nó.
Với trái chuối, có một cách lý giải đằng sau ý nghĩa tác phẩm, đó là tất cả chúng ta đều phải ăn vào, thải ra, lão hóa rồi qua đời. Hơn thế, sau khi ăn, có thể người ta cũng cần… sử dụng toilet.
Những tác phẩm của Cattelan luôn có tính độc đáo, lạ lùng, gây sốc và đều hài hước, châm biếm thế giới nghệ thuật đang bị ám ảnh bởi những con số “trên trời”.
Những tác phẩm của Cattelan đề cao ý tưởng độc đáo hơn là ý nghĩa vật chất của tác phẩm, nó cho thấy một thị trường ngày càng sùng bái những con số, chỉ cần tác phẩm được quan tâm thì những con số “trên trời” sẽ được phát ra để trả cho tác phẩm. Tác phẩm trái chuối cùng đưa ra một thông điệp như vậy, bởi hiển nhiên nhiều người sẽ nói tác phẩm này là một trò đùa, chẳng có gì đáng giá.
Có những nhà phê bình cho rằng Cattelan đang thể hiện tính bi hài của một nghệ sĩ đương đại. Cách trưng bày tác phẩm của ông gợi nhắc lại phong cách của nghệ sĩ người Pháp Marcel Duchamp (1887-1968). Lúc sinh thời, Marcel Duchamp từng lấy xẻng hay bồn tiểu để đặt vào triển lãm rồi gọi đó là tác phẩm nghệ thuật.
Khi ấy, người ta không gán cho tác phẩm bất cứ giá trị thương mại nào và đa số những sắp đặt kiểu này bị ban tổ chức triển lãm vứt bỏ mà không đắn đo. Nhưng thời thế đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Marcel Duchamp, giờ đây, Duchamp đã được xem như một người hùng của nghệ thuật ý niệm - một hướng đi mới của nghệ thuật được công nhận từ hồi thập niên 1960.
Thế giới nghệ thuật hôm nay cũng đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh và không thể bỏ qua yếu tố tiền bạc. Nhiều khi đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất công chúng muốn biết về một tác phẩm. Những sự việc như trái chuối giá 9 tỷ đồng là một điều lạ lùng kỳ diệu của thế giới nghệ thuật vốn đề cao những con số. Trái chuối của Cattelan đáng giá bởi... nó đáng giá, vậy thôi.
Ý tưởng độc đáo của ông được cho là có giá. Mọi tình huống hài hước hay sự châm biếm được đẩy cao xung quanh tác phẩm đều góp phần làm tăng giá trị tác phẩm, bao gồm cả việc có nghệ sĩ ăn trái chuối ngay tại triển lãm.
Cattelan được xem như một nghệ sĩ đầy triết lý trong thế giới nghệ thuật đương đại. Ông không định làm nên cú chấn động ngoạn mục đối với thị trường nghệ thuật. Thay vào đó, tác phẩm đầy tính hài hước của ông cho thấy những ý tưởng sâu sắc đằng sau lớp vỏ hài hước bên ngoài. Sự hài hước, độc đáo đã luôn là một nét gắn liền với Cattelan.
Liệu có ai trong chúng ta dán một trái chuối lên tường và tự hào nói rằng mình sở hữu một tác phẩm của Cattelan hay không? Hẳn chẳng mấy ai muốn trang trí nhà mình... ngớ ngẩn như vậy.
Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ thời Duchamp trưng bày chiếc bồn tiểu, nhưng ý tưởng ấy nếu tái dựng lại vẫn sẽ gây nên sự xôn xao trong công chúng. Tính hài hước trong sắp đặt nghệ thuật vừa khiến người ta cười cợt, vừa đòi hỏi người ta suy nghĩ và trong khi làm được những điều ấy, lại gây được tiếng vang trong dòng chảy tin tức, thì tác phẩm của nghệ sĩ sẽ được trả giá cao.
Bích Ngọc
Theo The Guardian