1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tranh cãi về ý kiến “nghe bolero là thụt lùi”: “Không nên chửi bới Tùng Dương”

(Dân trí) - Trước phản ứng có phần thái quá của một số nghệ sĩ về phát ngôn “nghe bolero là thụt lùi” của ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Tuấn Hiệp thẳng thắn nói: “Ai cũng có quyền nói lên ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình, nhưng không nên mạt sát, chửi bới”.

Theo tôi, phát ngôn của Tùng Dương cũng không phải là không đúng, nhưng nói thật là không đúng thời điểm để phát ngôn như vậy. Lẽ ra, Tùng Dương nói khéo hơn thì sẽ không bị ném đá, đặc biệt từ bởi những nghệ sĩ đã và đang gắn bó với dòng nhạc bolero.

Phải khẳng định những bài hát thuộc thể loại bolero của những thập niên 1960 đến hết 1975 mà các nghệ sĩ đang hát ở thời điểm này thì là hoài niệm chứ còn gì nữa... Để nói sáng tạo thể loại bolero thì rất khó vì đơn giản nó có một tiết tấu duy nhất là Rumbabolero thì muốn sáng tạo khác đi cũng khó, ít chất liệu... Có làm mới thì chỉ là hát bolero theo trường phái nào cho phù hợp với giọng hát mình thôi.

Ca sĩ Tuấn Hiệp chia sẻ với phóng viên Dân trí: Tôi nghĩ, khách quan mà nói, ai cũng có quyền nói lên ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình, nhưng không nên mạt sát, chửi bới. Không nên chửi bới Tùng Dương!
Ca sĩ Tuấn Hiệp chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Tôi nghĩ, khách quan mà nói, ai cũng có quyền nói lên ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình, nhưng không nên mạt sát, chửi bới. Không nên chửi bới Tùng Dương!"

Nhưng ở thời kỳ trào lưu bolero đang được thịnh hành trở lại, với một giọng hát không thuần bolero mà hát thể loại này thì gần như họ tự bao biện cho mình đó là sự sáng tạo, thực chất giọng hát của họ chỉ phù hợp với dân ca, pop, rock..., kiểu như… vụng chèo, khéo chống!

Đúng là “bolero chỉ mang tính hoài niệm”, ngôn từ dễ hiểu, nội dung dễ cảm, dễ đi vào lòng người vì thể loại bolero phát triển mạnh nhất là từ những năm 1960 đến đầu năm 1970 của thế kỉ trước. Dòng nhạc nào thì khán giả đó. Có thể nói, bolero hợp với thị hiếu của khán giả bình dân, những năm 1960-1970 nó còn được gọi với cái tên “nhạc thời trang đại chúng”.

Đối tượng và thể loại bolero cũng khác hẳn với các dòng nhạc khác, không thể đem ra so sánh với đối tượng của dòng nhạc tiền chiến, trữ tình được, điển hình là các sáng tác của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Từ Công Phụng...

Vì bolero viết ở điệu thức đơn giản, ca từ dễ nghe, dễ hiểu, có thể nghe đến đâu hiểu đến đó luôn, không ẩn dụ hay vòng vo gì hết, nó hợp với sự đơn giản và thân thiện của người Sài Gòn xưa. Ví như: “Từ lúc quen nhau chưa nói một lời gì, tỏ tình ta mến nhau/ Nhiều đêm ngắm sao, mơ ước duyên tình mình, suốt đời tình thắm sâu” (ca khúc Sầu tím thiệp hồng)

Còn nhạc tiền chiến hay thể loại âm nhạc ảnh hưởng nhiều từ Tây Âu từ khúc thức đến ca từ thường hay mượn ý thơ thì phải dành cho những trí thức, và cực kỳ lãng mạn mới hiểu hết được. Ví dụ: “Đêm nay thu sang cùng heo may/ Đêm nay sương lam mờ chân mây/Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/Như nhớ thương ai chùn tơ lòng./ Trong cay hơi thu cùng heo may/ Vi vu qua muôn cành mơ say/ Miền xa lời gió vang thông ngà/ Ai oán thương ai tàn mơ vàng” (Con thuyền không bến. sáng tác của Đặng Thế Phong)

Điều đó để thấy rằng, cũng là một sáng tác viết về tình yêu đôi lứa nhưng chỉ mượn con thuyền, hoa lá, ánh trăng để diễn tả tâm trạng, tình cảm.

Tùng Dương gây bão bởi phát ngôn: Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi.
Tùng Dương gây bão bởi phát ngôn: "Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi".

Nhưng nếu nói “không sáng tạo” thì cũng không hẳn, với bolero chỉ cần hát đúng, hát cho ra chất bolero đã là thành công rồi. Mỗi ca sĩ ngoài hát cho ra chất bolero, mỗi người còn có nét riêng, ví như trường phái của ca sĩ Chế Linh hát bolero có phong cách riêng và Lệ Quyên cũng thế có cái lạ và riêng. Mỗi nghệ sĩ có cách hát nhấn nhá, biểu diễn mang đậm dấu ấn cá nhân.

Theo cá nhân tôi, ý kiến của Tùng Dương là nếu tất cả đều hát nhạc bolero thì là điều không nên, có thể khiến nền âm nhạc chỉ tìm về hoài niệm, không thúc đẩy sự khám phá, sáng tạo. Tuy nhiên, dòng nhạc có sống được hay không, nghệ sĩ có hát hay không lại là phụ thuộc vào nhu cầu của khán giả. Nếu khán giả yêu mến, chờ đón thì có cấm cản cũng không được. Cũng giống như nhạc Trịnh Công Sơn, bao năm vẫn thế, khán giả yêu mến chỉ cần được nghe những giai điệu, quen thuộc, đâu cần “làm mới” gì?

Và, dù không thể nói hết tất cả nhưng tôi nghĩ rằng, đó chỉ là quan điểm cá nhân của Tùng Dương. Tùng Dương không thích thì nói không thích, nghệ sĩ khác thích thì nói là thích. Tôi nghĩ, khách quan mà nói, ai cũng có quyền nói lên ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình, nhưng không nên mạt sát, chửi bới. Không nên chửi bới Tùng Dương!

Nguyễn Hằng (ghi)