1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Bolero khiến người ta thụt lùi hay Tùng Dương đang bị thụt lùi?”

(Dân trí) - Đó là câu hỏi của nhạc sĩ Vinh Sử khi bày tỏ phản ứng trước những phát ngôn của Tùng Dương trong một bài phỏng vấn gần đây về dòng nhạc Bolero.

Nhạc sĩ Vinh Sử: “Bolero khiến người ta thụt lùi hay Tùng Dương đang bị thụt lùi?”

Việc Tùng Dương nói: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi” là không đúng. Nói thế là lộng ngôn. Bolero khiến người ta thụt lùi hay Tùng Dương đang bị thụt lùi?

Với tôi, một người học nhạc, biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, ca sĩ nổi tiếng… mà nói Bolero có thể khiến người ta thụt lùi nếu đắm đuối nghe thì đó không phải là ca sĩ nổi tiếng. Tôi không biết Tùng Dương nổi tiếng cỡ nào nhưng mà ở khu vực phía Nam chưa chắc đã có nhiều người nghe âm nhạc của Tùng Dương bằng nghe Bolero.

Nhạc sĩ Vinh Sử. Ảnh: TL.
Nhạc sĩ Vinh Sử. Ảnh: TL.

Nhạc Bolero khi du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60 là ở miền Nam chứ không phải miền Bắc. Thời đó, có nhiều nhạc sĩ đã viết nên những Bolero nổi tiếng như “Đập vỡ cây đàn”. Cho đến sau này, tôi viết những bài “Nhẫn cỏ cho em”, “Vòng nhẫn cưới”… Những bài hát có đó tuổi đời trên 40 năm nhưng vẫn được mọi người yêu mến. Từ tiệc vui cho đến tiệc buồn, từ người sang trọng đến người bình dân… vẫn hát, vẫn thuộc, vẫn yêu.

Người ta yêu, nghe và thuộc Bolero nhưng xã hội vẫn phát triển. Thậm chí, có những người rất thành đạt nhưng cả đời họ chỉ nghe mỗi Bolero. Âm nhạc thuộc về cảm xúc, cái gì có thể khiến cho người ta xúc cảm thì người ta nghe. Cho nên đừng lộng ngôn mà nói Bolero khiến cho con người ta thụt lùi. Có chăng là “đại ca sĩ” Tùng Dương thụt lùi khi có những suy nghĩ và phát ngôn như thế.

Những gì Tùng Dương phát biểu, có thể ngầm hiểu là ông ấy tự hào nói âm nhạc do mình sáng tạo ra có sức sống hơn, có thể đưa con người phát triển… vậy thử hỏi Tùng Dương vào khu vực phía Nam hát xem có ai nghe không. Ông này đang nằm ở một cái ốc đảo sáng tạo hoặc một cái giếng nước nào đó rồi tự mê hoặc về tài năng của mình.

Tôi nói thật, tuổi đời lẫn tuổi nghề của Tùng Dương còn ít, còn trẻ, chưa đủ để thẩm thấu tất cả mọi sự trên đời đâu… nên cần phải biết khiêm tốn khi nói năng. Không nên có những nhận định mang tính bài bác trong âm nhạc như thế.

TS. Phạm Việt Long: “Đừng phân biệt về văn hóa như thế!”

Trước hết, chúng ta cần phải có sự bình đẳng trong văn hoá. Đừng nói văn hóa nào thấp, văn hóa nào cao, miễn nó phục vụ tốt đời sống của con người.

Tại sao dòng nhạc Bolero lại có sức sống bền bỉ như vậy, nó có lí do của nó. Ở đây, mặt mạnh của Bolero mang tính dân gian rất rõ. Tuy rằng, tiết tấu, nhịp điệu… của dòng nhạc này là nhập ngoại nhưng khi về Việt Nam đã được Việt hóa và gắn với những dòng dân ca của Nam Bộ nên rất gần gũi với con người. Nó cũng góp phần an ủi con người. Đặc biệt, dòng nhạc đi sâu vào nỗi buồn, sự mất mát, sự chia ly… để con người có thể gửi gắm vào đó những nỗi lòng của mình. Nó làm cho con người dịu đi trong nỗi buồn thương đấy.

Tiến sĩ Phạm Việt Long (áo đen).
Tiến sĩ Phạm Việt Long (áo đen).

Tuy nhiên, nếu con người ta, cứ buồn thảm mãi sẽ không tốt cho bản thân mình. Nếu mê đắm mãi một dòng nhạc quá buồn thì cũng không nên. Ngược lại, nếu cứ suốt ngày đắm chìm mình trong những dòng nhạc sôi động quá cũng chưa hẳn đã tốt. Con người nếu biết thưởng thức âm nhạc một cách hài hòa sẽ tốt nhất cho cuộc sống.

Tại sao thời gian gần đây người ta tìm đến Bolero nhiều thế? Phải chăng vì đời sống của người ta có nhiều bức xúc nên người ta đi tìm một sự giải tỏa và người ta thấy Bolero có thể giúp người ta vơi được sự bức xúc đó.

Tôi không tán thành ý kiến nói âm nhạc Bolero có thể khiến người ta thụt lùi. Không có thể loại nào tốt, cũng không có thể loại nào xấu, chỉ có người ta có sáng tác ra được tác phẩm nào tốt hay không thôi.

Chúng ta không nên nói thể loại này đẳng cấp cao, thể loại kia đẳng cấp thấp, đừng phân biệt về văn hóa như thế. Thể loại nào có tác phẩm hay, được công chúng yêu quý thì đều có giá trị trong cuộc sống hết.

Ca sĩ Hồ Quang 8: “Tùng Dương đừng kỳ thị Bolero”

Với tôi, Tùng Dương có thể nói không thích và không hát Bolero nhưng Tùng Dương đừng kỳ thị Bolero. Và cũng đừng muốn khán thính giả yêu thích dòng nhạc này bỏ để theo dòng nhạc của Tùng Dương. Đồng ý, Tùng Dương là ca sĩ tài năng, luôn sáng tạo, tìm tòi cái mới, không muốn lặp lại sự nhàm chán.

Nhưng thử hỏi, nếu cứ mãi như thế, với cách trình bày ca khúc cũng như trang phục như thế thì Tùng Dương cũng sẽ bị nhàm chán. Dù có thay đổi đến cỡ nào vẫn không thoát ra được yếu tố cá nhân của ca sỹ.

Ca sĩ Hồ Quang 8.
Ca sĩ Hồ Quang 8.

Nhưng Bolero thì ngược lại. Tôi khẳng định, 50 năm qua, nữ ca sĩ mặc áo dài truyền thống, nam ca sĩ mặc vest lên sân khấu hát vẫn được khán giả yêu thích hết lòng. Những ca khúc đã được sáng tác cách đây hàng 40, 50 năm vẫn đong đầy cảm xúc và vẫn luôn được người ta đón nhận.

Tại sao Bolero tồn tại hàng nửa thế kỷ mà vẫn có sức sống mạnh mẽ hẳn nhiên phải có cái lý của nó. Nó phải mang lại những giá trị cho đời sống văn hóa - tinh thần của con người mới được số đông yêu mến như thế chứ. Và nó cũng phải đóng góp vào dòng chảy chung của âm nhạc Việt Nam mới được nhiều ca sỹ theo đuổi chứ. Rất, rất nhiều ca sĩ nếu không hợp với dòng nhạc này cũng không kỳ thị nó.

Vì thế, nói đắm đuối vào dòng nhạc này sẽ thụt lùi là không đúng. Khán giả người ta đâu phải là những người không hiểu biết về âm nhạc. Có thụt lùi chăng đó là với những người sáng tác ra tác phẩm, phát hành sản phẩm mà khán giả không thẩm thấu được, khán giả không mê được, không thuộc được… Tôi nghĩ, dòng nhạc nào cũng có những điểm mạnh của nó. Các ca sĩ cứ cống hiến hết mình với cái ưu điểm mà dòng nhạc mình đang theo chứ không nên có những sự phân biệt mang tính kỳ thị như thế.

Mạnh Trường