Tranh cãi chuyện bức tượng bị "sàm sỡ" vòng một suốt nửa thế kỷ
(Dân trí) - Một người phụ nữ đã gây tranh cãi trên mạng xã hội khi cho rằng bức tượng nàng Juliet ở Verona (Ý) đã bị quấy rối quá nhiều, bởi các du khách đã không ngừng sờ chạm vào vòng một của tượng.
Bức tượng bị sờ chạm vòng một suốt... nửa thế kỷ
Nguyên nhân của việc du khách không ngừng sờ chạm vào vòng một của bức tượng khắc họa nàng Juliet xuất phát từ niềm tin rằng chạm vào vòng một của tượng, người ta sẽ nhận được may mắn. Bức tượng đã được thực hiện từ năm 1969 bởi nghệ sĩ điêu khắc Nereo Costantini và được đặt ở ngoài sân của một công trình kiến trúc cổ nằm ở thành phố Verona (Ý) từ năm 1972.
Công trình này được giới thiệu là "ngôi nhà của nàng Juliet" và trở thành một điểm đến hấp dẫn du lịch tại Verona. Ngôi nhà cổ vốn thuộc về một gia đình từng sinh sống ở Verona - nhà Capello (một tên họ khá giống với tên họ Capulet của nàng Juliet).
Chính sự tương đồng về tên họ đã giúp nhà chức trách Verona nảy ra ý tưởng kết hợp giữa những gì thuộc về yếu tố giả tưởng trong văn chương, với một công trình cổ của một gia đình từng sinh sống tại địa phương. Từ đó, "ngôi nhà của nàng Juliet" ra đời và trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch.
"Casa di Giulietta" (Ngôi nhà của nàng Juliet) là một điểm đến trứ danh của tình yêu lứa đôi. Nơi này được cho là giúp đem lại phước lành cho các cặp tình nhân, dù câu chuyện tình của Romeo và Juliet quá bi kịch.
Người ta tin rằng việc đặt chân tới ngôi nhà của nàng Juliet chính là chuyến viếng thăm tới "thánh địa tình yêu". Đến đây cùng với "một nửa" sẽ giúp tình yêu đôi lứa bền lâu và gặp nhiều may mắn.
Công trình "ngôi nhà của nàng Juliet" cũng rất hấp dẫn về mặt kiến trúc - nội thất. Công trình được phục dựng hồi thế kỷ 20, các đồ đạc bên trong công trình mang phong cách nội thất của Ý hồi thế kỷ 16-17.
Công trình từng tồn tại trong trạng thái bị bỏ hoang suốt một thời gian dài, sau đó, chính quyền thành phố Verona quyết định phục dựng, rồi biến nơi này trở thành "ngôi nhà của nàng Juliet". Họ tận dụng sự tương đồng giữa tên họ của gia đình sở hữu công trình trước đây và tên họ của nàng Juliet trong vở kịch "Romeo và Juliet".
Khi trùng tu công trình, người ta đã cho xây dựng thêm ban công và gọi là "ban công tình yêu", giống như những gì được khắc họa trong vở kịch. Trong câu chuyện tình yêu của Romeo và Juliet, ban công nhà nàng Juliet chính là nơi bắt đầu của cặp tình nhân trẻ tuổi.
Đáng chú ý hơn cả trong "ngôi nhà của nàng Juliet" là bức tượng đồng được thực hiện dựa trên những hình dung về nàng Juliet. Bức tượng gốc được thực hiện vào năm 1972 đã bị tổn hại qua năm tháng do bị du khách sờ chạm quá nhiều.
Bức tượng gốc từng xuất hiện những lỗ hổng và vết nứt ở ngực phải, cổ tay, cánh tay... Để "cứu" bức tượng, nhà chức trách địa phương đã chuyển bức tượng gốc tới bảo tàng Castelvecchio nằm trong thành phố, để tượng được phục chế và trưng bày trong không gian bảo tàng.
Một bức tượng mới được đặt làm giống hệt tượng cũ, với chi phí vào khoảng hơn 27.000 USD. Bức tượng mới đã thay thế cho bức tượng cũ kể từ năm 2014. Với bức tượng mới, du khách vẫn giữ niềm tin "truyền thống", vẫn tiếp tục sờ chạm vòng một của tượng để lấy may. Bức tượng mới sau 8 năm đưa vào sử dụng cũng đã bị biến màu ở khu vực quanh... vòng một.
Thương bức tượng bị "sàm sỡ"
Mới đây, một người phụ nữ đã thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội sau khi bày tỏ sự lo lắng, thương cảm đối với bức tượng nàng Juliet. Cô cho rằng bức tượng đã bị... quấy rối bởi hàng loạt du khách trong suốt nhiều năm tháng.
Ngay lập tức, đăng tải của người phụ nữ đã thu hút sự quan tâm tranh luận của cư dân mạng. Có nhiều cư dân mạng lên tiếng đồng tình với quan điểm của người phụ nữ, họ cho rằng việc sờ chạm vào vòng một của bức tượng là hành động thiếu văn minh, thiếu tôn trọng.
Trong khi đó, cũng có nhiều người không đồng tình với quan điểm trên, họ cho rằng việc sờ chạm vào vòng một của tượng bắt nguồn từ một niềm tin đã có từ lâu, rằng hành động này giúp đem lại may mắn, vì vậy, không nên soi xét, suy diễn một hành động... vô hại theo cách nghiêm trọng hóa vấn đề.