Trang trọng lễ trao giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cố họa sĩ Dương Hướng Minh

(Dân trí) - Sáng 29/11, tại xã Xuân Dục - Mỹ Hào (Hưng Yên), lễ trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cố danh họa Dương Hướng Minh với 2 tác phẩm hội họa nổi tiếng “Kéo pháo ở Điện Biên Phủ” và “Chèn pháo” đã diễn ra hết sức trang trọng.

Buổi lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cố họa sĩ Dương Hướng Minh được tổ chức tại quê hương tác giả trong không khí vừa ấm áp vừa trang trọng. Tham dự buổi lễ có anh hùng Lực lượng vũ trang, thiếu tướng Lê Mã Lương - Nguyên Giám đốc bảo tàng quân đội, đông đảo nhân dân và bà con quê hương xã Xuân Dục cùng gia đình, dòng tộc của cố họa sị tài hoa.

Họa sĩ Dương Hướng Minh, tên thật là Nguyễn Văn Tiếp (SN 1919) tại làng Xuân Dục - Mỹ Hào (Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình trí thức, là học viên khóa 12 Khoa Hội họa Trường Mỹ thuật Ðông Dương năm 1938, năm 1944 đã có một triển lãm hội họa riêng. Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền hội họa Việt Nam hiện đại.

Trang trọng lễ trao giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cố họa sĩ Dương Hướng Minh
Cố họa sĩ Dương Hướng Minh, tác giả của 2 bức tranh nổi tiếng "Kéo pháo ở Điện Biên Phủ” và “Chèn pháo”.

Với truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và lòng quả cảm của một chàng trai đầy nhiệt huyết, trước cảnh đất nước bị xâm lăng, ông đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ biệt động nội thành quả cảm của Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh. Tháng 12/1954, ông có mặt trên chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc, tham gia đấu tranh thống nhất bằng ngòi bút của mình ở báo Quân đội nhân dân, Nhân Dân. Ông Là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, có công đầu trong việc xây dựng nền mỹ thuật quân đội.

Từ giã khuynh hướng sáng tác lãng mạn của thời kỳ đầu đầy lưu luyến với những tác phẩm Vườn mộng; Trăng, gió, bướm, hoa, ông đến với phương pháp hiện thực bằng tác phẩm tiêu biểu Ðẩy đổ cửa ga Hàng Cỏ mà đi (130 x 160cm).

Trang trọng lễ trao giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cố họa sĩ Dương Hướng Minh
Anh hùng Lực lượng vũ trang, thiếu tướng Lê Mã Lương trao giải thưởng Nhà nước về VHNT cho gia đình cố họa sĩ Dương Hướng Minh.

Sau 10 năm gác bút cầm súng, đến năm 1957, họa sĩ Dương Hướng Minh trở lại hội họa với sự tra đời của bức tranh nổi tiếng “Kéo pháo ở Điện Biên Phủ”. Tác phẩm xuất sắc không chỉ bởi tính chất tuyên ngôn và tính chính luận cao cả của chủ đề  mà còn bởi chất  sử thi oai hùng và sâu lắng, là hiện thân của mục tiêu kiên định, ý chí đấu tranh, sức mạnh đoàn kết, khí phách và chính nghĩa Việt Nam. Tác phẩm này đã  tham dự cuộc Triển lãm mỹ thuật các nước XHCN đầu tiên ở  Moskva năm 1959, sau đó đưa  đi triển lãm lần lượt  ở 8 nước Đông Âu trong 2 năm ( 1960-1961). Năm 1959, Bác Hồ giao cho Thường vụ Hội Mỹ thuật VN và Bộ Ngoại thương phối hợp hoàn thành  trong một năm bức tranh thêu chuyển thể từ tác phẩm Kéo pháo. Và bức tranh thêu này  là món quà Bác tặng Chủ tịch Mao Trạch Đông trong chuyến Bác Hồ sang thăm Trung Quốc.

Trong mảng sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, họa sĩ Dương Hướng Minh còn  có nhiều tác phẩm tiêu biểu: Chèn pháo, Tuyển tập tác phẩm bột màu vẽ về những địa danh, những con người từ các chiến khu Bắc Sơn, Đình Cả, Võ Nhai và Cao - Bắc- Lạng, Trường Sơn, Dù phải đốt cháy  dãy Trường Sơn, Giáp trận, Huyền thoại về cội nguồn, Trường Sơn mùa lá đỏ.

Bức tranh Kéo pháo ở Điện Biên Phủ.
Bức tranh "Kéo pháo ở Điện Biên Phủ".

Và bức tranh Chèn pháo của cố họa sĩ Dương Hướng Minh.
Và bức tranh "Chèn pháo" của cố họa sĩ Dương Hướng Minh.

Họa sĩ Dương Hướng Minh còn có biệt vẽ ký họa chân dung chiến sĩ. Những tác phẩm ký họa để đời của ông là ngay các diện mạo mà ông bắt gặp, quan hệ bạn bè, đồng chí như “chùm” ký họa quý giá của ông về anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và các cán bộ, chiến sĩ trong số 34 người đầu tiên thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, rồi đến ký họa chân dung Tổng Bí thư Trường Chinh (ngày còn trẻ); Nhà thơ, Đạo diễn sân khấu Thế Lữ; Giáo sư Viện sĩ Trần Văn Cẩn; Giáo sư Tiến sĩ Phạm Huy Thông; Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng; Nghệ sĩ Nhân dân Ba Du; Giáo sư Lê Thước; Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm; Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu…

Các tác phẩm “Lão nông hồ hởi” (màu dầu 1967); “Nhà giáo Đặng Đình Áng” (màu dầu 1965); “Chân dung lão nông ca sĩ Quan họ Bắc Ninh” (màu dầu 1940); “Chân dung dì” (màu dầu 1967)…cũng cho ta thấy một cách nhìn biểu cảm chân dung khá sâu sắc với bút pháp từ ký họa đến kiện toàn mà ông thể hiện thật đúng người, đúng chất của ông và của cả nhân vật: vừa nghiêm túc mà hóm hỉnh, vừa dân gian mà bác học.

Năm 1960, họa sĩ Dương Hướng Minh chuyển từ Tổng cục Chính trị về công tác tại Bộ Văn hóa, với  vai trò Ủy viên Ban biên tập của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, ông vẫn tiếp tục sáng tác và kiên định với phong cách riêng khó trộn lẫn của mình. Năm  2001, ông đã vinh dự được kết hợp với Bảo tàng LSQSVN trao tặng tác phẩm sơn mài Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành được độc lập cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp  nhân ngày sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng.

Với những đóng góp có giá trị đặc biệt của ông cho nghệ thuật, danh họa Dương Hướng Minh đã vinh dự được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhân dịp này, thể theo di nguyện của họa sĩ Dương Hướng Minh, di cốt của ông và phu nhân cũng đã được con, cháu và người thân của ông đưa về thăm quê hương trước khi yên nghỉ vĩnh hằng tại Công viên nghĩa trang Kỳ sơn - Lạc Hồng Viên (Hòa Bình).

Anh Thế